Văn Hóa Trong Tên Gọi Người Việt

Xét ở góc độ văn hóa, tên gọi là một trong những yếu tố phản ánh rõ nét dấu hiệu của văn hóa gia đình. Nó liên quan đến truyền thống gia đình, nếp sống gia đình, tín ngưỡng, quan điểm giáo dục và cả trình độ học vấn của cha mẹ. Trong văn hóa cổ truyền, việc đặt tên con cháu là việc hệ trọng của gia đình, gia tộc; là một loại việc không cẩu thả được.

Trước hết, tên con cháu thường do ông bà hoặc người có vai vế trong họ đặt cho. Tục lệ này thể hiện rõ nét tính liên tục và tính truyền thống của văn hóa gia đình. Ông bà hay những người có vai vế thường là người hiểu biết rộng hoặc nắm được hệ thống tên của những thành viên trong dòng họ, tên các vị cao niên trong làng, thậm chí tên thành hoàng làng, thần thánh... Nhờ đó, việc đặt tên con cháu sẽ phù hợp với hệ thống, lại tránh trùng lặp mắc tội "phạm húy".

Chính điều này quyết định việc đặt tên thường được tiến hành trước khi đứa trẻ ra đời. Trong lúc người mẹ mang thai, ông bà cha mẹ hầu như đã chuẩn bị đặt tên bé. Nhiều gia đình chọn ngay những cái tên có giá trị "nối tiếp" với tên cha hoặc tên mẹ. Chẳng hạn, tên cha là Khải, tên con là Hoàn; tên mẹ là Thuần, tên con là Thục... Những gia đình phong kiến thường chọn cách đặt tên theo cung cách vua quan xưa, tức là chuẩn bị một dãy tên để "đặt dần". Thực tế đã có nhiều gia đình đặt đúng và đủ các tên trong dãy.

Có người cho rằng, tên của người Việt nếu không có nghĩa thì thôi, chứ đã có nghĩa thì nghĩa phải hay, phải tốt. Ý kiến này chưa thật đúng. Bởi vì tên thường có nghĩa, nhưng không nhất thiết nghĩa phải hay, phải tốt. Nhiều gia đình nông dân quan niệm đặt tên xấu xí cho con để "dễ nuôi" vì không phạm vào trời đất và các đấng linh thiêng. Quan niệm này thường dẫn đến hai cách đặt tên.

Cách thứ nhất là dùng từ chỉ các dụng cụ sinh hoạt như: nồi, niêu, bát, đĩa... dụng cụ sản xuất như: cày, bừa, cuốc, thuổng, cột, kèo, để đặt tên. Cách thức thứ hai là dùng các từ chỉ giới tính thuần túy như: cu, hĩm, đĩ, cò, gái... để đặt tên, thậm chí có người đến lớn mới có thêm một tên nữa kèm với cái "tên giới tính": cò Nam, đĩ Nhung... Nhiều gia đình lấy các từ chỉ cỏ cây hoa lá đặt cho con gái: Lúa, Na, Mơ, Quýt, Ðào, Mận... lấy các từ chỉ gia súc đặt cho con trai: Bò, Trâu, Nai, Nghé...

Ở các gia đình có học, trong nhiều trường hợp, ý nghĩa là do cả tên đệm và tên gọi hợp thành và thường thể hiện quan điểm văn hóa của gia đình. Nhìn chung, xu hướng đặt tên con theo cách này đều thể hiện ước nguyện của gia đình về vật chất, tinh thần, về mẫu hình đối với con mà cha mẹ hy vọng. Thí dụ, khi đặt tên con là Chính Nhân, cha mẹ muốn con trở thành người đứng đắn. Khi đặt tên con là Như ý, cha mẹ muốn con luôn thực hiện được điều mình mong muốn...

Một số trường hợp cha mẹ là người có học vấn cao thường đặt tên con với ý nghĩa thâm thúy. Thí dụ, xuất phát từ câu thơ "Nhân tài như lá mùa thu" của Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô đại cáo", người ta đặt tên con là Thu Diệp. Ðôi khi cha mẹ còn lấy tên một nhân vật trong văn chương để đặt tên cho con: Oanh Oanh, Lệ Quân, Thúy Kiều.

Ðối với những gia đình thuộc hệ văn hóa bảo thủ, nhất là những gia đình chịu ảnh hưởng của Ðạo giáo, muốn thuận theo lẽ càn khôn thì cứ dựa vào năm sinh, ngày sinh mà đặt tên, kiểu: Tý, Sửu, Dần, Mão... hoặc theo mùa sinh mà đặt tên, kiểu: Thu Cúc, Xuân Ðào, Hạ Liên... Có thể thấy, do có những tên gọi chỉ chú ý đến ý nghĩa nên phần âm thanh thường lạ tai, đặc biệt là những tên có nguồn gốc Phật giáo như: Chân Giác, Phả Môn... Muốn giải thích những tên gọi đó thường phải đặt vào hệ thống tên của các anh chị em và cả gia đình.

Ngày nay, cách đặt tên đã có những thay đổi đáng kể. Mặc dù ảnh hưởng của ông bà cha mẹ vẫn rất lớn, nhưng phải thừa nhận rằng cách nhìn nhận về việc đặt tên đã thoáng hơn nhiều. Cách đặt tên con để thể hiện nguyện vọng của gia đình vẫn còn. Bên cạnh đó, người ta có thể dùng ghép tên quê cha và mẹ để đặt tên con. Thí dụ: cha quê Thái Bình, mẹ quê Hà Nội, tên con là Thái Hà. Người ta cũng có thể dùng địa danh có kỷ niệm của cha mẹ để đặt tên. Các tên: Nà Sản, Ðiện Biên, Sông Hồng... thuộc loại này.

Trước đây, ngoài việc tránh đặt tên con cái trùng với tên ông bà tổ tiên, việc đặt tên con trùng với bạn bè, người thân cũng hết sức tránh. Nay quan niệm này có đổi khác. Trừ ông bà tổ tiên, những người thân của cha mẹ, những người mà cha mẹ hâm mộ cũng thường được cha mẹ lấy tên đặt cho con.

Các dấu hiệu giới tính trong tên gọi như "Văn" cho tên con trai và "Thị" cho tên con gái dường như không còn là yếu tố bắt buộc nữa. Ðặc biệt là sự xuất hiện các cách đặt tên kiểu như: Lê Na, Hê Li... hoặc: Việt Nga (Việt Nam - Nga), Việt Bun (Việt Nam - Bulgaria), Tư Xô (Mạc Tư Khoa - Liên Xô); hoặc Toa (3), Cát (4), Xanh (5), Sít (6)... chắc chắn đó là dấu ấn của một kỷ niệm liên quan đến nền văn hóa châu Âu.

Từ góc độ ngôn ngữ, chúng ta thấy tên gọi không chỉ có ý nghĩa mà còn có âm thanh phù hợp với quy tắc ngữ âm tiếng Việt. Có những tên gọi do âm thanh xa lạ nên về sau được đổi sang một từ gần âm cho dễ đọc mà vẫn bảo đảm có nghĩa; kiểu Thẻm đổi thành Thêm, Dềnh đổi thành Dâng hay Danh, Cõn đổi thành Côn... Rất đáng chú ý là những từ thuần Việt có khi được đổi sang từ Hán Việt đồng nghĩa hoặc gần nghĩa tạo cảm giác hay và văn minh hơn. Chúng ta gặp nhiều từ hợp kiểu Lụt đổi thành Hồng Thủy, Dài đổi thành Trường, Xu đổi thành Trinh, Mơ đổi thành Mai, Cành đổi thành Chi, Gần đổi thành Cận...

Việc đặt tên con cái theo một trường nghĩa nhất định như: Mai Lan, Cúc, Trúc, Xuân, Hạ, Thu, Ðông, Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín..., hoặc: Thuyền, Bến, Sông, Biển, Sóng..., Cày, Bừa, Gặt, Hái... rất phổ biến trong văn hóa cổ truyền của gia đình người Việt. Tuy nhiên, có một nguyên tắc tương đối bền vững đó là không có sự lặp lại về âm thanh giữa tên gọi của cha mẹ với con cái và giữa tên gọi của con cái với nhau. Còn văn hóa tên gọi ngày nay lại cho phép người ta đặt tên con cái giống hệt tên cha hoặc mẹ; tên các anh chị em giống hệt nhau. Sự phân biệt rơi vào phần tên lót. Thí dụ: Cha là Tuấn Anh, con lớn là Hùng Anh, con bé là Ngân Anh; Mẹ là Thúy Lan, con lớn là Thanh Lan, con bé là Thu Lan...

Có lẽ điều này chính là sự thể hiện rõ nét nhất của tính phóng khoáng trong lối đặt tên ngày nay. Nhìn lại sự biến động của tên gọi người Việt từ trước đến nay, chúng ta nhận thấy một số cách đặt tên cũ gần như đã mất đi, thí dụ như cách đặt tên bằng những từ có âm thanh xa lạ, cách đặt tên bằng những từ chỉ các bộ phận cơ thể hay hoạt động sinh lý của con người, cách đặt tên bằng những từ chỉ dụng cụ sinh hoạt sản xuất hoặc các động vật... Cách đặt tên vẫn còn duy trì được là đặt tên bằng từ Hán Việt có ý nghĩa tốt đẹp. Một yếu tố văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến việc hạn chế đặt tên theo trường nghĩa là do số lượng con trong các gia đình hiện nay đã giảm xuống tối đa. Người ta không cần phải đặt theo trường nghĩa mà có thể đặt tự do - tức là mỗi con sẽ có một tên gọi ghi nhận kỷ niệm của cha mẹ và mẹ trong thời điểm đặt tên. Ðiều đó cũng làm cho diện mạo chung của cách đặt tên gọi hiện nay phong phú và mới mẻ hẳn lên.

Là một hiện tượng ngôn ngữ - văn hóa tồn tại lâu bền với thời gian, cách đặt tên luôn là một vấn đề gây nhiều tranh luận thú vị và chắc chắn sẽ luôn có một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa và ngôn ngữ của người Việt chúng ta.

Phan Hồng Liên - Ðại học Quốc gia Hà Nội
(Hà Nội Ngày Nay)

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
[[Nhiều gia đình nông dân quan niệm đặt tên xấu xí cho con để "dễ nuôi" vì không phạm vào trời đất và các đấng linh thiêng.]]

Nhưng đối với riêng tôi thì chẳng cần phải là nông dân, tôi vẫn thích đặt những cái tên "quê mùa" như Mít, Ổi, Cam, v.v. Cũng chẳng phải để cho "dễ nuôi" mà đơn giản là vì tôi thích cái mộc mạc của quê mình !

[[Một số trường hợp cha mẹ là người có học vấn cao thường đặt tên con với ý nghĩa thâm thúy.]]
[[... Rất đáng chú ý là những từ thuần Việt có khi được đổi sang từ Hán Việt đồng nghĩa hoặc gần nghĩa tạo cảm giác hay và văn minh hơn.]]

Còn tôi thì ngược lại, càng học cao, tôi càng thấy quý cái vốn từ thuần Việt (vốn nghèo nàn) của dân tộc mình ! Nếu ai đó thích Vân thì tôi thích Mây, ai đó thích Hương thì tôi thích Thơm, Mạnh thay vì Cường, Trăng thay vì Nguyệt, v.v. Trong cách đặt tên của người Nhật có cái hay hơn người VN mình là mặc dù họ viết bằng chữ Hán như 高山(Cao Sơn) nhưng lại đọc theo âm Nhật, tức là Takayama(Núi Cao). Chẳng hiểu tự bao giờ, người ta có cái thói quen suy nghĩ "Hàng ngoại mới là tốt, mới là văn minh!"; thời 1000 năm đô hộ giặc Tàu thì phải chữ Nho (chữ Hán, hay nói bình dân hơn là chữ Tàu!) thì mới là lịch sự, thông thái, sang trọng; đến thời 100 năm đô hộ giặc Tây thì chữ Tây (chữ Pháp, hay chữ Lang-xa) mới là văn minh !>? Thật là phi lý! Chẳng lẽ tiếng Việt mình (từ thuần Việt và những từ mượn đã thuần hóa) không hay? Cớ sao lại cứ phải xài những từ thật tối nghĩa cơ chứ !?
Nặc danh đã nói…
Chào bạn computerboy,
Bạn đã giếng thăm trang blog của tôi thì tôi đây phải trả lễ.

Tiện đây xin góp luôn chút ý kiến. Tôi thấy nhận định của bạn có chút phần tiêu cực đấy (bạn thử dịch dùm từ này ra từ bình dân dùm tôi).

[[Thật là phi lý! Chẳng lẽ tiếng Việt mình (từ thuần Việt và những từ mượn đã thuần hóa) không hay? Cớ sao lại cứ phải xài những từ thật tối nghĩa cơ chứ !?]]

Sở dĩ người ta phải xài "mượn" từ ngữ của nước ngoài là vì những từ ngữ ấy có sức diễn tả ý nghĩa phong phú hơn từ ngữ của nước nhà. Điều này không riêng gì ở tiếng Việt mình, mà nếu bạn có nghiên cứu qua các ngoại ngữ khác, bạn sẽ thấy có dấu hiệu tương tự. Ví dụ như trong Anh ngữ, nếu để ý bạn sẽ thấy trong tiếng Anh có bao nhiêu từ ngữ được "mượn" từ tiếng Latin, Pháp, v.v... Ví dụ điển hình: chữ "tsunami" là "xài mượn" của tiếng Nhật. :-)

Thế không có nghĩa là từ ngữ ngoại quốc, ý quên...nước ngoài, luôn là hay hơn. Cái nào cũng có cái hay nấy. Thu thập và tận dụng được cái hay của cả hai bên, thay gì bảo thủ chỉ một bên, không phải là tốt sao? :-)

Có lẽ trong tương lai gần, khi đà văn hóa của nước nhà đã tiến xa hơn, và người ta đã tìm ra được những từ ngữ "thuần Việt" đễ mô tả xác nghĩa với từ ngoại, thì sự "dùng mượn" từ nước ngoài sẽ bớt đi.

Tiện đây xin computerboy dịch luôn những từ ngữ sau đây qua từ "thuần Việt dùm tôi:
- download
- chat
- email

:-)
~Mến
Độc Cô Quái Khách
ComputerBoy đã nói…
TeruteruBouzu nói nhiều wá mà tui chẳng thấy có ý tưởng gì mới mẻ (xin lỗi TeruteruBz nhé)!
Xin trả lời "câu đố" của 特孤怪客 :

- download: tải xuống(nửa thuần Việt), hạ tải(tiếng Hán)
- chat: tán gẫu (hiển ngầm là online-chat), chat
- email/e-mail: thư điện tử(*), điện thư (tiếng Hán), i-meo

Xin Quái Khách bình tĩnh ! Đừng vội bảo "dịch thế mà cũng dịch!", đợi tui phân tích 1 tí đã.

Trước hết, những chữ Hán rặc như "hạ tải" hay "điện thư" mà gọi là dịch thì không đúng tí nào, vì chỉ đơn thuần lấy một cái ngoại lai này chuyển sang 1 cái ngoại lai khác. Hiển nhiên là tui không chấp nhận những kiểu "dịch" đó, nhưng trên thực tế, vẫn có người xài (có lẽ do nghiện tiếng Hán?!) nên tui mới đưa ra làm ví dụ vậy thôi.

Thứ hai, những cách dịch ra thuần Việt hay gần thuần Việt như "tải xuống", "tán gẫu", "thư điện tử", theo tui là cách dịch hợp lí nhất. Mặc dù trong 3 chữ "thư", "điện", "tử" không có cái nào là chữ thuần Việt, nhưng cách nói, cách xếp chữ đó là của người Việt; Người TQ, người Nhật, Hàn, (những dân tộc cùng chia sẻ 1 vốn chữ Hán) họ không nói như vậy.

Và cuối cùng, những chữ phiên âm từ nguyên gốc như "chat", "i-meo" thì có nhiều tiện lợi nhưng cũng cần cân nhắc khi cho vào văn viết (trong văn nói thì, theo tui, có thể thoải mái). Theo tui thì những từ nào quá gần gũi, và dễ phiên âm như "chat" thì theo thời gian, chắc hẳn nó sẽ bị thuần hóa thành tiếng Việt, và được sử dụng theo kiểu của người Việt, giống như "xà bông" (hay "xà phòng"), v.v.

Phần cuối là phần tui tâm đắc nhất. Xin đưa ra đây một ví dụ: Là dân CNTT (IT), thường xài tiếng Anh nên tui có thói quen xài từ "gốc", tức là giống hệt như người Âu, Mĩ nói và viết, ví dụ như "sound card" thì để nguyên là "sound card" trong cả văn nói và văn viết. Nhưng khi nói chuyện với anh của tui, một người ở một lãnh vực hoàn toàn khác (Văn nghệ) và chỉ biết đến máy vi tính ở mức độ sử dụng (xài!) thôi, thì tui phát hiện ra một điều thật thú vị, đó là ảnh gọi cái "sound card" bằng "card sound" ! Nó thú vị ở chỗ, anh ấy chắc hẳn phải thấu đáo cái nghĩa của chữ "card" và chữ "sound" rồi (xài nhiều thì hiểu thôi, không nhất thiết phải học) nên việc sử dụng 2 chữ đó cũng không còn khác với sử dụng tiếng Việt cho lắm. Và thế là đúng như cách xếp chữ của người Việt mình, là phần chính (card) đặt trước, phần bổ sung ý nghĩa (sound) đặt sau. Điều này, theo tui, thật là tự nhiên và thật là tuyệt vời, vì mình vừa bổ sung vốn từ vựng của mình bằng từ vựng của người ta, vừa sử dụng nó theo cách của mình, thế thì chẳng phải là "lưỡng toàn kỳ mỹ" hay sao !>? Và thực tế là trong lịch sử, ông cha ta chẳng phải đã từng ghép từ Hán-Việt với từ thuần Việt, đảo thứ tự của những từ ghép Hán Việt theo cách của người Việt mình đó hay sao ! Và một khi mình đã xài theo cách của mình rồi thì là của mình ! Hê hê, thế mà chẳng hiểu sao vẫn có nhiều người cố chấp lắm, ghép từ Hán với từ (thuần) Việt thì biểu là "vênh!", những cái có thể đổi ra thuần Việt hoặc cách nói Việt thì biểu là "Bản gốc người ta hay như thế, đổi lại thật là lố bịch !", v.v. Những người ở trong nước thì có thể không chú ý, nhưng những người ở hải ngoại thì chắc hẳn biết đến những "từ lố bịch của CSVN" như "tên lửa"(hỏa tiễn), "máy bay lên thẳng"(trực thăng), "châu Á"(Á châu), "châu Âu"(Âu châu), v.v. Tui chẳng cần biết CS là gì, nhưng tui cứ thấy nói như thế là hay, là phát triển, nhờ đó mà tiếng Việt mới sống, mới là sinh ngữ! Một khi chữ "châu" đã quá quen thuộc với người Việt, thì nó đựợc thuần hóa theo cách nói của người Việt, và được đặt ở phía trước. Còn như "tên lửa" thì cho thấy là từ thuần Việt của mình cũng không đến nỗi quá nghèo :-), mà nói thế thì còn dễ hiểu hơn(hiểu tại sao lại có cái tên đó). Hê hê, cứ nói đến đâu thì kỉ niệm lài trào ra, không nói không được (xin lỗi nhé!). Nói đến vụ "dễ hiểu" này, tui lại nhớ hồi còn học cấp 2, tui rất thích thám hiểm vũ trụ nên mượn được 1 cuốn sách "Lên Trăng" (chuến Appollo 11) là đọc ráo riết mất hết cả tuần lễ. Đọc xong, biết được thêm nhiều thứ thì thấy thích lắm, nhưng có 1 điều vẫn không hiểu rõ, đó là trong sách đó viết rằng cái tàu mẹ Appollo đó nó thả xuống chị Hằng 1 cái "nguyệt xa", đó là cái gì ?! Đến khi 1 thằng bạn học chuyên Văn nó nói: "Nguyệt xa là cái xe trăng chứ gì !" thì tui mới vỡ lẽ ra.... Là HS cấp 2 thì những chữ "nguyệt"=trăng, "xa"=xe là kiến thức thông thường, nhưng thực sự là tui đã không thể hình dung ra "Nguyệt xa" chỉ là 1 chiếc xe chạy trên Mặt Trăng, mà cứ ngỡ nó là một cái tên riêng cũng như Appollo vậy!

Tuy hơi kể lể dài dòng, nhưng cốt cũng để cho thấy mình nên nói theo kiểu "thuần Việt" (có thể chỉ là thuần hóa) như thế nào mà thôi !

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Đây là con chim!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi

Spirorus, the structure of spacetime ;)