Nhân Duyên Nghiệp Quả
Nhân-Duyên-Nghiệp-Quả & Luân hồi
Vòng Luân hồi của Nhân-Duyên-Nghiệp-Quả-Nhân-Duyên-Nghiệp... |
- Nhân (hetu) là những hành động và suy nghĩ ("suy nghĩ" là hành động của đầu óc) mà mình đã thực hiện trong quá khứ, trong đời này và cả những đời trước.
- Duyên (pratyaya) [†] là những hoàn cảnh, điều kiện hỗ trợ từ bên ngoài.
- Nghiệp (karma-vāsanā, saṃskāra, saṅkhāra) [‡] là những thứ được hình thành và phát triển lên từ sự tích tụ của Nhân + Duyên, bao gồm từ những thứ đơn giản dễ thấy như "thói quen", đến tính cách con người và những thứ khó thấy tưởng như "trời định" mà chúng ta hay gọi là "số phận". Sau khi được hình thành, Nghiệp tiếp tục phát triển nhờ sự chăm sóc (tưới nước, bón phân) của các Nhân tương tự kế tiếp và nhờ sự hỗ trợ liên tục của các Duyên ở khắp xung quanh.
- Quả (phala) là những gì chúng ta nhận được khi Nghiệp đã phát triển tới đủ độ và gặp đúng Duyên (như thời tiết, mùa trổ bông, mùa ra trái). Quả luôn đi kèm với những những "hương vị", có thể "ngọt" như vui sướng, hạnh phúc, cũng có thể "đắng" như đau khổ, sầu não, v.v. Và cách chúng ta nhận Quả, những hành động chúng ta phản ứng với những “hương vị” của Quả đó lại chính là Nhân của Nghiệp-Quả tiếp theo.
Quả-Nhân-Duyên-NghiệpDo tính đặc trưng của Nhân & Quả mà người ta thường thu gọn lại chỉ gọi là "luật Nhân - Quả":
Một người do các Nhân lành ở đời trước mà đời này sinh ra được hưởng Quả ngọt là một trí thông minh hơn người. Nhưng do không biết chánh pháp nên trong lúc hưởng Quả ngọt đó, người này lại gieo Nhân bất thiện qua những ý nghĩ khinh thường người khác. Những ý nghĩ khinh người đó cộng với cái Duyên của những người xung quanh đều thể hiện ra là “kém thông minh hơn” (có cả những người kém thông minh thật, lẫn những người thông minh hơn nhưng không thích thể hiện) dần hình thành nên Ý Nghiệp của người này là thái độ kiêu căng ngạo mạn. Với thái độ kiêu ngạo đó, người này lại gieo Nhân bất thiện qua những lời quát mắng, phỉ báng người khác. Những lời thô lỗ đó cộng với cái Duyên là những người có quan hệ gần gũi đều nhường nhịn còn những người xa lạ thì chẳng thèm bận tâm đáp trả, khiến người này dần hình thành nên Khẩu Nghiệp là thói quen nói lời thô lỗ xúc phạm người khác.
Duyên-Nghiệp-Quả
Dần theo năm tháng, Ý Nghiệp và Khẩu Nghiệp của người này phát triển tới độ gặp người rõ ràng là thông minh hơn mình nhưng vẫn có thái độ kiêu ngạo, dù nhiều lần được người ta nhắc nhở “ăn nói phải có chừng mực” nhưng vẫn thốt ra những lời thô lỗ. Đến khi người này gặp đúng Duyên của một người lạ rất khoẻ mạnh nhưng đang bất mãn tột độ vì đã bị "bọn khôn lanh xảo quyệt" lừa lấy hết tất cả, thì cái Quả đắng liền trổ ra: Hai người chỉ có một va chạm nhỏ trên đường thôi, nhưng với Ý Nghiệp và Khẩu Nghiệp nặng nề của mình, người này đã buông lời miệt thị, xúc phạm đến lòng tự trọng của người kia; người kia với tâm lý "không còn gì để mất" cũng chẳng thèm đáp trả mà lao thẳng vào đánh người này đến trọng thương.
- "Nhân nào Quả nấy." Hạt cam thì ra trái cam chứ chẳng thể ra trái quít được (dù chúng rất giống nhau).
- Tuy Quả là kết quả của cả Nhân + Duyên, nhưng mình chỉ có thể chủ động thay đổi cái Nhân (hành động của chính mình). Nên để cho chính mình được tốt hơn (nhận quả ngọt) thì chỉ cần chú ý quan hệ "Nhân → Quả" là đủ.
- Nhân thì nhỏ xíu (hạt cam nhỏ) nên khó thấy, nhứt là những Nhân bất thiện (khó tự nhận ra mình đang làm những điều bất thiện), còn (Hoa) Quả thì lại thơm tho màu sắc sặc sỡ rất bắt mắt. Nên ở đời người ta thường chỉ thấy cái Quả (sướng, khổ, tai nạn, v.v.) mà chẳng thấy cái Nhân tương ứng của nó, chẳng biết do chính mình gieo cái Nhân "nhỏ xíu" kia ngày trước mà bây giờ lại trổ ra cái quả to khủng khiếp thế này.
- “Một tay che trời”, bất chấp Duyên: Do tài giỏi và/hoặc thấy được những quy luật nhân quả trước mắt mà nhiều người cứ nghĩ “tôi làm thế này chắc chắn thành công” mà quên rằng một hạt giống gieo lên đá (không thuận Duyên) thì có tưới nước mãi cũng chẳng thể mọc lên cây mà trổ quả cho được.
- Hấp tấp, bất chấp Nghiệp: Nhiều người vừa làm việc (gieo Nhân) xong đã đòi hỏi phải nhận được Quả ngay mà quên mất rằng cây (Nghiệp) nào cũng cần thời gian phát triển cho thành thục rồi mới có khả năng trổ quả. Cũng bởi hấp tấp mà nhiều người nhìn nhầm Nhân-Quả, lấy Quả đắng của cái nhân ác từ lâu trước đây (bây giờ mới trổ quả) gán cho cái Nhân thiện mình vừa mới gieo, nên cứ trách “sao tôi làm việc thiện mà cứ nhận điều đau khổ thế này?”
Đám mây Duyên và khu rừng Nghiệp
Nút vô tận, biểu tượng của Nghiệp (Karma) |
Như đất mẹ bao la là nơi cây cối mọc lên, như mây bay trên trời làm mưa tưới nước cho cây phát triển, phần Duyên gồm những điều kiện ngoại cảnh, môi trường tự nhiên và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ sự phát triển của cây Nghiệp, có thể thúc đẩy nó sớm trổ Quả, hay trì hoãn, thậm chí ức chế không cho Quả được trổ. Bởi Duyên bao la như đất, khó nắm bắt như mây trên trời nên nó thường được dùng để ví như “số phận trời định”. Người thấy rõ sức mạnh của Duyên thì không bao giờ chống lại Duyên mà luôn khéo léo nương theo nó, đạo gọi là “tuỳ Duyên”, còn tục gọi là “thuận Tự nhiên”. Nhưng “tuỳ Duyên” không có nghĩa là “tuỳ tiện”, “thuận Tự nhiên” không có nghĩa là “bỏ mặc, buông thả”, dù ranh giới giữa chúng mong manh như sợi chỉ mành giăng giữa trời. Muốn “tuỳ Duyên” được thì phải thấy rõ các Duyên một cách khách quan, xưa gọi là “thấy được Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà”. Đó là cả một nghệ thuật, cả một quá trình khổ luyện liên tục quan sát chứ chẳng phải “cứ mặc cho nó tới đâu thì tới!”
Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã gieo biết bao nhiêu là hạt giống (Nhân), thiện có, ác có, lớn có, nhỏ có, chúng đã phát triển lên thành không chỉ một cây mà cả một khu rừng rậm của Nghiệp. Nghiệp lớn Nghiệp nhỏ đan xen nhau, Nghiệp thiện (cây thẳng) Nghiệp ác (cây gai góc) đan xen nhau, rồi cả những Nghiệp “dây leo” quấn chằng chịt lên các nghiệp khác nữa, tạo thành một mạng lưới hết sức phức tạp giống như biểu tượng cái nút vô tận bên trên vậy. Chính sự phức tạp này ngăn không cho chúng ta thấy rõ quan hệ Nhân-Quả, và thường hay nhầm lẫn “Nhân này gán cho Quả kia”. Cũng vì không thấy đường trong khu rừng rậm này, đạo gọi là “Vô minh”, nên chúng ta thường gán luôn cả khu rừng Nghiệp đó cho “số trời định”.
Rốt cuộc, sau khi chúng ta gặp quá nhiều trái đắng (Quả thất bại, đau khổ), do duy ý chí (bất chấp Duyên), do hấp tấp (bất chấp Nghiệp), do không nắm bắt được các Duyên, do không thấy đường trong khu rừng Nghiệp, và do chẳng thấy được các Nhân nhỏ bé mình đã gieo xuống từ lâu, thì chúng ta đổ hết là “tại ông Trời”, phó mặc cho “số phận”, đổ hết cho “mọi thứ đều là Duyên”, hòng trốn tránh trách nhiệm của chính mình khi đã gieo vô số Nhân bất thiện trong quá khứ.
* Chú thích
- † "Nhân Duyên sanh" hay "Duyên khởi", tiếng Phạn "Pratītya-samutpāda", là nguyên lý nói lên sự tương quan của mọi thứ với nhau, rằng bất kỳ một thứ gì cũng đều được sanh ra và hợp thành từ những thứ khác chứ không có thứ gì là hoàn toàn độc lập cả. Trong đó, thứ sanh ra thứ khác được gọi là "duyên" nói chung. Trong các duyên sanh ra một thứ thì thường được chia ra cụ thể hơn, gồm "duyên chính" mang yếu tố quyết định, gọi là "nhân", và những "duyên phụ" hỗ trợ thêm bên ngoài, gọi tắt là "duyên".
- ‡ "Nhân Quả" hay "Nghiệp lực", tiếng Phạn "Karma", là quy luật vận hành của tâm thức cùng vạn vật, rằng kết quả (Nghiệp-Quả) chính là sự tích tụ của các nguyên nhân (Nhân + Duyên). Khi nói riêng về con người thì những Nhân quyết định Quả chính là những hành động của thân & tâm, nên những hành động đó cũng được gọi là "nghiệp", như "thiện nghiệp" và "ác nghiệp" là những việc làm tốt và xấu của thân, miệng, ý (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp). Những việc làm "nghiệp" đó khi tích tụ đủ và gặp đúng Duyên phù hợp thì sẽ trổ ra Quả tốt tương ứng với nghiệp thiện và Quả xấu tương ứng với nghiệp ác, gọi là "nghiệp quả" hay "quả báo". Cơ chế vận hành của Nghiệp hết sức phức tạp nên cách nói thông thường "luật Nhân-Quả" với ấn tượng đơn giản "nhân nào quả nấy" rất dễ gây hiểu lầm. Để tránh sự nhầm lẫn đó, trong đạo Phật thường hay dùng thuật ngữ "Nghiệp lực" để chỉ sự vận hành của Nghiệp xuyên suốt từ Nhân-Duyên tới Nghiệp-Quả. Trong bài này "Nghiệp" được hiểu theo nghĩa là sự tích tụ của Nhân + Duyên lên thân-tâm con người, tức là "nghiệp tập khí" (karma-vāsanā). Sự tích tụ đó còn được gọi là "hành" (saṅkhāra, saṃskāra) vì nó là động lực ẩn giấu bên trong thúc đẩy con người thực hiện hành động phản ứng lại với hoàn cảnh bên ngoài (Duyên).
Nhận xét