Đây là con chim!
- Bằng con mắt tự nhiên, đứa bé thấy con chim một cách chân thật với tất cả sự sinh động của nó, tất cả mối quan hệ của con chim đó với môi trường xung quanh, v.v.
- Lần đầu nghe "đây là con chim", đứa trẻ chỉ còn thấy con chim đó, dù vẫn còn rất sinh động, nhưng đã tách biệt khỏi môi trường.
- Lần thứ 2 nghe "đây là con chim", đứa trẻ chỉ thấy một hình tượng con chim với những đặc trưng cơ bản như cánh, mỏ, lông, đuôi, mắt,...
- Lần thứ 3 nghe "đây là con chim", đứa trẻ liền có tiếng nói bật lên trong đầu rằng "chim". Thế là đứa trẻ đã học thuộc lòng chữ "chim". Từ đó về sau mỗi lần nhìn thấy cái gì đó giông giống con chim thì trong đầu nó tự động bật lên chữ "chim" và không còn thấy thêm được bất kỳ điều gì khác nữa.
Cái sự học kiến thức khiến chúng ta hiểu biết rộng hơn, nhiều hơn, suy nghĩ được nhanh hơn, làm việc được nhiều hơn nhanh hơn, nhưng đồng thời nó cũng khiến mình không còn thấy cái gần, cái vi diệu ở ngay tại đây bây giờ (here-now), cái chân thật như nó vốn là ("như thị", "as-is") nữa.
Quá trình hình thành kiến thức trong xã hội cũng vậy, từ một mớ nội dung hỗn độn không rõ hình dáng cấu trúc ra sao, con người thu thập những thông tin đó vào đầu rồi sắp xếp lại cho có trật tự, giản lược dần những nội dung rườm rà chỉ giữ lại những cái khung, cái khuôn mẫu chung, trong một quá trình gọi là "trừu tượng hoá & hình thức hoá" (abstraction & formalization). Những cái khuôn mẫu chung đó chính là kiến thức, nhưng có nhiều kiến thức tiềm ẩn mà một người đi trước rút ra được qua kinh nghiệm của mình chứ chưa thể truyền đạt lại được cho người đi sau. Thế nên các ngành khoa học lý thuyết mới ra đời để phân tích mổ xẻ những khối kiến thức ẩn đó, để giản lược hơn nữa cho đến khi không còn nội dung nào ẩn chứa bên trong, đến khi mọi thứ đều được thể hiện ra bằng những hình thức rõ ràng thì ta có những kiến thức tường minh (hiển hiện rõ ràng) để có thể dễ dàng truyền đạt và phổ biến rộng rãi ra trong xã hội.
Sản phẩm đỉnh cao của quá trình trừu tượng hoá & hình thức hoá đó là ngôn ngữ loài người. Mỗi từ ngữ trong ngôn ngữ có hai mặt:
- Mặt hình thức bên ngoài, như "chim" = 4 ký tự "C H I M", chỉ là cái vỏ rỗng ruột nên rất gọn nhẹ giúp ta trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi, giúp phổ biến kiến thức được dễ dàng và rộng rãi. Những cái vỏ rỗng ruột này chính là "dầu nhớt" bôi trơn cho các cỗ máy trong xã hội được vận hành một cách trơn tru, nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người, không chỉ tuôn ra qua cửa miệng mỗi người mà còn không ngừng tuôn chảy trong đầu mọi người dù người ta đang nghỉ ngơi chẳng phải làm việc gì cả.
- Mặt nội dung bên trong hàm chứa tất cả những ý nghĩa vô hình mà những từ ngữ này đề cập tới, là cái mà người nói muốn truyền đạt. Cùng một hình thức, dù đơn giản như 4 ký tự "chim" hay chỉ một ký tự như "0", nhưng có thể hàm chứa nội dung vô tận mà cả đời người cũng không hiểu hết nổi. Những nội dung này chỉ có thể nhận được qua tiếp xúc trực tiếp với thực tế chứ không thể chỉ thông qua những hình thức rỗng ruột. Chỉ khi đã có nội dung trong kho kinh nghiệm rồi thì nội dung đó mới được khơi lên bởi những hình thức truyền đạt, và có thể được làm rõ hơn bởi những kiến thức của người đi trước truyền lại.
Nhờ ngôn ngữ mà con người xây dựng nên cây kiến thức "khoa học - kỹ thuật - công nghệ" khổng lồ với nhiều hoa thơm trái ngọt... Nhưng nó cũng khiến đa số người mê đắm vào những hình thức đẹp đẽ đó mà quên mất phần nội dung vô hình đang liên tục diễn ra ngay tại đây - bây giờ. Học trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế đó là điều khó, là kỹ năng "tự học". Nhưng khi học bằng cách dễ dàng hơn là từ kiến thức của người đi trước thì ta cũng nên nhớ cái đích là nội dung ý nghĩa, kỹ năng, thái độ bên trong để không bị kẹt lại ở lớp vỏ hình thức, công thức, kiến thức tường minh bên ngoài: Trí tuệ = Thái độ HỎI (ASK) Vô ngã
Ref: original post @ fb @ Sep 2021
Nhận xét