Trí tuệ = Thái độ HỎI (ASK) Vô ngã

Muốn biết thông tin hay kiến thức thì ta phải hỏi (tìm hiểu, nghiên cứu cũng là một cách hỏi); nhưng hỏi như thế nào để được câu trả lời xác đáng (mà không bị từ chối, hoặc bị chửi chẳng hạn) thì đó cũng là một kỹ năng; và quan trọng nhứt chính là ở thái độ hỏi.

Đa số người lớn chúng ta trong đời hay thốt ra nhiều câu hỏi nhưng không thực sự muốn hỏi mà chỉ muốn thể hiện ý bất bình của mình (câu hỏi tu từ) kiểu như "sao nó có thể làm như vậy được?!!" Đó là thái độ "biết rồi", thái độ "cái tui/tao nghĩ là đúng". Ngay cả khi ta muốn hỏi thì ngầm bên trong vẫn luôn có những thái độ khó chịu và ít nhiều không chấp nhận rằng "mình không biết". Chính cái cảm giác rằng mình đã biết hết mọi thứ rồi đó đã khiến đa phần người lớn chúng ta tự đánh mất khả năng học hỏi những điều sâu sắc hơn.

ASK (Hỏi) = Attitude (Thái độ) - Skill (Kỹ năng) - Knowledge (Kiến thức)

Có một câu cách ngôn phương Tây nói rằng "Không phải tài năng mà chính thái độ mới quyết định đẳng cấp của bạn cao hay thấp." Còn những hạt giống tâm hồn như "thắng không kiêu, bại không nản" thì được đúc kết trong câu "Điều gì xảy đến với bạn không quan trọng bằng thái độ bạn tiếp nhận nó." Với thái độ tích cực thì sự may mắn và thành công sẽ trở thành đôi cánh nâng đỡ mình, còn thái độ tiêu cực lại biến chúng trở nên những cám dỗ dẫn dụ ta lao tới vực thẳm. Với thái độ tích cực thì sự khó khăn, đau khổ, thất bại sẽ trở thành bài học, thành động lực quý báu cho sự trưởng thành bên trong, còn thái độ tiêu cực lại khiến chúng giật ngược ta xuống hố sâu. Thái độ chính là cốt lõi, là cái "gốc", dựa trên đó mà "cành nhánh" kỹ năng mới được vận dụng để "tán lá" kiến thức và thông tin được áp dụng một cách hiệu quả vào mọi việc trong đời. Đó chính là "cây năng lực" của con người chúng ta. Nhưng chúng ta thường chỉ tập trung vào cái "tán lá" um tùm, thu thập nhiều thông tin, học nhiều kiến thức, mà ít khi rèn luyện "cành nhánh" kỹ năng sống, và hầu như quên bẵng việc điều chỉnh cái "gốc" thái độ của ta đối với mọi chuyện.

Trong các thái độ tích cực như trung thực, tự tin, nhiệt tình, cởi mở, hợp tác, ..., thì thái độ "bình tĩnh, đối diện & chấp nhận" là thứ sinh ra trí tuệ sáng suốt. Và quả thực khi so với tháp tri thức (Trí tuệ > Kiến thức > Thông tin > Dữ liệu), ta thấy cái đỉnh "trí tuệ" (wisdom) nằm ngang hàng với cấp "thái độ" trong cây năng lực.

Trí tuệ = Thái độ "Hỏi" = Vô ngã Thức

Chữ "wisdom" trong tiếng Anh ngoài nghĩa "trí tuệ" (sự sáng suốt) còn có nghĩa "thông thái" (sự học rộng hiểu nhiều). Và sự thông thái đó không phải có được bằng sự nhồi nhét kiến thức mà nhờ thái độ hỏi một cách chân thành, hỏi ngây thơ như đứa trẻ, hỏi vì mình không biết. Hay như nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại Socrates thì "Trí tuệ thực sự nằm ở chỗ mình biết rằng mình chẳng biết gì cả." Tại sao vậy? Vì nếu ta có cảm giác "đã biết rồi" thì hễ gặp thứ gì sai lệch một tí so với những gì ta "đã biết" là ta phản ứng tiêu cực ngay, ta phán xét, phủ nhận, chối bỏ, thậm chí trốn tránh. Những phản ứng tiêu cực đó ngăn cản chúng ta tiếp thu và học hỏi cái mới. Ngược lại, thái độ "chưa biết gì" giúp mình như một đứa trẻ ngây thơ mở to mắt nhìn thẳng vào mọi sự, mọi thứ dù nó có trái ngược với quan niệm, định kiến, hay những gì mình đã biết, nên nó cũng đưa tới thái độ "bình tĩnh, đối diện & chấp nhận" (nêu trên), nhờ đó mà ta học hỏi thêm được nhiều thứ. Thái độ "hỏi" (không biết mới hỏi) đó không những giúp mình mà còn giúp người giúp đời, như Socrates đã giúp nhiều người ngộ ra chân lý chỉ bằng những câu hỏi. Và mình cũng từng giúp vài người giải quyết vấn đề của họ chỉ bằng cách chuyển tất cả những câu hỏi tu từ của họ lại thành câu hỏi đơn thuần; khi họ tìm ra được câu trả lời cho các câu hỏi đó thì những gút mắc, bực bội, khổ tâm của họ được giải quyết.

Những phản ứng tiêu cực khi "biết rồi" đó là những phản ứng của cái Tôi nhằm bảo vệ mình, bảo vệ những thứ thuộc về Tôi, như kiến thức của tôi (tôi biết thế này là đúng, thế kia là sai), quan điểm của tôi (tôi cho rằng nó phải thế này, không được thế kia), v.v. Còn với thái độ "hỏi", tức "chưa biết gì" thì khi gặp cái gì ta thấy rõ là cái đó (see "as-is", thấy "như thị") chứ không bị che khuất bởi bức tường cái Tôi (bản ngã), không bị biến dạng bởi lăng kính cái Tôi nữa. Vì thế trí tuệ cũng chính là cái thấy như thị đó, tức là cái thức vô ngã, đạt được nhờ sự chuyển hóa từ "thức" thành "trí", như trong Duy Thức tông của Phật giáo.

Chú thích

  1. Đối diện (facing): Đây là thái độ nhìn thẳng không né tránh. Không nên nhầm lẫn với thái độ "đối đầu" (confrontation), vì khi đối đầu, ta không ngẩng thẳng mặt lên mà hơi cúi mặt xuống!
  2. Chấp nhận (acceptance): Đây là thái độ không chống đối, không chối bỏ, không trốn tránh. Không nên nhầm lẫn với thái độ "bỏ mặc", "làm ngơ" (sao cũng được) hay "buông xuôi", vì đó là những thái độ tiêu cực trong khi "chấp nhận" là một thái độ tích cực.
Source: fb 9/4/2021

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)