Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi

Hèm, hồi nãy, vừa nãy thôi, chỉ khoảng nửa tiếng trước, trước khi mình tỉnh dậy để hồi tưởng rồi quyết định ngồi dậy bật máy tính gõ lưu lại những dòng này, mình vừa mới có một cuộc hội ngộ với con ma mang tên Bóng Đè mà mình từng gặp vài lần thuở ấu thơ để rồi bằng bẵng hai mươi mấy năm trời mình tìm lại hoài mà chẳng hề gặp được. Lần này nhờ sự mất ngủ trong chuyến xe đò đêm vừa rồi cùng với vài điều bực bội với phụ nữ đang lẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn mà mình có một cuộc vật lộn nói chuyện với ma Bóng Đè hết sức thú vị và không kém phần kịch tính.

Đùng một cái tự nhiên cúp điện. Hai con mắt mở thao láo trong đêm mà cũng chẳng thấy gì. Cái mùng mới giăng xong nhưng chưa kịp tấn, mình giơ tay ra tấn mùng mà ngộ ghê, sao lại chẳng thể động đậy gì được vậy nè?! Ở tư thế nửa đứng nửa ngồi, nửa trong mùng nửa ngoài mùng mà chẳng cử động được, mình bắt đầu cuống lên nghĩ "Mép dưới cái mùng đang vắt qua đầu qua cổ mình như thế này thì muỗi vô trong mùng hết rồi còn gì! Chó thật!" Chỉ một tí bực bội đó cùng với sự vùng vẫy trong bất lực mà mình đã lịm đi... và... Cố gắng mở mắt ra, hình như chỉ mở được một nửa con mắt. Nhưng lần này thì lại thấy có ánh sáng lờ mờ. Thì ra là ánh đèn hắt lên từ dưới nhà qua lỗ cầu thang. Đây là hướng ngược lại với hướng cửa ra sân thượng hồi nãy, nhưng mình vẫn không thể quay đầu ra ngoài cửa để quan sát được. Lần này thì chẳng thấy cái mùng đâu nữa. Thay vào đó là một cái bóng đen đang đè lên đầu lên cổ mình khiến cho mình đã phải nằm bẹp hẳn xuống sàn. "A ha, Bóng Đè!" Mình ngẫm nghĩ rồi cười thầm... Rồi nhoè đi... Rồi lại mở mắt ra lần nữa, cố nhìn cho rõ cái cầu thang... Từng bậc thang hiện ra rõ hơn, nhưng quay đầu lại thì tuyệt nhiên không được bởi cái bóng kia cứ dí đầu mình xuống đất. Dang chân phải ra, quỳ chân trái lên, chống hai tay, cố chồm dậy, nhưng càng cố càng bất lực, cho đến khi lịm đi...

Tỉnh dậy, nhận thấy là toàn thân và tứ chi vẫn còn bị dán chặt xuống mặt sàn chứ chẳng hề nhỏm mông lên được như hồi nãy, nên mình nhận ra "Nãy giờ mình đang mơ!" Ý nghĩ minh mẫn đó loé lên được một tí thì mình đã quay lại khó chịu với cái bóng đen đang đè nặng trên vai. Cái cảm giác mềm lành lạnh của cánh tay phụ nữ đang choàng qua cổ mình rất nhẹ nhàng nhưng có ma lực giữ toàn thân mình bất động. "A, mày chơi tao à?!" Mình bỗng vùng dậy vật lộn với cái bóng ma đó, nhưng lần này là bằng ý nghĩ chứ chẳng thèm dùng cơ bắp nữa. Thế là mình xoay chuyển được nó, tuy ngập ngụa trong cảm giác ớn lạnh nhưng mình cũng xoay được cái mặt nó ra ánh đèn phía lỗ cầu thang để thấy được một bóng đen tượng hình khuôn mặt...

Hèm ý nghĩ thật tuyệt vời! Nghĩ "Cho tao xem mặt coi" thì thấy được mặt, vậy thử nghĩ đến cái khác xem sao... Mình nghĩ cần phải chụp hình con ma này lại mới được, liền trong tay phải có cái máy chụp hình IXY quen thuộc với cọng dây đã được tròng qua cổ tay đúng tư thế đảm bảo an toàn luôn! Mình giơ tay ra bấm nút chụp vào khoảng đen thăm thẳm thì nghe cái... "rẹt" như bị cháy điện chứ chẳng phải cái "tạch" như bình thường. Thử bấm cái nút nguồn bé tí ở giữa thì thấy chẳng có tác dụng gì (chắc máy bị chập mạch rồi!) Chẳng hiểu thế nào mà mình lại bị con ma nữ đó quăng trở lại tư thế toàn thân sát sàn, và lại mở mắt ra lần nữa... Lần này thì thấy cánh tay phải ở tư thế dang ra hướng tới lỗ cầu thang. Cái máy chụp hình thì đã lọt xuống cầu thang rồi, nhưng sợi dây an toàn vẫn còn trong cổ tay nên mình "biết" (bằng ý thức) rằng cái máy vẫn còn đó. "Biết" một phát thì máy chụp hình liền quay trở lại trong lòng bàn tay (chứ chẳng cần giật lên, mà có dùng cơ tay để giật lên thì cũng chẳng thể được). Lần này mình quay ngược lại chụp chính mình, nhưng không thấy đèn flash đánh mà chỉ thấy nó hơi nhá lên một tí. Vậy là máy móc hư thiệt rồi!

... Thế nào đó mà mình lại tỉnh dậy nữa, lại nhận thức được là mình đã và đang mơ nữa. Cơ bắp và máy móc đã vô dụng rồi, lần này mình nghĩ đến "ngọn đèn chiếu ma" mà dạo này mình vẫn thường dùng lúc thức để soi rọi các con ma lẩn khuất trong bóng tối vô thức. Không động thủ, cũng chẳng động tâm, mình yên lặng lắng nghe từng cảm giác vi tế nhất qua từng bộ phận trên cơ thể mà không xen vào bất kỳ một ý niệm phán xét hay cảm xúc nào hết. Không phản ứng lại, cũng chẳng đuổi theo chúng, cảm giác đến thế nào thì nhận thức đúng là thế đó. Thế là, hiển nhiên, chẳng còn con ma nào dám hiện ra nữa! Mình nhận thức rõ là mình đang nằm sấp. Mình thấy rõ là tay chưn không hề phản ứng với tín hiệu phát ra từ não. Mình nhận thức rõ là mắt đang thấy một vùng sáng mờ. Tập trung nhìn vào vùng sáng đó một hồi, mình thấy ngón tay mình đã có thể cử động. Nhưng lần này là cử động thật chứ không phải do rơi vào giấc mơ như những lần trước nữa. Và cuối cùng mình thấy rõ vùng sáng đó được in lên tường từ đèn ngủ ở phòng mẹ bên cạnh chiếu qua (còn cầu thang thì ở hướng khác và không có ánh sáng hắt lên).

Khoa học của Bóng Đè và sức mạnh của sự bình tĩnh

Phải nói là con ma Bóng Đè lần này đã quay lại để nhắc nhở mình về tầm quan trọng của sự bình tĩnh và cho thấy rằng "ngọn đèn chiếu ma" bằng "ánh sáng của ý thức" không chỉ có tác dụng trong lúc thức mà cũng rất hiệu nghiệm trong những cơn mơ màng như vầy. Trong giấc ngủ thì toàn bộ cơ thể chúng ta bị cách ly cảm giác với não bộ để giúp cho hệ thần kinh được nghỉ ngơi, không bị quấy rầy bởi ngoại cảnh. Không thấy nữa (dù có mở mắt) thì thần kinh thị giác không cần hoạt động, không nghe nữa thì thần kinh thính giác được nghỉ ngơi, và cả 3 giác quan khác cũng vậy. Ngược lại, mọi mệnh lệnh của não phát ra cũng bị cách ly với các cơ vận động của toàn thân để giúp cho cơ thể nghỉ ngơi, không bị quấy rầy bởi những giấc mơ. Trong mơ chúng ta có thể chạy nhảy tung tăng nhưng chẳng hề thấy mệt mỏi là nhờ sự cách li thần kinh vận động đó vậy. Nhưng khi bị "bóng đè" thì có một phần ý thức chúng ta tỉnh dậy, một phần cảm giác (thường là thị giác) được nối lại với não bộ trong khi toàn bộ những cảm giác khác cùng các cơ vận động vẫn bị cách ly. Chính sự cách ly thần kinh vận động này khiến chúng ta có cảm tưởng "bị đè". Cái tình huống "bị đè" đó làm cho chúng ta bị stress và kích hoạt cơ chế tự vệ là lo sợ, hoang mang, tim đập nhanh, thở gấp, dùng hết sức lực (trong đầu) để chống lại. Nhưng càng chống cự thì càng bị stress hơn vì mọi mệnh lệnh chống cự phát ra từ não đó đâu thể truyền xuống được tới tứ chi! Càng bị stress thì tinh thần càng hoang mang và sản xuất ra đủ thứ ảo giác. Tệ hơn nữa là những ảo giác đó lại bị trộn với một phần thực tế được thu vào qua một phần giác quan đã tỉnh (như mắt nhìn thấy lờ mờ). Lúc này chính là thời điểm mà thói quen bình tĩnh (qua luyện tập) phát huy tác dụng:

Hít thở sâu và đều lại sẽ giúp chúng ta ổn định tâm lý rất nhiều (thần kinh điều khiển thở không bị cách ly); khi tâm lý không còn bấn loạn, hãy tập trung lắng nghe những cảm giác một cách khách quan nhất thì ảo giác sẽ bị loại bỏ; dứt khoát không được động thủ (vùng vẫy) cũng như động tâm (ý muốn chống cự hay căm ghét, bực tức với hoàn cảnh) vì chúng chỉ tạo nên ảo giác mà chẳng có tác dụng tích cực nào cả. Khi đã bình tĩnh rồi thì tập trung vào các cảm giác mà mình nhận được, chúng sẽ được làm rõ nét hơn, thần kinh cảm giác sẽ dần được nối lại với não bộ và thần kinh vận động cũng theo đó mà liền lạc trở lại... Kết quả là chúng ta sẽ tỉnh dậy trong sự bình tĩnh. Với những ai hay bị "bóng đè" thì phải thường xuyên tập thói quen bình tĩnh và quan sát mọi cảm nhận một cách khách quan (không căm ghét cảm giác khó chịu, không mê đắm cảm giác dễ chịu) ngay trong lúc đang tỉnh thức này.

Cái Tôi qua các cảm giác và ý thức

Việc quan sát mọi cảm giác và ý nghĩ của mình một cách khách quan không chỉ đuổi được những con ma trong lúc ngủ (như Bóng Đè) mà còn đuổi cả những con ma khi thức (tức giận vô cớ, buồn chán, tâm lý bất an, ...) bởi con ma nào cũng sợ ánh sáng, nhất là ánh sáng của ý thức. Mình đã sử dụng nó như một "ngọn đèn chiếu ma" rất hiệu nghiệm, mỗi khi có vấn đề gì về tâm lý thì mình chỉ cần ngồi lại nhìn thẳng vào nó, khi nhìn thấy tới gốc rễ của nó thì mọi con ma liền tan biến. Mình đã dùng cái nhìn khách quan đó không chỉ để đuổi ma (giải quyết vấn đề) mà còn để tìm ra chính cái Tôi của mình nữa. Bạn có bao giờ thắc mắc "Cái Tôi (ego, ngã) của mình từ đâu mà có và hình dáng nó ra sao?" Bạn có thể cho rằng nó là bẩm sinh từ cha mẹ ra, hay là một cái linh hồn nào đó nhập vào thể xác này. Nhưng nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy cái Tôi đó chỉ là tập hợp của 5 thứ cảm giác (từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và tâm thức của mình mà thôi. Phần tâm thức thì quá phức tạp nên mình không nói ở đây, mình chỉ đề cập đến 5 giác quan thông thường sau đây.

Khi quan sát quá trình tỉnh dậy từ từ sau giấc ngủ, mình thấy rõ việc bước từ thế giới mơ sang thế giới thật (hay việc "quay trở lại thân xác này") thông qua ngũ quan: Lúc chưa tiếp xúc với bất kỳ cảm giác nào từ bên ngoài thì thấy mình bay bổng trong mơ chẳng hề bị ràng buộc "ở đây, lúc này" và những gì mình thấy chỉ như một cuốn phim chỉ có thể quan sát mà không thể nào làm chủ được nó; Một vài giác quan được kết nối thì cảnh trong mơ bị thay đổi theo, như tiếng chó sủa chui vào giấc mơ, cảm giác đang nằm bắt mình trong mơ cũng phải nằm,... có thể nói là không còn hoàn toàn bay bổng nữa mà đã bị ràng buộc một phần vào "ở đây, lúc này" nhưng cái thấy đó vẫn chỉ là cái thấy chứ chẳng hề chủ động thay đổi được; Chỉ đến khi cả ngũ quan được kết nối lại thì mình mới cảm thấy đang "ở đây, lúc này" và làm chủ được mọi ý nghĩ.

Còn các bạn muốn trải nghiệm trạng thái "xuất hồn" hay "thoát xác" thì chỉ cần đeo bộ thực tại ảo (VR, virtual reality) vào sẽ thấy rất rõ. Xem đoạn phim sau về thí nghiệm cánh tay giả, bạn sẽ thấy nội thị giác không cũng có thể "kéo linh hồn ra khỏi thể xác" mạnh đến cỡ nào. Khi nhìn bằng con mắt của người khác, bạn sẽ khó mà thoát khỏi cảm giác mình đang là người đó, khi người đó bị cắt vào tay thì mình liền tưởng như tay mình đã bị tê cứng (do thấy cắt mà không thấy đau), v.v. Những ảo giác đó chỉ có thể chấm dứt khi mình dừng lại để ghi nhận một cách khách quan nhất mọi cảm giác mang đến. Thế nào là "khách quan", đó là khi thấy bất kỳ cái gì cũng ý thức rõ ràng "đây chỉ là hình ảnh", khi nghe bất kỳ điều gì cũng ý thức rõ ràng "đây chỉ là âm thanh". Khi không còn nhầm lẫn giữa hình ảnh của 1 người với chính người đó,  giữa tiếng nói của một người với chính người đó thì mình không còn phản ứng nữa.  Khi đó, quay lại với chính mình, mình sẽ thấy cái Tôi mà mình cảm nhận mỗi ngày, cái Tôi mà mình phải sống cho nó, vì nó, và hết sức phục vụ đó chỉ là những cảm giác được mang lại từ bên ngoài và tích lũy mỗi ngày, rồi chất chồng cao dày thêm theo năm tháng mà thôi.

Bạn có thể cho rằng mọi hành động của bạn xuất phát từ ý thức của bạn và được chính bạn (ý thức) kiểm soát, nhưng bạn chỉ đúng một nửa, à không, một phần nhỏ thôi. Hầu hết mọi hành động của bạn xuất phát trực tiếp từ cảm giác, cũng như đói thì đi kiếm miếng ăn, khát thì đi kiếm thức uống, tay bị đau thì liền rụt lại, thấy cái gì thích thú thì liền lao tới, tất cả mọi hành động của bạn diễn ra trước khi bạn ý thức được nó. Mọi cảm giác (từ cơ thể) và ý nghĩ (từ vỏ não) đều bị cuốn vào một vòng xoáy cảm xúc (vòng Papez) ở chính giữa bộ não, ở nơi được gọi là Hệ Viền (Limbic system). Chính vòng xoáy cảm xúc này quyết định chọn ra hành động nào sẽ được thực hiện tiếp theo và ý nghĩ nào sẽ được diễn ra tiếp theo. "Suy nghĩ" thực ra cũng chỉ là một hành động..., cụ thể, "suy nghĩ" là hành động của bộ não được diễn ra ở thuỳ Trán (Pre-frontal cortex, hay "não phán đoán") mà thôi. Đó là lý do tại sao dù ý thức biết chắc rằng "món đồ này là không cần thiết" nhưng hễ bị dụ dỗ một hồi, cảm thấy "thích" một cái là thế nào cũng móc tiền ra mua :D Nói như thế không có nghĩa là trong lúc "bị dụ" đó chúng ta không có ý thức. Ngược lại, ý thức lúc đó còn rất năng động nữa là khác, nó liên tục đưa ra đủ mọi lý do "rất hợp lý" để ủng hộ việc mua món mình thích và hoàn toàn không đả động gì tới vấn đề "không cần thiết". Cái "ý thức" bị cuốn vào trong vòng xoáy cảm xúc đó là một loại ý thức cấp thấp, rất kém sáng suốt, hầu như chỉ đủ khả năng điều khiển cơ thể và hoàn toàn nô lệ cho cảm xúc. Và não mình tuy rất kém trong việc kiểm soát cảm xúc nhưng lại rất "tài" trong việc biện minh, nó luôn có rất nhiều lý do, lý luận để ủng hộ cảm xúc của mình. Đó là lý do tại sao mọi người đều cảm thấy mình đúng và vô tội ngay trong lúc đang làm điều sai trái, chỉ sau đó (nếu may mắn) chúng ta mới (có thể) nhận ra cái sai mà thôi. Còn ý thức cấp cao đủ để làm chủ cảm xúc và phân biệt giữa cảm giác với thực tế thì rất ít người có thể đạt được.

Ref:

Nhận xét

Mẹ Yêu Con đã nói…
Đọc mà cảm giác sợ hãi quá
Unknown đã nói…
Toi thích bài náy của bạn. Nó cho thấy rõ bản lĩnh tiêu diệt vọng tưởng từ tâm thức của bạn bằng cách quan sát cảm giác thế nào thì để yên như thế ấy, không chút phán xét hay có ý định tiêu diệt, khi thấy rõ được nó thì nó tự nhiên biến mất mà không cần dùng sức. Điều này thật bổ ích và tiếp thêm kinh nghiệm cho tôi.
Unknown đã nói…
Cảm ơn bài viết của bạn. Nay mình cũng bị bóng đè. Rõ cái bóng chồm tay như chuẩn bị lao vào mình. Lúc này đã k cử động đc rồi. Mình thấy sợ khi nó cb lao vào. Đơn giản chỉ niệm danh hiệu Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát là mình tỉnh giấc. Mình biết ý nghĩa giấc mơ ntn nó có liên quan đến con ng hiện tại mình. Nên làm chủ mình trong giấc mơ. Cũng là làm chủ mình trong hiện tại

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)