Giáo dục ở thời đại “trên mây”
Không thầy đố mày làm nên, nhưng học thầy không tày học bạn. Học trong sách không thể bằng học thực tế, học trong trường không thể bằng học ở nhà và học ngoài xã hội. Và quan trọng hơn hết chính là... **tự học**.
Vậy "tự học" là gì? Có phải là 1 loại kiến thức? Rõ ràng là không! Có phải là 1 loại kỹ năng? Phải, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhứt, đó là 1 **thái độ** cốt yếu của người học.
Tháp Giáo dục
Học hình thức (công thức, điểm số, v.v.) không bằng học kiến thức, học kiến thức không bằng học kỹ năng, và học kỹ năng không bằng học thái độ (tinh thần, ý thức, tư duy). Vì sao? Vì thái độ tốt mới sinh ra kỹ năng và kiến thức tốt, kỹ năng & kiến thức tốt mới sinh ra hình thức tốt **thực sự**. Vì thế, tuy ai cũng bắt đầu từ cái dễ là học hình thức (copy, bắt chước), nhưng đừng quên qua đó mà rút ra kiến thức của mình; có kiến thức rồi đừng quên rèn luyện cho nó thành kỹ năng (phản xạ, thói quen) của mình; và qua cả thảy quá trình đó, đừng quên hình thành một thái độ đúng đắn cho mình.
Vậy làm sao để truyền đạt được cái lõi thái độ? Đây là điều khó nên ít người dám đụng tới, hoặc thậm chí là chưa nghĩ tới, ngay cả chưa biết tới. Nhưng thời thế đã đổi thay, ở thời đại máy tính sắp thay thế hết các nghề "cơ bắp" của con người này, thì nghề giáo cũng nên quay về với **trí tuệ**, thay cho phong trào "thợ dạy" bấy lâu nay. Mình xin tóm tắt cái "vòng xoắn ốc lịch sử" của giáo dục một tí nhé:
Lịch sử Giáo dục
Từ xưa, rất xưa, khi giáo dục còn chưa thành 1 nghề, khi người thầy còn là một vị rất cao, hơn hẳn người thường, thì các vị thầy đó dạy đệ tử một cách trực tiếp (apprenticeship), tuỳ từng đệ tử khác nhau mà lựa cách phù hợp để làm cho "khai ngộ" khác nhau. Thuở đó ko có thuyết giảng, ko có lý thuyết, đệ tử học bằng chính những trải nghiệm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày thông qua tấm gương là thầy mình. Đến khi xã hội phát triển hơn thì kiến thức cần phải được phổ cập hơn cho đại chúng chứ không được "xa xỉ" và "cao cấp" như vậy nữa. Thế là các vị thầy mới viết thành bài để giảng, rồi in thành sách để truyền tụng, rồi hình thành nên trường lớp để học tập trung, rồi dần dần chuẩn hoá các bài giảng, các cách đánh giá (thành ra bài thi), v.v. Tất cả đều nhằm mục đích phổ biến kiến thức ra càng rộng càng tốt, đến được tới càng nhiều tầng lớp nhân dân càng tốt, và cuối cùng hình thành nên các hệ thống giáo dục chính quy như hiện nay. Mà càng đi theo chiều rộng thì chiều sâu phải bị hạn chế lại, rốt cuộc người ta biết tới giáo dục chỉ còn là một mớ bài giảng, công thức, lý thuyết,... đến độ 99% người ngoài ngành giáo mà mình gặp đều hình dung nghề của các giáo viên là "tụng đi tụng lại cứ 1 bài có sẵn trong sách đó!" :D Nhưng lịch sử luôn là những vòng xoáy trôn ốc. Bây giờ đã tới lúc cần phải quay lại với giáo dục theo chiều sâu, vì phần phổ cập rộng rãi đã được máy móc đảm nhiệm hết rồi. Kho tri thức nhân loại đã được đẩy lên "mây" hết rồi, các thầy không cần phải dạy kiến thức nữa mà chỉ cần hướng dẫn học trò lên trên "mây" để tìm mà thôi. Nhưng cái quan trọng hơn là các thầy phải tạo được **cảm hứng** cho các trò tự lên đó mà tìm chứ ko còn có thể "nhồi sọ" được nữa. Đó là quay trở lại dạy "thái độ" chứ ko còn dạy kiến thức hay hình thức nữa. Mình tin chắc là 10 năm nữa thì các giáo phu (thợ dạy) sẽ thất nghiệp hết :p
Nhưng nói tới nói lui vẫn là phải "dạy thái độ". Vậy dạy thái độ như thế nào? Cái này xin lỗi là không có công thức chung. Đã là chiều sâu thì mỗi thầy phải tự chiêm nghiệm và tự giáo dục mình chứ không thể đi học (phổ cập) hay làm theo những cách công nghiệp, rập khuôn như hồi đó giờ được nữa. Tuy nhiên, mình cũng xin gợi ý 1 số hình thức hỗ trợ như sau: (Mình thay "thầy/trò" bằng "tiên sinh / hậu sinh" tức người đi trước chỉ đường lại cho người đi sau.)
Kỹ thuật "đảo ngược quy trình" giáo dục
- Dạy và học dựa trên vấn đề thực tế: Đặt hậu sinh vào hoàn cảnh thực tế (hoặc giả lập); khơi dậy tính tò mò và những **động lực** khiến hậu sinh dấn thân vào việc tìm hiểu để giải quyết. Qua đó, tiên sinh khéo léo hướng dẫn hậu sinh tiếp cận những kiến thức cần thiết, tạo điều kiện cho hậu sinh rèn luyện những kỹ năng cần thiết. Ở đó, tiên sinh chính là tấm gương cho hậu sinh noi theo, là người đã thông thạo đường lối chỉ đường lại cho hậu sinh đi.
- Thay thuyết giảng (truyền đạt 1 chiều) bằng hỏi đáp (tương tác 2 chiều): Khi hậu sinh hỏi tiên sinh thì đó mới đúng là cái mà hậu sinh quan tâm, khi đó câu trả lời của tiên sinh mới thực sự đi vào lòng hậu sinh. Tiên sinh có **lắng nghe** hậu sinh thì mới hiểu được hậu sinh, thì sự truyền đạt mới thực sự "trí tuệ". Tiên sinh không chỉ lắng nghe câu hỏi của hậu sinh mà còn phải biết hỏi gợi ý để dẫn đường và lắng nghe câu trả lời của hậu sinh.
- Thay thi cử (đánh giá tuyến tính) bằng định hướng (đánh giá đa chiều): Đậu/rớt, điểm cao/thấp là một thứ quá máy móc, quá thiếu nhân tính. Nó giống như cách đánh giá 1 sản phẩm trong dây chuyền sản xuất hơn là 1 con người. Bởi không có người ngu hay dở thực sự, chỉ có người chưa may mắn tìm ra được điểm mạnh của mình. Với vai trò là người đi trước đã thông thạo đường đi lối về, tiên sinh phải đánh giá toàn diện 1 hậu sinh để chỉ cho hậu sinh đó thấy "con đường này là phù hợp với em". Để đánh giá toàn diện thì hiển nhiên ko thể chỉ dựa vào vài chục phút cắm đầu trong bài thi, mà phải là cả 1 quá trì liên tục đánh giá, phản hồi và nhận phản hồi trong suốt khoá học (continuous evaluation & feedback). Nghĩa là 90% thời gian và công sức của tiên sinh phải dành cho việc này thông qua hỏi đáp (kỹ thuật b), thông qua tiếp cận với hậu sinh trong thực tế (kỹ thuật a). 10% còn lại là soạn kiến thức và hướng dẫn hậu sinh tiếp cận kiến thức. (Hiện trạng bây giờ là ngược lại, 90% là soạn bài và giảng bài, chỉ 10% cuối cùng là để đánh giá... *một chiều*.)
Nhận xét