Tương quan văn hoá Việt -Nhật (Phần cuối)

Trong các ngôn ngữ thuộc hệ chữ Hán như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu và Việt Nam, chỉ có Việt Nam đổi ra dùng mẫu tự La-Tinh. Tiếng nói các nước trên đều có thể ghi bằng La-Tinh, có phần còn dễ hơn tiếng Việt, nhưng mỗi quốc gia có hoàn cảnh riêng nên không thay đổi được.


Tương quan ngôn ngữ


Thời Thế Chiến Thứ 2, người Việt biết đến các từ "Joto" (tốt), "Jotonai" (không tốt), "Arigato" (cám ơn), "Sayonara" (tạm biệt) v.v...

Ngày nay, người Việt biết tiếng Nhật qua các nhãn hiệu xe cộ như "Honda, Suzuki, Yamaha, Toyota, Matsuda, Mitsubishi, Hitachi, Sony, Sanyo, Canon, Nikkon, Ajinomoto, Itochu, Nisho Iwaị..", rồi "Kimono, Judo, Akido, Karate, Sumọ..", các địa danh "Tokyo, Osaka, Kobe, Hiroshima, Nagasaki, Fujị..", sau này biết thêm "samurai (võ sĩ đạo), gesha (nữ tiếp viên rượu), sushi (cơm nắm cá), sashimi (gỏi cá), wasabi (mù tạt)..., ofuro (nhà tắm), tatami (chiếu)...". Còn người Nhật biết đến tiếng Việt qua các từ "áo dài, nón lá, bánh tráng, nước mắm, chả giò, gỏi cuốn, phở bò, phở gà..., đổi mới", các địa danh "Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hạ Long, Hội An...".

Nhưng nếu đi sâu hơn, thì chúng ta thấy hai dân tộc không chỉ biết nhau có vậy. Người Việt đã dùng hàng trăm từ Hán-Việt trong lãnh vực khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn do người Nhật ghép các chữ Hán đơn thành chữ Hán kép mà cứ tưởng do người Hoa đặt ra. Như các từ "tự do, dân chủ, cộng sản, triết học, xã hội, kinh tế, chính trị, diễn đàn, vấn đề, phương pháp, lập trường, diễn thuyết..." và khoảng 30 đến 40 % số các thuật ngữ toán trong bậc Trung Học là do người Nhật chế ra, du nhập vào Trung Hoa, được dùng trong Tân Thư rồi truyền vào Việt Nam. Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn khi soạn cuốn Tự Ðiển Danh Từ Khoa Học khoảng 60 năm trước, để tìm từ đối dịch, ông đã tham khảo chính các từ điển Trung Hoa và Nhật Bản. Nay người Việt còn biết thêm "Oshin, Ðôrêmon, nam ca sĩ Ryo Sasakị..". Tới năm 2000, có khoảng 100000 người học tiếng Nhật ở Việt Nam và 14000 người Việt ở Nhật, thì chắc chắn còn tiếp tục du nhập thêm rất nhiều từ nữa.

Ngược lại, số người Nhật qua Việt Nam khá nhiều, mỗi năm khoảng 70000 người, nên họ biết khá nhiều địa danh Việt như "Biên Hoà, Cần Thơ, Mỹ Tho, Nha Trang, chùa Hương, Lạng Sơn, Sapa, Bát Tràng, Ðà Lạt, Củ Chi, Tân Sơn Nhất, Nội Bài..." và những thức ăn, sản phẩm thủ công nghệ Việt Nam được giới thiệu ở Nhật, nên người Nhật biết đến các từ "phở bò, phở gà, nem, bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, bánh cuốn, bún bò huế, giò lụa, thịt chó, bia, rượu đế, mắm tôm... ", trái cây như "đu đủ, mít, soài, thanh long, vú sữa, măng cụt, nhãn, rau muống...", các nghệ sĩ như "Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ái Vân, Như Quỳnh, Hương Lan, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tam Ca Áo Trắng, Mỹ Linh, Hồng Hạnh, Lam Trường...", các bản nhạc như "Diễm Xưa (Utsukushìmukashi, Mỹ Tích), Hạ trắng (Gekkabijin, Nguyệt Hạ Mỹ Nhân)...", nhạc khí như "đàn tranh, đàn bầu, đàn tơ-rung...". Chúng tôi định sưu tập khoảng một ngàn từ loại này và đưa vào trong cuốn Từ Ðiển Nhật-Việt do chúng tôi biên soạn để đẩy mạnh thêm sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc (sẽ hoàn tất trong vài năm tới).

Tôi có dạy tiếng Việt cho một số người Nhật, bao giờ cũng vậy, bắt đầu bằng màn giáo đầu kéo dài khoảng một giờ đồng hồ giới thiệu sơ về tiếng Việt và tương quan giữa tiếng Việt, Nhật và Hoạ Mục đích là để người học có khái niệm cơ bản về ngôn ngữ họ học, thấy gần gũi hơn vì chúng vốn có nhiều quan hệ. Qua đó, họ biết rõ thế nào là âm Nôm (tương đương với âm kun của Nhật), âm Hán-Việt (tương đương với âm ON của Nhật), chữ Hán và chữ Nôm (tương đương với Quốc Tự của Nhật), đặc trưng phát âm của 12 mẫu âm Việt so với 5 mẫu âm Nhật và 6 dấu thinh Việt so với hầu như không có dấu thinh của Nhật v.v... ra sao.

Thời Bắc thuộc (năm 111 trước Tây Lịch đến năm 939), khi Trung Hoa cai trị Việt Nam, người Việt có tiếng nói nhưng chưa có chữ viết (trừ một vài dân tộc thiểu số nào đó có chữ viết thô sơ). Thí dụ:1, 2, 3, là "một, hai, ba..."

Người Hoa đưa vào"Chữ Hán và âm đọc Quảng Ðông: "dách, dì, xám...". Trí thức Việt thời đó học chữ Hán và nói tiếng Hoa. Nhưng từ thời Ngô Quyền giành độc lập, người Việt bắt đầu có khuynh hướng bỏ tiếng Hoa và quay ra đọc chữ Hán theo phiên âm Hán-Việt. Qua thế kỷ 13, để viết tiếng Việt, bắt đầu tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ Hán để diễn tả "một, hai, ba...". Có tổng cộng khoảng 5000 chữ thuần Nôm và 5000 chữ trùng hình với chữ Hán.

Trong khi đó, chữ Hán vào Nhật Bản qua ngả Triều Tiên hay trực tiếp vào thế kỷ thứ 2 đến 4. Khi đó người Nhật cũng có tiếng nói mà không có chữ viết. Thí dụ:1, 2, 3... là hitotsu, futatsu, mitsu..."

Du nhập vào:Chữ Hán và đọc theo âm Hán-Nhật (ON) là " ichi, ni, san...".
Qua thế kỷ thứ 8, để viết tiếng Nhật, họ mới bắt đầu tạo ra Quốc Tự (Kokkuji), có tổng cộng khoảng 5000 Quốc Tự nhưng nay chỉ thông dụng 5, 7 chữ. Sở dĩ như vậy vì họ đã dựa vào chữ Hán để tạo ra thêm 46 ký âm Hiragana (Bình Giả Danh, nét mềm do viết tháu chữ Hán) và 46 ký âm Katakana (Phiến Giả Danh, nét cứng do lấy một phần chữ Hán) gọn gàng và tiện dụng hơn.

Như vậy, Việt Nam và Nhật Bản (kể cả Triều Tiên) có hoàn cảnh khá giống nhau, cùng thuộc khối văn hóa Hán, có âm Hán-Việt và Hán-Nhật đọc gần giống nhau vì cùng dựa trên âm đọc của Trung Hoạ Như "quốc kỳ - kokki, quốc ca, kokka, trà Ố cha...", còn âm Nôm và âm Nhật thì hoàn toàn khác nhau. Tiếng Việt đơn âm, tiếng Nhật đa âm (tiếng Hán-Nhật cũng thuộc loại đơn âm, âm thứ hai nếu có là âm câm). Từ đó, có sự quan hệ đặc biệt sau (ở đây thí dụ bằng La-Tinh phiên âm Bắc Kinh hay Quan Thoại của tiếng Hoa, âm Quảng Ðông v.v... cũng tương tự):

- Tiếng Việt và Hoa ít nét (3 mẫu tự trở xuống) thì tiếng Nhật là đoản âm.
cổ - gu - ko
sở - suo - sho
ổ - zu - so
đô - dou - to

- Tiếng Việt và Hoa nhiều nét (3 mẫu tự trở lên) thì tiếng Nhật là trường âm (lý do là tiếng Nhật không có "tận cùng bằng ng, mẫu âm kép, dấu thinh..." nên đã thay bằng trường âm).

công - gong - kò
thương - sang - shò
tưởng - xiang - sò
đông - dong - tò

- Tiếng Việt và Hoa 3 mẫu tự thì tiếng Nhật có thể là đoản âm, có thể là trường âm.

cấu - gou - kò
thư - shu - sho

tôn(g) - zong - shù (nguyên là tông, nhưng vì kỵ húy tên vua nên đổi là tôn)
Quy luật trên đúng khoảng 95%. Có một số ngoại lệ vì tiếng Hoa có nhiều âm mà tiếng Việt và Nhật khi phiên đã dựa trên những âm khác nhau: số - shu - sù, tiếng Nhật có cả su nhưng rất ít dùng.

Trong khi Việt Nam tạo từng chữ Nôm, thì người Nhật cũng tạo ra Quốc Tự và thêm ký tự Hiragana, Katakana. Cho tới nay, người Việt thường chỉ viết tay chữ Nôm, nhưng từ năm 2000, với chương trình đánh chữ Nôm của Nhật thì người Việt có thể đánh chữ Nôm dạng TrueType thật là đẹp chung với chữ Hán và chữ Quốc Ngữ.

Câu tiếng Việt căn bản là danh từ - tính từ - động từ - túc từ, tiếng Nhật là tính từ - danh từ - túc từ - động từ. Tiếng Việt khi dùng âm ghép Hán-Việt thì hầu hết cũng là tính từ - danh từ như tiếng Nhật. Ðặc biệt tiếng Việt không chia động từ và tính từ như tiếng Nhật.

Tại sao chỉ có chữ Việt đổi ra La-tinh?

Trong các ngôn ngữ thuộc hệ chữ Hán như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu và Việt Nam, chỉ có Việt Nam đổi ra dùng mẫu tự La-Tinh. Tiếng nói các nước trên đều có thể ghi bằng La-Tinh, có phần còn dễ hơn tiếng Việt, nhưng mỗi quốc gia có hoàn cảnh riêng nên không thay đổi được.

Việt Nam, do bị Pháp đô hộ hoàn toàn, nên năm 1911 nhà cầm quyền Pháp ra nghị định dùng chữ Quốc Ngữ và năm 1945 nhà cầm quyền cả hai miền Nam Bắc cổ động dùng. Nhưng cũng do yếu tố quan trọng là tiếng Việt có tới khoẳng 15000 âm, nên ít bị đồng âm dị nghĩa, nhiều nhất là âm "kỳ", có khoảng 10 chữ Hán và nghĩa khác nhau, còn đa số một âm có chỉ một hay hai nghĩa.

Nhật Bản do chỉ có 120 âm, nên đồng âm dị nghĩa rất nhiều, như âm "yoshí hay "shò", mỗi âm có khoảng 300 chữ Hán, nên nếu viết bằng La-Tinh thì không rõ nghĩa.

Trung Hoa, tiếng Bắc Kinh hay Quan Thoại có 420 âm, còn Quảng Ðông, Phúc Kiến cũng có 5- 7000 âm. Nhưng nếu viết La-Tinh theo tiếng Bắc Kinh hay Quan Thoại thì các vùng khác không hiểu được. Vì Trung Hoa rộng lớn, có 8 tiếng nói chính và hằng trăm tiếng nói của người thiểu số. Chỉ viết bằng chữ Hán thì cả nước mới có thể đọc và hiểu được, do đó, chữ Hán là văn tự duy nhất có thể dùng để thống nhất cách viết, còn vùng nào cũng vẫn cứ đọc theo tiếng vùng đó.

Tiếng Việt cũng là một lợi khí kiếm tiền

Song song với phong trào thích món ăn, đồ thủ công nghệ Việt Nam, số người Nhật học tiếng Việt cũng gia tăng theo với thời gian. Sách học tiếng Việt sơ cấp và trung cấp bằng tiếng Nhật đã có trên 10 cuốn (có cuốn tái bản đến 20 lần), nhưng vẫn chưa có các từ điển Nhật-Việt hay Việt-Nhật tương đối đầy đủ.
Cho tới năm 2000, ước tính có khoảng 50 trường dạy tiếng Việt ở Nhật và đã có khoảng 5000 người Nhật học tiếng Việt. Từ những trường chuyên môn nổi tiếng lâu đời như Tokyo Gaigo Daigaku (Ðông Kinh Ngoại Ngữ Ðại Học, từ cuối năm 1999 đã dời về thành phố Chufu thuộc Tokyo), Osaka Gaigo Daigaku (Ðại Phản Ngoại Ngữ Ðại Học), Kyoto Gaikokugo Daigaku (Kinh Ðô Ngoại Ngữ Ðại Học), Asia Africa Gogakuin (Á Phi Ngữ Học Viện), Waseda Hoshien (Tảo Ðạo Ðiền Phụng Sự Viên), một số đại học có lớp tiếng Việt như Ðại Học Keio Gijuku (Khánh Ứng Nghĩa Thục), Ðại Học Waseda (Tảo Ðạo Ðiền)... cho tới những hội đoàn cũng mở lớp dạy tiếng Việt.

Ða số sinh viên Nhật học bốn năm Ðại Học hay thêm hai năm Cao Học về tiếng Việt đều đi Việt Nam ít nhất một năm để học thêm cũng như nghiên cứu viết luận án. Nói chung, người Nhật rất chăm học, nhưng vì phát âm của họ vốn quá đơn giản, nên khi họ phát âm tiếng Việt với 12 mẫu âm, nhiều mẫu âm kép và 6 dấu thinh thì cảm thấy rất khó khăn.

Người dạy là người Việt cũng như Nhật, trong số đó, chỉ có một ít là chuyên môn, còn đa số là tay ngang, như ở Nhật lâu năm hay du học rồi đi dạy thêm để kiếm tiền, một giờ trung bình 1500 đến 2500 Yen (14 đến 23 Mỹ Kim), tính ra cao gấp hai đi làm bình thường.

Trong khi đó, người Nhật qua Việt Nam dạy tiếng Nhật thường với tính cách thiện chí, mức trợ cấp chỉ khoảng 100 đến 200 Mỹ Kim / 1 tháng.

-Đỗ Thông Minh_

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Chỉ một chữ "Thương"

Giác ngộ toán học

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc