3 cấp độ Định
Khi nói tới "định", ta thường nghĩ tới sự tập trung tư tưởng, như trạng thái tâm đạt được thông qua thực hành thiền chỉ (śamatha, concentration meditation). Nhưng ở đây mình dùng chữ "định" (samādhi) để nói tới trạng thái tâm cân bằng ("xả", equanimity), mềm dẻo, trong sáng, vững chắc trước mọi hoàn cảnh, giống như tâm đạt được nhờ thực hành Tứ thần túc. Nếu thiền chỉ (śamatha) tương đương với cấp đầu tiên "tĩnh định", thì 2 cấp sau "động định" và "thức định" là khả năng định tâm cần thiết để thiền quán (vipassanā) nhằm phát huy trí tuệ sáng suốt trong cuộc sống hằng ngày.
- Tĩnh định (định vào cái tĩnh, absorption into the static, ◯): Đầu tiên là định tâm vào một đối tượng tĩnh, như hình vẽ, vòng tròn, quang cảnh, một điểm trên cơ thể, v.v. Đây là cách nhiếp tâm, trói tâm vào một đối tượng tĩnh để cho nó yên lặng lại, và thường được áp dụng cho người mới tập thiền. Kế tiếp, hành giả ngồi thiền hoặc đi thiền tập trung vào một đối tượng chuyển động lặp đi lặp lại như hơi thở, câu niệm phật, tiếng mõ, bước chân, v.v. Tuy đối tượng "động" nhưng vì lặp đi lặp lại nên cũng chỉ là một vòng tròn và vẫn thuộc về "tĩnh định". Tập tĩnh định là để tâm được định tĩnh, yên lặng, bình tĩnh, nên còn được gọi là "an chỉ định" (appanā samādhi) theo ngài Phật Âm (Buddhaghoṣa) trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo. Đây là trạng thái định đạt được nhờ "giới": tránh những thứ làm loạn tâm, tập trung vào những thứ giúp tâm thanh tịnh.
- Động định (định vào cái động, absorption into the dynamic/flow, ↑): Đây là khả năng nhập tâm vào luồng vận động bên ngoài cũng như bên trong, thực hiện các hoạt động phức tạp của cả thân lẫn tâm một cách nhuần nhuyễn, bền bỉ, tập trung, và đầy năng lượng tích cực. "Động định" tương đương với trạng thái "flow" trong tâm lý học hiện đại, và có thể được luyện tập qua Tứ thần túc, thể hiện rõ ở "tâm thần túc". Nếu tĩnh định là sự vững chắc như bàn thạch thì động định là sự mềm dẻo nhưng mạnh mẽ như cây roi mây hay như dòng nước. Đây là trạng thái định đạt được nhờ "quán": tập trung quan sát luồng vận động không ngừng của cả ngoại cảnh lẫn nội cảnh.
- Thức định (định vào cái thức, absorption into the consciousness, 👁/=): Đây là trạng thái tâm cân bằng ("xả", equanimity), mềm dẻo, trong sáng, vững chãi đối diện với bất kỳ điều gì xảy ra "trước mắt". Thức định có thể được luyện tập qua Tứ thần túc, thể hiện rõ ở "quán thần túc". Nếu trong cuộc sống viễn ly (xuất gia), lúc nào ta cũng có thể dừng lại để tĩnh định, và trong dòng đời hối hả, lúc nào ta cũng có thể nhập vào dòng chảy để động định, thì khi gặp nghịch cảnh hoặc phải giải quyết những vấn đề nan giải, đầy hỗn loạn, cách tốt nhất là ta thức định bằng cách đối diện với tất cả những gì ta đang "thấy" (đang nhận thức được) với tâm chấp nhận & buông xả. "Chấp nhận" là chấp nhận mọi cảnh đang diễn ra "trước mắt" mà không chống đối lại nó, "buông xả" là buông ra những thứ mình "cho rằng", những quan niệm, định kiến, kinh nghiệm đã có trong tâm nhưng đang mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra và xả bỏ những phản ứng của thân tâm đối với cảnh. Khi đó ta không dựa vào ngoại cảnh (vì không có chỗ bình yên bên ngoài), cũng không dựa vào bất kỳ kinh nghiệm quá khứ nào đã tích tụ bên trong, chỉ dựa vào chính cái thấy, cái thức mà thôi. Khi đó, cái "thức" nổi lên ngay giữa biển hỗn loạn đó như một hòn đảo bình yên, tịch tĩnh, như mắt bão ở giữa cơn bão tố cuồng phong vậy. Ở hòn đảo tịch tĩnh mà nhà phật gọi là "niết bàn" (nirvāṇa) đó, ta có thể giữ "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", hoặc có thể dịch chuyển đi một cách uyển chuyển bằng cách hướng tâm hơi lệch khỏi tâm hòn đảo về phía cần di chuyển. Sự dịch chuyển này cần phải làm hết sức khéo léo và tinh tế như làm xiếc giữ thăng bằng đi trên sợi chỉ mành giăng giữa không trung, hay như đi giữa các tập hợp fractal vậy. Để giữ được thức định trên "sợi chỉ" mỏng manh đó, ta cần luyện tập xả để làm mịn cái thức của mình, làm cho nó thanh tịnh đến mức vô ngã (tức không còn bị lệ thuộc vào kinh nghiệm quá khứ), biến nó thành trí tuệ = vô ngã thức. Đây là trạng thái định đạt được nhờ "xả": không bám chấp vào cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, không tập trung cũng không ly tán.
Xem thêm bài "Cái Thức thanh tịnh nơi Mắt bão" về cấu trúc của cái Tôi và Ý Thức qua hình tượng cơn bão (lốc xoáy), và bài "Chấp nhận được là tình thương" về những trải nghiệm trong đời của mình.
Nhận xét