Con ngươi, đồng tử, pupil
- Mày nhìn vô con ngươi tao xem có thấy con chó trong đó không?!
- Tao thấy đen thui chứ có gì đâu!
- Mày ko thấy ảnh phản chiếu à?!
- Ờ thấy rồi, tao thấy tao trong đó... Ahhh, mày đang trêu ngươi tao à?!
- Ha ha, thì ta nói "ngươi là con chó" đó, tại ngươi không nhận ra hình ảnh của chính mình! Con người thì phải nhận ra ảnh của mình trong gương chứ! 😜
Nhìn từ ngoài vào thì mắt người có tròng trắng và tròng đen, ở giữa tròng đen có một lỗ tròn gọi là "con ngươi" nghe sao giống "con người" quá, tiếng Anh gọi là "pupil" sao lại cũng có nghĩa là "học sinh", chữ Hán gọi là "đồng tử" sao cũng có nghĩa là "đứa trẻ", ...?!? Có vẻ như những tên gọi đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên (đồng âm dị nghĩa) mà xuất phát từ một hiện tượng chung: Người đối diện nhìn vào mắt mình thì thấy ảnh phản chiếu của người đó trong mắt mình.
Trong tiếng Việt thì có 2 cặp đại từ nhân xưng tương đương với "I-you" là "tao-mày" và "ta-ngươi", nên "con ngươi" là cái "thứ động đậy" (cái gì động đậy đều gọi là "con") có "nhà ngươi" trong đó. Trong tiếng Anh thì "pupil" có gốc từ "pupillus" nghĩa là "đứa trẻ nhỏ", sau đó dẫn xuất ra thành 2 nghĩa là 1) "người học nhỏ" = "học sinh", và 2) "lỗ tròn có hình người nhỏ trong đó" = "con ngươi". Trong chữ Hán thì "đồng tử" vốn là từ "童子" = "con nhỏ" thêm con mắt (目) vô thành ra "瞳子" = "con ngươi", hay cũng gọi là "đồng nhân (瞳人)" = "mắt + người nhỏ".
Khi tìm hiểu về nguồn gốc của từ (từ nguyên) thì ta thấy có nhiều từ đồng âm dị nghĩa tưởng chừng như chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực ra lại là sự phát triển nhiều ý nghĩa khác nhau từ cùng một gốc: "con ngươi" ~ "nhà ngươi", "tình thương" ~ "thương đau", "nhà nước" ~ "nước uống", "cố chấp" ~ "chấp nhận" ~ "chấp" (nhường đối phương), ...
Nhận xét