Chữ Quốc ngữ & chữ Nôm

« 倅 𢞅 㗂 越 㗂 圭 茄 »
“Tôi yêu tiếng Việt tiếng quê nhà !”

Thuở nhỏ mình thấy ngài Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) được tôn vinh như cha đẻ của chữ quốc ngữ (chữ QN) thì cứ nghĩ rằng nó được sáng tạo hoàn toàn bởi một người Pháp. Nhưng sau này khi nghiên cứu và thảo luận với các bậc cao Nôm ở Viện Việt Học thì mình mới được biết rằng đó là công sức tập thể của cả những cố đạo phương Tây (Bồ-Pháp) lẫn nhiều người Việt. Nhưng danh tính của những người Việt đó thì chẳng được ai biết tới. Hôm nay mình viết bài này hòng dung hòa giữa 2 cực đoan: Có người vinh danh chữ QN mà lại cố tình lờ đi chữ Nôm (𡨸 喃), một sáng tạo độc đáo của dân tộc; Có người lại bảo chữ QN là chữ của bọn xâm lăng!

Nhận xét

  • Chữ Nôm đã được sáng tạo và phát triển cả ngàn năm trước chữ QN với nhiều tác phẩm và tinh hoa của dân tộc. Tuy nhiên, cũng như chữ Hán, chữ Nôm khó học hơn nhiều so với chữ QN, và đó là rào cản lớn cho những ai muốn tiếp cận di sản khổng lồ này. Tuy nhiên, bước sang thiên niên kỷ thứ 3 này, việc học, tra cứu và đọc viết chữ Nôm đã trở nên thuận tiện hơn nhiều với sự hỗ trợ của máy tính và mạng Internet. Đây là cơ hội để chúng ta giúp chữ Nôm được hồi sinh (xem các trang web và công cụ chữ Nôm ở cuối bài).
  • Các cố đạo phương Tây có công lớn trong việc sáng tạo chữ QN, đáng được vinh danh, với đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây!" Dù cho mục đích của việc sáng tạo đó là phục vụ cho công cuộc truyền đạo, nhưng không thể vì đó mà phủ nhận tâm huyết của họ đối với tiếng Việt.
  • Cùng với hệ tư tưởng chung của Công giáo La-mã đương thời, các giáo sỹ nói chung và Đắc Lộ nói riêng đã không tránh khỏi tư tưởng coi Công Giáo là thượng đẳng dẫn tới việc miệt thị các tôn giáo khác và tín ngưỡng dân gian. Điều đó thể hiện rõ trong tác phẩm "Phép giảng tám ngày" của Đắc Lộ: miệt thị Phật Thích Ca, đả phá tục cúng cơm cho tổ tiên, v.v. Điều này gây cản trở lớn trong việc nhìn nhận công lao của ông trong công cuộc hình thành chữ QN. Tuy nhiên ta nên phân biệt rõ công & tội.
  • Từ thời Pháp thuộc, nhiều nhà tri thức và cách mạng người Việt cũng ủng hộ chữ QN vì tính tiện dụng của nó khiến cho các tầng lớp bình dân đều có thể tiếp cận được tri thức.

Lược sử


Thời trung cổ: Ngàn năm hình thành và phát triển chữ Nôm

  • Từ thế kỷ 10, sau chiến thắng của Ngô Quyền kết thúc 1000 năm bắc thuộc, người Việt Nam đã bắt đầu sáng tạo ra chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt (thuần Việt chứ ko phải Hán-Việt): Chữ Nôm có thể mượn chữ Hán như lấy chữ 沒[một] để đếm "một, hai, ba", dù nó vốn là chữ Hán có nghĩa "chìm mất", như trong từ "mai một"(埋沒). Nhưng cũng có nhiều chữ được chế ra để ghi những âm hoàn toàn không có trong tiếng Hán-Việt, như 𠄩[hai], 𠀧[ba] (số 3), 爸[ba] (ba má), v.v.
  • Đến Nhà Trần ở TK 13 thì đã bắt đầu có những tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm. Thời đó cũng có Hàn Thuyên là nhân vật nổi tiếng làm thơ Nôm. (Ông Thuyên vốn có họ Nguyễn, nhưng do vua thấy ông giỏi sánh ngang với Hàn Dũ nhà Đường nên đặt cho ông là "Hàn Thuyên".)
  • Nhà Hồ ở TK 14 đã có nhiều nỗ lực dùng chữ Nôm làm chữ chính thức, như dịch kinh sách Nho giáo ra chữ Nôm, soạn thơ Nôm để giảng nghĩa Kinh Thi, v.v.
  • Từ nhà Lê (sơ) ở TK 15, các tác phẩm chữ Nôm bắt đầu nở rộ, nổi tiếng như "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, "Hồng Đức quốc âm thi tập" của vua Lê Thánh Tông và hội Tao đàn Nhị thập bát Tú, "Bạch Vân quốc ngữ thi tập" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v. Thời đó đã có từ điển Hán-Nôm, như cuốn "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa".

Thời cận đại: Giao thoa giữa chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

Thế kỷ 17:
  • Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, văn học Công Giáo được viết chủ yếu bằng chữ Nôm. Nhưng song song đó, chữ QN cũng dần được hình thành dựa trên chữ cái Latinh.
  • Francisco de Pina là giáo sỹ Bồ Đào Nha đã sáng tạo nền tảng cơ bản của chữ QN ở giai đoạn đầu.
  • Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) là giáo sỹ Pháp đã hệ thống hóa. chỉnh lý và định chế chữ QN qua cuốn tự điển Việt-Bồ-La (VN - Bồ Đào Nha - Latinh), cuốn tự điển tiếng Việt bằng chữ QN đầu tiên.
  • Các giáo sỹ phương Tây khác như Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Girolamo Maiorica, Antonio de Fontes, và nhiều người Việt khác đã đóng góp trong quá trình phát triển của chữ QN.
Thế kỷ 18:
  • Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), Jean-Louis Taberd và các giáo hữu Đàng Trong đã chỉnh lý chữ QN thành dạng gần với chữ QN ngày nay.
  • Văn học chữ Nôm phát triển cực thịnh với nhiều tác phẩm nổi tiếng cho tới ngày nay như hằng trăm bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, và của Bà Huyện Thanh Quan, "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm, "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, cùng nhiều tác phẩm khuyết danh khác như "Thạch Sanh", "Trê Cóc", "Nhị độ mai", "Tấm Cám", "Lưu Bình Dương Lễ", v.v.
  • Nhà Tây Sơn ở cuối TK 18 đã chính thức (bắt buộc) dùng chữ Nôm trong văn bản hành chính để nêu cao tinh thần tự chủ của nước ta.

Thời hiện đại: Chữ QN dần thay thế chữ Nôm.

Thế kỷ 19:
  • Năm 1838, cuốn từ điển Việt-Latinh "Nam Việt – Dương Hiệp Tự vị" được xuất bản, trong đó tiếng Việt được viết bằng cả chữ Nôm và chữ QN.
  • Năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán". Từ đó, sau 2.5 thế kỷ hình thành phát triển và lưu truyền, chữ QN được chính thức sử dụng và được phổ biến.
Thế kỷ 20:
  • Năm 1915 đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn của chữ Hán-Nôm qua kỳ thi Hương cuối cùng. Từ đó người Việt bắt đầu mù chữ Hán-Nôm.
  • Chính phủ Trần Trọng Kim (tháng 4-8/1945) dùng chữ QN làm chữ chính thức trong hành chính, văn hóa.
  • Sau đó, cả chính phủ VNDCCH (miền Bắc) lẫn VNCH (miền Nam) đều dùng chữ QN làm chữ viết chính thức.

Thời @ Internet: Bảo tồn và phục hồi chữ Nôm.

  • Năm 1993, chính phủ CHXHCNVN ban hành 2 bộ tiêu chuẩn mã hóa chữ viết là TCVN 5712:1993 mã hóa chữ QN dựa trên bảng mã ASCII 8 bit, và TCVN 5773:1993 mã hóa chữ Nôm trong bảng mã 16 bit.
  • Năm 1991, bảng mã Unicode ra đời để mã hóa toàn bộ chữ viết của nhân loại. Ngay trong phiên bản đầu tiên, Unicode 1.0 (16 bit) đã bao gồm toàn bộ chữ cái của chữ QN cùng một số chữ Nôm.
  • Năm 2001, hơn 9 ngàn chữ Nôm được mã hóa trong bộ TCVN 6909:2001 và trong Unicode 2.0, trong đó khoảng một nửa là chữ thuần Việt (không trùng với chữ Hán).
  • Từ đầu TK 21 đến nay, các tổ chức và cá nhân đã và đang tích cực phục hồi chữ Nôm với hằng loạt từ điển, font chữ, phầm mềm gõ chữ, trang web:

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
Bây giờ font chữ đã đầy đủ (phủ gần hết các chữ Nôm). Chứ như hồi 2005, mình viết có một đoạn thơ Kiều thôi mà lủng lỗ chỗ: https://creatzynotes.blogspot.com/2005/02/truyn-kiu.html

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)