Vô vi, tánh Không, trống rỗng, vacantness

無為非不為,無為而無不為。
Vô vi phi bất vi, vô vi nhi vô bất vi.
Làm "Không" chẳng phải là không làm,
làm "Không" mà chẳng có việc chi là không làm.

Triết lý Vô vi trong Đạo Đức Kinh cũng như tánh Không trong đạo Phật thường bị dân gian hiểu sai lầm theo hướng tiêu cực, kiểu như "vô vi" (無為) = "không làm gì cả" (do nothing), và tánh "Không" (hv. "Không tính", 空性; san. śūnyatā, शून्यता) = "không có gì hết" (vacuity). Thực ra nó chẳng tiêu cực cũng chẳng tích cực theo nghĩa của đời mà nó trung dung, ở giữa và bao dung tất cả, nên đạo Phật còn được gọi là Trung đạo. Sở dĩ nó có vẻ tiêu cực là vì 2 lẽ:

  1. Nó dùng để phá chấp của người đời về những thứ được cho là tích cực như: "có nhiều" ("hữu" = "có" đối lập với "vô" = "không"), "đầy ắp" (đối lập với "không" = "trống rỗng"), "làm nhiều" (làm cho mình, làm giúp người giúp đời), "chân lý & quy luật tuyệt đối" (để mọi người tuân theo), v.v.
  2. Những người đắc đạo thường tỏ ra như không xông xáo làm gì hết, không can thiệp vào chuyện của ai hết, người đại trí thường tỏ vẻ giống kẻ đại ngu.

Để tránh hiểu lầm, mình dịch "Vô vi" = "làm-không" (làm cái "Không"), và tánh "Không" = tính chất "Trống" ("trống rỗng", "trống trải bên trong") của vạn vật. "Vô vi" là "làm như không làm", "làm mà chẳng có người làm", vì làm không phải bằng cái Tôi, làm một cách hòa đồng không bám vào ý đồ hay quan niệm của cá nhân mình, làm một cách tự nhiên bình đẳng không thiên vị, nên không thấy "tôi đang làm", nên gọi là "làm-không". Đó là tính chất "vô ngã" (không có cái Tôi) trong hành động, cũng như câu "bố thí mà không có người bố thí mới thực sự là bố thí".

Cái Tôi là cái vỏ ốc cứng, cái ngôi nhà vững chắc để bảo vệ tâm hồn mềm yếu bên trong khỏi những nắng gió bên ngoài. Nhưng cũng chính những bức tường đó đã che khuất tầm nhìn không cho ta thấy rõ sự thật, khiến cho ta làm vì cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài, làm những thứ tưởng là có lợi mà hóa ra là có hại, v.v. Khi đủ sức mạnh bên trong để đối diện với nắng gió khắc nghiệt thì ta không cần tới những bức tường cái Tôi đó nữa, bước ra khỏi nó, ta làm mọi việc một cách tự nhiên, tự do, không còn làm vì sợ hãi, tham lam, bực tức, sận hận, mê đắm nữa. Vì không bị cái Tôi che mờ nên bên trong ta thấy mọi thứ rõ ràng, làm mọi chuyện trong sáng suốt. Vì không còn bị những bức tường cái Tôi ngăn cản nên mọi việc diễn ra một cách trôi chảy, tâm trí được thông suốt, tâm hồn được trống trải, nhẹ nhàng, thanh tịnh. Đó là tác dụng của "khoảng trống" ở bên trong.

鑿戶牖以為室。當其無,有室之用。
Tạc hộ dũ dĩ vi thất. Đương kỳ vô, hữu thất chi dụng.
Cửa cái và cửa sổ được đục ra để làm thành cái nhà.
Nhờ chỗ trống không đó mà cái nhà có công dụng của nó.
– Chương 11. Vô Dụng (無用), Đạo Đức Kinh

Vì quá quen với sự nhồi nhét của xã hội, nên hầu hết chúng ta đều thích được đầy bụng, luôn lấp đầy đầu bằng những ý nghĩ, thích nhồi nhét thêm nhiều kiến thức, luôn tìm cách lấp đầy tâm trí bằng phim ảnh, âm nhạc, truyện, sách, báo, v.v. Sự mê đắm đó khiến chúng ta quên mất công dụng của chỗ trống không: nhờ (cho rằng mình) không biết mà học hỏi được kiến thức mới, nhờ đầu óc rảnh rang trống trải mà suy nghĩ được thông suốt sáng tỏ, nhờ khoảng không trên trời mà chim chóc được bay lượn tự do, nhờ rỗng ruột mà cái trống mới kêu to. Công dụng của khoảng trống được minh họa sinh động qua hình ảnh căn phòng trống (trong khách sạn) trong chương "Vô Dụng" của Đạo Đức Kinh, cũng như trong tiếng Anh "vacant room", "vacation". (Ở đây, "Vô Dụng" nghĩa là "công dụng của cái Vô, cái trống không", chứ không phải là "không có công dụng".)

Khi ý thức được những công dụng tuyệt vời của sự trống rỗng đó, ta tập buông dần mọi thứ ra, tập buông xả, thì như quả bóng xì hơi, cái Tôi của ta xẹp dần lại, thu nhỏ lại. Như kiến chui qua khe cửa, như không khí luồn qua vải thưa, với cái Tôi càng nhỏ bé, tâm trí ta càng tinh tế, ta càng có thể thâm nhập vào nhiều góc khuất của cuộc đời, của thân tâm con người, và của vạn vật trong Vũ trụ. Càng thâm nhập, ta càng thấy rõ tầng tầng lớp lớp bên dưới những thứ đầy đặc nhứt là toàn những khoảng không trống rỗng, cấu tạo nên những thứ có vẻ như bất biến vĩnh cữu lại là những thứ luôn biến đổi không ngừng. Qua đó ta thấy mọi điều ngày trước ta tưởng vậy mà không phải vậy, nên bảo rằng "mọi thứ đều có tính Không", thể hiện thực tế là không có một bản chất bất biến hay một quy luật tuyệt đối nào đằng sau mọi thứ như chúng ta vẫn tưởng. Nhưng cũng nhờ sự trống không vô tận đó mà mọi thứ được biến hóa không ngừng, vạn vật được phát triển phong phú, đa dạng một cách không có giới hạn. Vậy nên nhờ cái "không" bên trong mà sinh ra hết thảy những cái "có" bên ngoài. Đó là tính trung dung của tánh Không và Vô vi.

Thú vị là tiếng Việt ta đã lấy chữ "không" để làm chữ phủ định nói chung, trong khi chữ Hán "không"(空) vốn chỉ có nghĩa là trống rỗng, như "không gian", "chân không". Nhưng cũng vì sự gộp chung đó mà người Việt ta càng dễ hiểu sai Vô vi với tánh Không hơn nữa. Cụ thể, trong tiếng Hán có tới 3 chữ khác nhau để phủ định, hiện rõ qua câu "Vô vi phi bất vi" (làm "Không" chẳng phải là không làm).

  • Vô(無): "không có", phủ định sự tồn tại, đối lập với "có" = "hữu"(有)
  • Phi(非): "không phải", "không là", "không đúng", "không giống", phủ định tính chất
  • Bất(不): "không", phủ định nói chung

Ta có thể phân biệt chúng, như với cùng một chữ "nhân" thì ta có: "vô nhân tính" (無人性) = "không có tính người", "phi nhân" (非人) = "(thứ) không phải là người", và "bất nhân" (不仁) = "không nhân từ, không nhân hậu". Hay giữa "vô lý" (無理) = "không có lý nào" (chưa tìm ra được lý lẽ nào ủng hộ nó, chứ cũng chưa hẳn là có lý lẽ để phản bác nó), với "phi lý" (非理) = "không đúng với lý luận, với logic" (bị phản bác bởi lý lẽ, logic), và "bất hợp lý" (不合理) = "không hợp lý" (tương đương với "phi lý").

Và trong tiếng Việt thì ta có 2 chữ đều dùng để phủ định nói chung là "chẳng"(丕) & "không"(空). Trong đó chữ Nôm "chẳng"(丕) là lấy chữ Hán "bất"(不) gạch chân, còn "không"(空) là lấy nguyên chữ Hán "không"(空) nhưng thêm nghĩa vô.

Học nhiều càng lắm rườm rà,
Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.
Xả buông rồi lại xả buông,
Bụi trần rũ sạch còn thuần Vô vi.

Vô vi huyền diệu khôn bì,
Làm "Không" mà chẳng việc chi không làm.
Vô vi mà được thế gian,
Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.

– Chương 48. Vong tri (Quên đi cái Biết), Đạo Đức Kinh

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
Bài này nói về việc "thu nhỏ cái tôi", hay "teo bụng", tương phản với bài trước nói về việc "thổi phồng cái tôi, hay "dãn bụng":
Tùy duyên, thuận tự nhiên, đối diện và chấp nhận
https://creatzynotes.blogspot.com/2021/04/tuy-duyen-thuan-tu-nhien-oi-dien-va.html

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)