Căn bản, gốc rễ, cội nguồn

Muốn xây nhà vững chãi, ta phải có nền móng chắc chắn, muốn học giỏi, ta phải nắm được kiến thức căn bản, muốn giải quyết triệt để, ta phải tìm được gốc rễ của vấn đề, muốn phát triển bền vững, ta phải biết rõ cội nguồn của mình.

Chúng ta thường hình dung cái căn bản, cái nguồn ngốc đó như một điểm mà từ đó chia ra thành cành, nhánh lớn, nhánh nhỏ, và cuối cùng tới lá là những thứ cụ thể mà ta trực tiếp thấy, gặp, tiếp xúc trong đời. Nhưng thực ra cái điểm chung đó chỉ mới là "gốc" chứ chưa phải là "rễ", mới là "nền" mà chưa tới "móng", mới là "cội" mà chưa tới "nguồn". Vì bộ rễ bị ẩn dưới đất nên ta thường chẳng thấy nó cụ thể ra sao và chỉ gọi chung "gốc rễ" như một cụm.

Thực ra, cũng như cành nhánh ở trên được tẻ ra từ gốc, bộ rễ cũng có nhiều nhánh tẻ ra từ gốc cây ngầm bên dưới mặt đất. Cành nhánh trên tán lá vươn ra tới đâu thì những nhánh rễ dưới đất cũng phải vươn ra đới đó và còn xa hơn nữa, nếu không thì cả khối cây cao lớn đó chẳng thể nào đứng vững được trên một cái gốc đơn lẻ. Sự rẽ nhánh ngược lại đó còn rõ ràng hơn nữa khi ta nhìn về nguồn gốc hay cội nguồn của mình: Ai sinh ra cũng là hậu duệ của cả cha lẫn mẹ, dòng sông nào cũng bắt nguồn từ vô số con suối nhỏ. Trong thực tiễn, chỉ vì lý do tiện lợi (dễ nhớ, dễ ghi chép, dễ lưu truyền qua nhiều thế hệ) mà người ta thường chọn ra một đại diện trong số nhiều nhánh rẽ đó để gọi là "tổ tiên" là "cội nguồn", như chọn dòng "nội" và bỏ qua dòng "ngoại".

Trong triết học và khoa học cũng vậy, người ta cố công tìm một hoặc một vài cái "gốc", cái "nguyên" (nguyên tố, nguyên lý) mà từ đó sinh ra mọi thứ. Nhưng kỳ thực ở chỗ tận cùng "đầu tiên" đó làm gì có gì cụ thể để có thể nói ra được nên mới gọi nó là "Không", là "Vô vi". Hay nói cách khác thì đó là "vô nguyên", tức "không có cái khởi đầu cụ thể nào". Còn nói cho dễ hiểu nữa thì mọi cái "cội", cái "nguyên" được coi là "khởi đầu" đó, bản thân nó lại được bắt nguồn từ mọi thứ khác: Thời thế tạo anh hùng để anh hùng chuyển xoay thời thế; Mọi thứ sanh Ba để Ba sanh ra mọi thứ, .v.v.

Cả thảy sự nhìn nhận thiên lệch đó đều do cái Tôi cả. Cái Tôi hay "bản ngã" là "căn nhà" hay "cái vỏ ốc" giữ cho tâm hồn yếu đuối này được nguyên vẹn, thống nhứt, được liền một khối. Nhưng nó cũng ngăn cản không cho ta thấy bản chất sâu xa của mình và của vạn vật. Để giữ cảm giác "được nguyên vẹn", cái Tôi không cho phép chúng ta nhìn "xuyên xuống đất" để thấy rằng mỗi cá nhân này là một "mớ hỗn độn" của bao nhiêu linh hồn, quan niệm, định kiến, cùng với bao nhiêu cây trái, xác động vật trộn lại với nhau. Nếu để ý, chúng ta có thể thấy phần nào cha mẹ của mình ở trong mình, nhưng cái Tôi tuyệt đối không cho phép chúng ta thấy những kẻ, những thứ chúng ta ghét lại có ngay ở trong bản thân mình.

Cái Tôi tuyệt đối không cho chúng ta thấy mình có nhiều quá khứ khác nhau và chỉ cho phép chúng ta rẽ nhánh vào tương lai thông qua các lựa chọn (một quá khứ - nhiều tương lai). Nó ăn sâu vào tâm trí chúng ta tới nỗi dù Vật lý Lượng tử đã phải đối diện với tính bất cục bộ (non-locality, một "hạt" có mặt ở khắp mọi nơi trong không gian cũng như tương tác xuyên thời gian), nhưng đa số người vẫn thích giải thích hiện tượng đó bằng diễn giải "đa thế giới": mỗi "lựa chọn" sẽ tạo ra một "thế giới song song"! Không chỉ ở cõi trần, cái Tôi còn in vào cõi tâm linh những khái niệm "cá nhân độc lập" như những vị thần/chúa ở ngoài Thế giới đang điều khiển Thế giới, hay khái niệm về những linh hồn cứ chạy dài từ "kiếp" này sang "kiếp" khác một cách tuyến tính (không rẽ nhánh).

Nhìn xuyên qua bức tường cái Tôi, ta sẽ thấy một bức tranh toàn cảnh về "cây không-thời gian": Mỗi cá thể (người, vật, "hạt") ở hiện tại (tại đây bây giờ) là kết quả của sự "thêu dệt", "nhào trộn" từ nhiều thứ ở khắp nơi trong không gian xuyên suốt qua thời gian quá khứ, để tiếp tục trong tương lai, cá thể này quay trở lại "bung ra", "phát triển" ra khắp nơi trong không gian thông qua ảnh hưởng của mình. Theo cái nhìn của mỗi cá thể thì từ quá khứ đến hiện tại là chiều "hội tụ", như cả bộ rễ hội tụ về gốc, như muôn dòng suối nhỏ hội tụ về sông cái; còn từ hiện tại tới tương lai là chiều "phân tán", như từ gốc chia ra cành nhánh, như dòng sông đổ ra biển cả qua nhiều cửa sông vậy. Hay trong thuyết Tương đối thì có khái niệm nón ánh sáng cũng tương tự như vậy. Qua đó, ta thấy mình chẳng phải "từ trên trời rơi xuống" mà hoàn toàn được sinh ra từ ngay chính thế giới này, và khi chết đi cũng chẳng "đi đâu mất" mà chỉ là trở về với thế giới bao la để tiếp tục một vòng đời mới mà thôi. Khi hội đủ nhân-duyên, mọi thứ trong Thế giới họp lại thành một hình hài, ta được sanh ra; suốt quãng đời, ta liên tục vừa nhận vào (hội tụ) vừa cho ra (phân tán); đến "hết hạn" thì các nhân-duyên đó tan rã ra để trả về cho Thế giới chuẩn bị cho những sự hội tụ khác. (Xem thêm về nhân-duyên-nghiệp-quả.) "Tan rã là để tái hiện", vòng lặp đó được thể hiện sinh động qua hình xuyến xoắn (spirorus) bên dưới.

Bonus:

  • WWW: Bộ rễ cây tỏa ra không chỉ để giúp cây đứng vững và hút được nhiều nước, chất dinh dưỡng, mà nó còn liên kết với cả mạng lưới vi nấm chằng chịt dưới đất để liên lạc, trao đổi chất, chăm sóc cây con, chăm sóc cây già bệnh, .v.v. Mạng lưới đó được gọi là "Wood Wide Web" (như "World Wide Web" của con người hiện đại).
  • Từ ngữ Hán-Nôm: "Căn bản" là một từ Hán-Việt gồm "căn"[根] = "rễ" và "bản"[本] = "gốc", nên vốn nó cũng có nghĩa là "gốc rễ" hay "cội rễ", nhưng đã được chuyển sang nghĩa trừu tượng hơn. Còn "vốn" trong "vốn có" thì là một chữ Nôm nhưng cùng gốc với chữ Hán "bổn"/"bản"[本], nên "tiền vốn" = "tiền gốc", "mắng vốn" = "mắng phụ huynh của nó". Chữ "vốn"[本] đó lại có tự hình là chữ "mộc"[木](cây) được gạch ngang ngay dưới gốc cây để đánh dấu. Tới lượt mình, chữ "mộc"[木] lại có tự hình cổ là cả 2 phần trên dưới đối xứng: phân nhánh cành lá & phân nhánh bộ rễ ().
  • Tiếng Anh: Nếu trong tiếng Việt có phân biệt rõ giữa "gốc", "rễ" và "thân" thì trong tiếng Anh lại hầu như chẳng có danh từ riêng cho cái "gốc". Về nghĩa "gốc rễ" nói chung thì họ dùng từ "root" (rễ) hay "origin" (nguồn gốc), mà chúng ta đều dịch ra là "gốc": "root cause" = "nguyên nhân gốc", "root directory" = "thư mục gốc", "axis origin" = "gốc tọa độ". Còn trong sinh học thì có các từ liên quan đến "gốc" như "stock" = "thân chính, thân gốc", "stump" = "gốc còn lại sau khi cây bị chặt", "bole" = "thân cây dưới tán (trước khi phân nhánh)", "trunk" = "thân cây", "stem" ="cuống" ("stem cell" = "tế bào gốc"). Tham khảo thêm các bộ phận của cây:
    Còn trong xây dựng thì foundation (nền móng) có chia làm base (nền) và footing (móng) rõ ràng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)