Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

Từ nhỏ mình đã thích những người phụ nữ mạnh mẽ, có lẽ vì ảnh hưởng từ mẹ, nên có duyên tiếp xúc nhiều. Nhưng càng tiếp xúc mình càng thấy người thực sự mạnh mẽ từ bên trong rất rất hiếm, kể cả đàn ông, những kẻ thuộc về "phái mạnh", chứ đừng nói chi đến phụ nữ.

Hôm nay tình cờ đọc phải cái status "tự sướng" này của những người phụ nữ mạnh mẽ, bao nhiêu ký ức đau buồn bỗng dâng trào toàn những kết cục thương đau của người thân mình sau những thời gian dài (có khi cả đời) tự huyễn hoặc bản thân về sự "mạnh mẽ" theo kiểu này:

"Nếu bạn đã từng
Khóc cả đêm mà không để ai biết
Sáng hôm sau vẫn quần áo chỉnh tề và vui vẻ ra khỏi nhà
Thì chắc chắn rằng bạn đã ĐỦ MẠNH MẼ để vượt qua mọi thứ mà KHÔNG CẦN AI GIÚP ĐỠ"
-- PhunuToday.vn
(Xem thêm sác cơ chế "tránh né nỗi đau".)

Có người phụ nữ dù đang rất buồn và khó chịu trong lòng nhưng hễ khách tới nhà là luôn niềm nở tươi cười, thậm chí đối với người mình chẳng ưa tí nào. Thế rồi chồng cũng vô tâm chẳng thấu hiểu, lại chấp cái vẻ ngoài đó nên càng thấy vợ buồn thì càng mời nhiều khách tới chơi vì thương vợ, muốn vợ "đỡ buồn". Nhưng càng phải tiếp khách trong lúc tâm trạng bên trong bất ổn thì lại càng bị stress mà ngay cả người phụ nữ đó cũng không hề hay biết.

Đó là cái bản năng "hoà hợp" của người phụ nữ khiến cho họ dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh, nhưng cũng chính nó khiến cho khổ chủ quên mất rằng nội tâm mình đang gặp vấn đề. Bởi trong hoàn cảnh mới thì hầu như không nhớ gì tới những việc đau buồn trước đó nên đa số người đều lầm tưởng rằng "mình đã vượt qua nỗi buồn/đau" mà không biết rằng "con ma buồn" nó vẫn đang liên tục gặm nhấm tâm hồn mình. Hơn nữa, "các con ma đều sợ ánh sáng, thích bóng tối" nên càng nhốt nó vào bóng tối của sự quên lãng thì nó càng mạnh lên chứ không hề "mất đi" hay "qua đi" như mọi người vẫn tưởng.

... Rồi cái bản năng "thích nghi theo hoàn cảnh" của người phụ nữ đó + với người chồng chấp vào cái vẻ ngoài của vợ khiến cho tới một ngày nọ người chồng mời luôn cả một người bạn về nhà ở cả tuần lễ mà không biết rằng đó là người vợ mình chẳng ưa tí nào. Chỉ đến khi mọi thứ trở nên thái quá như vậy thì người vợ mới bộc phát sự khó chịu của mình đối với người khách mời, và người chồng mới lờ mờ biết ra một ít về sự khó chịu bên trong của vợ mình.

==> 1. Bản năng "thích nghi theo hoàn cảnh" khiến người phụ nữ dễ tự gạt mình bằng cách "hoà vào hoàn cảnh mới để quên đi vấn đề cũ" mà không biết rằng nó chỉ là tạm quên trước mắt chứ về lâu dài thì lại vô cùng tai hại.

Có người phụ nữ khác thì lại "mạnh mẽ" bằng cách tập thói quen tự làm lấy hết mọi thứ, chẳng nhờ vả ai, chẳng chia sẻ gì với ai. Có người còn chơi những trò mạo hiểm như lội suối trèo đèo, lên rừng xuống biển. Có người đã vô tình tập những thói quen đó từ nhỏ, tạo nên "cá tánh" của mình, có người thì dần hình thành những thói quen đó sau những sự cố mất mát tình cảm khi bước vào đời. Nhưng đều có điểm chung là cả thảy đều mang lại cho họ cảm giác "mạnh mẽ" hơn, tự do hơn và tự tin hơn khi không còn phải lệ thuộc vào người khác.

Trong số họ, có người khi tìm được một chỗ dựa vững chắc thì mới vỡ ra rằng "những thói quen mạnh mẽ kia tự đó giờ chỉ là do hoàn cảnh bắt buộc chứ chẳng phải là 'bản tánh' của mình!" Có người thì kém duyên hơn, phải tự làm chỗ dựa cho mình và cho cả gia đình nên buộc phải "mạnh mẽ" như vậy cho tới cuối đời... Nhưng rốt cuộc thì người đó cũng chẳng tìm đâu ra được hạnh phúc mà chỉ biết than trách rằng "Sao cả đời mình dang tay giúp đỡ hết mọi người mà rốt cuộc ai cũng phụ bạc mình hết vậy trời?!"

Đó là vì tuy sanh ra làm "phái yếu" nhưng hoàn cảnh đã bắt họ phải tập theo "phái mạnh" nên tự mình làm nhiều điều quá sức mà không biết. Hơn nữa, với bản năng "nhạy cảm với các sắc thái thể hiện", phụ nữ cảm nhận một cách vô thức rằng "tự làm là mạnh mẽ", "chia sẻ nỗi buồn của mình là yếu đuối", "làm việc nặng là mạnh mẽ", "chơi trò mạo hiểm là mạnh mẽ", v.v. Nhưng cũng chính vì tiếp nhận một cách vô thức mà họ đã không ý thức được rằng đó chỉ là những thể hiện tự nhiên của đàn ông, chứ không phải của phụ nữ. Mà đàn ông là "phái mạnh" nên những điều đó tỏ ra mạnh mẽ chứ chẳng phải cứ làm như vậy là bên trong sẽ "mạnh mẽ lên". Mà hễ cái gì làm trái tự nhiên, làm vượt quá sức mình thì về lâu về dài cũng đều gây hậu quả tai hại, không những cho chính mình (đuối, bất mãn, sinh suy nghĩ tiêu cực), mà còn cho những người thân xung quanh nữa (làm "bia" cho mình trút những thái độ tiêu cực và suy nghĩ tiêu cực).

==> 2. Làm theo những thể hiện mạnh mẽ của đàn ông không tự động biến phụ nữ trở nên mạnh mẽ. Muốn thực sự mạnh mẽ, trước hết là phải biết tự lượng sức mình, kế đến là phải dần dần tập mạnh mẽ lên từ bên trong.
(Xem phần "Chữa lành & Mạnh mẽ từ Bên trong" ở cuối).

Có những người phụ nữ còn vô tình copy cả những phong cách của đàn ông như hút thuốc, nói lớn, hay cách ăn mặc, v.v. để có cảm giác "mạnh mẽ hơn" mà hoàn toàn không ý thức được rằng những thể hiện đó chỉ đơn thuần là hình thức bên ngoài chứ chẳng liên quan gì tới sự mạnh mẽ cả.

Trong những thể hiện của "phái mạnh", có một thể hiện dễ bị nhầm lẫn với sự "mạnh mẽ" nhứt, đó là "bạo lực". Bạo lực dù bằng tay chân hay bằng lời nói hay bằng thái độ, dù là bạo lực với người khác hay với chính mình thì cũng đều là dấu hiệu của sự yếu đuối, bất lực bên trong. Do không đủ sức mạnh tinh thần để đối diện được với thực tế, không thể giải quyết được bằng cách hoà bình nên mới phải dùng tới bạo lực. Vì người đàn ông khi bên trong bất lực thì phải dùng tới sức mạnh bên ngoài vốn có của mình (cơ bắp, giọng nói) để bù đắp cho sự yếu đuối bên trong, nên bạo lực dễ bị lầm là thể hiện của sự mạnh mẽ.

Người phụ nữ không có cấu tạo sinh lý thiên về sức mạnh như đàn ông nên thường không thể hiện bạo lực ra bên ngoài nhưng lại thường "bạo lực" với chính tâm hồn mình để tỏ ra "mạnh mẽ": Kìm nén cảm xúc, phán xét trách móc chính mình, v.v. Những cách đối xử "bạo lực tâm hồn" đó tuy trước mắt có vẻ làm cho mình được "khoẻ hơn", nhưng nếu để đâu không được xả ra, không được chữa lành tận gốc của vết thương thì nó sẽ trở thành những chứng "ung thư tâm hồn" di căn ra khắp tinh thần và thân thể, rất nguy hiểm.

==> 3. Bạo lực là dấu hiệu của sự đau đớn, yếu đuối, bất lực bên trong. Bạo lực tâm hồn (dồn nén, tự trách móc) còn nguy hiểm hơn nữa, vì nó là nguyên nhân của những chứng "ung thư tâm hồn" sau này. Để tránh bạo lực, cần phải học cách chữa lành vết thương bên trong và từ đó mạnh mẽ dần lên từ bên trong.

Chữa lành & Mạnh mẽ từ Bên trong

Thành thật với nỗi đau của mình, đó chính là thứ làm cho tôi bất khả chiến bại.
– Nayyirah Waheed

Muốn mạnh mẽ thực sự thì ta phải chữa lành các vết thương trong tâm hồn mình... nên mới gọi là “lành mạnh”, bằng không thì mọi sự “mạnh mẽ không lành” đều chỉ là lớp vỏ bọc khiến cho vết thương ngày càng ăn sâu thêm vào bên trong.

  1. Muốn chữa trị vết thương thì trước hết phải “mở nó ra” mới thấy được tình trạng nó như thế nào để mà chữa. Hiển nhiên khi mở vết thương ra thì nó phải đau rồi, nên cần kết hợp 2 việc sau:
    • Tìm một người đáng tin cậy để chia sẻ: Có một người đáng tin cậy bên cạnh hỗ trợ và chia sẻ luôn là một điều quan trọng trong lúc trị bệnh. Người này cần phải có tâm lý vững vàng, biết cảm thông, suy nghĩ thoáng, và trong tâm trạng tốt.
    • Buông xả: Hãy để cho những gì tự nhiên nhứt của mình được tuôn ra: đói ăn, khát uống, buồn khóc, vui cười, v.v. Hãy để cho những dòng nước mắt được tự nhiên tuôn chảy, không kìm nén, không bi luỵ, như mưa lũ đầy hồ thì cửa đập được mở ra để cho nước lũ được tuôn trào mà không có gì ngăn cản cả. Có để cho những dòng nước được tự nhiên tuôn chảy như vậy thì chẳng mấy chốc nó sẽ dừng lại, như nước lũ đã xả hết rồi thì thôi vậy.
  2. Khi đã xả hết, dừng lại, thì mình mới được nhẹ nhàng để bình tâm sáng suốt mà mà soi lại chính mình xem mình đã sai chỗ nào để sửa, xem mình đã yếu chỗ nào để tập cho mạnh lên. Nếu tự mình chưa thấy ra được vấn đề hoặc thấy ra vấn đề mà chưa thấy con đường giải quyết thì nên tích cực hỏi những người hiểu biết về nội tâm.
  3. Lặp lại 2 bước trên (1. “mở vết thương ra” (xả) & 2. “giải quyết vấn đề”) cho đến khi các vết thương từ lớn tới nhỏ đều lành lặn thì sức mạnh từ bên trong sẽ tự nhiên hiển lộ. Đó là sức mạnh “đối diện với thực tế”, sức mạnh “kiên nhẫn không thối chí”, sức mạnh “nhẫn nhịn với lòng đầy yêu thương”, v.v.

Fb note 15/03/2021

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
Xin được sửa vế sau của "status tự sướng" kia thành một nhận định đúng đắn hơn:
Nếu bạn đã từng
Khóc cả đêm mà không để ai biết
Sáng hôm sau vẫn quần áo chỉnh tề và vui vẻ ra khỏi nhà
Thì bạn đã làm theo bản năng của một người phụ nữ mạnh mẽ
Nhưng đừng để những biểu hiện mạnh mẽ bên ngoài đó gạt mình rằng "TÔI đã ĐỦ MẠNH MẼ để vượt qua mọi thứ mà KHÔNG CẦN AI GIÚP ĐỠ"
Mà hãy nhớ tập mạnh mẽ lên từ bên trong bằng cách tích cực quan tâm chăm sóc những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn mình, cũng như tích cực tìm kiếm những người có phương pháp chữa trị tâm bệnh để học hỏi và chia sẻ!

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Các tầng Ý nghĩa của các con Số