Mọi thứ đều có Ba, để Ba sinh ra mọi thứ

"Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh mọi thứ."
– Ch.42. Đạo Hoá, Đạo Đức Kinh, Lão Tử

- Tại sao tới Ba mới sinh ra mọi thứ?
- Vì Không thì có vẻ tiêu cực, Một thì nhập nhằng chưa rõ, Hai thì phân biệt rõ ràng nhưng lại thiếu.
– Đối thoại, Thuyết Ba Phải (Dialogs, Unïnfo Theory)

Như mọi thứ đều từ Âm và Dương hợp thành, như cả thế giới ảo trên máy tính đều được dựng lên từ 0 và 1, quan điểm Nhị nguyên (Dualism, Hai sinh mọi thứ) là thứ dễ hiểu và gần gũi nhất với mọi người. Nhưng đi sâu hơn nữa vào bản chất, ta thấy ngay cả 2 cái nguyên tố cơ bản đó cũng chỉ là 2 mặt thể hiện của cùng một bản thể thống nhất. Thế nên nhiều triết gia chủ trương Nhất nguyên (Monism, Một sinh mọi thứ). Trong triết học thì tranh luận giữa Nhị nguyên và Nhất nguyên là một chủ đề nóng hổi. Lại có những trường phái phê phán cả Nhị nguyên lẫn Nhất nguyên là còn chấp vào một (vài) bản thể tối hậu ("nguyên") thường hằng bất biến, nên đề xướng Vô Nguyên (Emptism), nêu cao tính Không, như trong Đạo Giáo (Lão Tử) và Phật Giáo. (Xem thêm mục “Hai, Một, rồi Không” bên dưới.)

Thế nào là Ba?

Theo Lão Tử thì:

"Mọi thứ đều cõng Âm và ôm Dương,
hoà hợp ở giữa là trùng khí (nguyên khí dung hòa, Hoà khí)."
– Ch.42. Đạo Hoá, Đạo Đức Kinh, Lão Tử

Âm, Dương, và Hoà khí là 3 cái sinh ra mọi thứ, nên có vẻ như Đạo Giáo là Tam nguyên. Nhưng lần ngược theo chuỗi “sinh ra” thì Đạo Giáo cũng có vẻ là Nhị nguyên, Nhất nguyên, hay Vô nguyên. Lão Tử đã khẳng định tính Vô nguyên trong Đạo Đức Kinh bằng chương “Vô Nguyên”:

"Đạo rỗng không mà dùng hoài không hết...
Ta không biết nó sinh ra từ đâu, hình như có trước Thượng Đế!"

Còn trong Unïnfo thì cũng có 3 biểu tượng được định nghĩa trong 3 định đề (*):

◯ = ↑

  • Định đề Tồn tại (Postulate of Existence): Có một một Vòng tròn (◯).
  • Định đề Phân biệt (Postulate of Differentiation): Vòng tròn biến đổi thành nhiều dạng khác nhau thể hiện qua Mũi tên (↑).
  • Định đề Thống nhất (Postulate of Unification): Vòng tròn và Mũi tên là hai thể hiện của cùng một thể thống nhất thông qua Dấu bằng (=). Vì thế khi Vòng tròn gặp Mũi tên thì chúng nhận ra nhau, thể hiện qua đẳng thức "◯ = ↑".

Nên Unïnfo cũng có vẻ là Tam nguyên (◯, ↑, =), Nhị nguyên (◯, ↑), hay Nhất nguyên (“◯ = ↑”). Nhưng kỳ thực Unïnfo là Vô nguyên: Những biểu tượng và định đề này chẳng phải là cái “tối hậu”, hay cái “đầu tiên” được “mặc khải”, hay được chấp nhận một cách “hiển nhiên”, mà chúng được sinh ra trong quá trình quy nạp mọi thứ lại ở trong đầu óc của con người (tác giả); Hơn nữa, cả 3 biểu tượng, 3 định đề, lẫn cách thành lập lý thuyết như thế này đều chỉ là tương đối, là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn tương đương với nhau mà thôi. (Xem thêm chú thích * ở cuối bài.) Hay nói ngắn gọn, Unïnfo là Vô nguyên vì “Mọi thứ đều có Ba ở bên trong để Ba sinh ra mọi thứ ở bên ngoài”.

Ba mới là nhiều!

Trong văn hoá dân gian VN ta, khi nói tới số nhiều người ta đều dùng số 3 chứ chẳng phải số 2: “Khôn 3 năm, dại 1 giờ”, “quá tam ba bận”, “ba cái lẻ tẻ”, “3 chìm 7 nổi”, “3 chân 4 cẳng”, “3 đầu 6 tay”, v.v. Ấy vậy mà trong hầu hết các ngôn ngữ phương Tây, họ đều phân biệt số nhiều bằng con số 2. Nó thể hiện cho 2 xu hướng khác nhau trong suy nghĩ của con người theo vị trí địa lý: Bắc phân tích - Nam tổng hợp, Tây phân tích - Đông tổng hợp. Những dân tộc ở phương Bắc (của bắc bán cầu, nam bán cầu thì ngược lại) và phương Tây thì xa xích đạo hơn nên thời tiết phân biệt rõ ràng hơn, khiến cho tư duy phân tích của họ phát triển hơn. Bởi phân tích rạch ròi đúng/sai, phải/trái nên họ lấy số 2 làm nhiều vậy. Còn các dân tộc ở phương Nam (của bắc bán cầu) và phương Đông thì gần xích đạo hơn nên khí hậu ôn hoà hơn, mà cũng thay đổi nhanh chóng hơn (nắng đó, mưa đó tức thì), nên tư duy tổng hợp phát triển hơn. Bởi tổng hợp nên trong cùng một người có nhiều tính cách hơn, trong cùng một ngày có cả các mùa, số lượng nhiều hơn, nên “2 vẫn còn ít, 3 mới là nhiều” vậy!

Không chỉ trong văn hoá dân gian, mà ngay cả trong một nhánh toán học hiện đại là lý thuyết hỗn loạn (Chaos), thì “2 sinh nhị phân (bifurcation), 3 sinh hỗn loạn (chaos)”, thể hiện trong định lý Sharkovskii là “Nếu một hệ động rời rạc trên tập số thực có một điểm tuần hoàn với chu kỳ 3 thì nó phải có những điểm tuần hoàn với tất cả các chu kỳ khác.”

Logistic map: cây nhị phân (chia 2-4-8-...) màu trắng, và vùng hỗn loạn (chu kỳ 3) màu xanh

Hai, Một, rồi Không...

Tuyệt đại đa số người ta đều thấy Nhị nguyên dễ hiểu vì nó gần gũi với những cặp khái niệm thông thường: Đúng/Sai, Trắng/Đen, Phải/Trái, Tốt/Xấu, v.v. Còn mình thì từ nhỏ đã "ghét" những cặp đó! Nhưng khi mình nói ra, nêu ý kiến, hoặc trả lời câu hỏi, người ta thường khó hiểu, nên cả thời trẻ từ cấp 3 PT tới cao học, mình đã nghiên cứu Nhị nguyên tới tận cùng của nó, từ toán học đến logic, logic hình thức, tận cùng là các phương pháp hình thức (formal methods) với các hệ tiên đề (tiên đề = cái đầu tiên, tức "nguyên"). Ở lý thuyết nào mình cũng đi tới các giới hạn của nó, từ những bài toán không giải được, đến những nghịch lý. Ở những giới hạn đó, mình thấy rõ ràng sự bất lực và khiếm khuyết của các hệ thống lý thuyết Nhị nguyên, cái mà hồi nhỏ mình chỉ mới cảm thấy chứ chưa giải thích được. Từ đó mình rời các lý thuyết Nhị nguyên... và tự nhiên khái niệm "Nhất nguyên" đến với mình. Nhưng tìm hiểu các lý thuyết Nhất nguyên thì mình thấy nó mập mờ, nhập nhằng khó hiểu y như cách nói của mình hồi nhỏ.

Thế nên Nhất nguyên là chỉ để cảm nhận chứ không phải để hiểu. Tuy nhiên, mình đã gặp nhiều người hầu như không cảm nhận được Nhất nguyên, không thể chấp nhận được "Âm trong Dương, Dương trong Âm". Lúc đó mình đã kết luận Nhất nguyên không phải dành cho đại chúng. Có một số hệ thống tư tưởng Nhất nguyên được triển khai trong đại chúng, như các tôn giáo độc thần (thờ Chúa Trời). Nhưng hầu hết tín đồ của các tôn giáo đó đều cảm nhận cái Nhất nguyên của họ (Chúa Trời) bằng một hình ảnh tưởng tượng và thường áp đặt những quan điểm Nhị nguyên của con người lên cái biểu tượng Nhất nguyên đó. Nói như một linh mục ở Biên Hoà là "Người ta chỉ muốn kéo Chúa xuống với mình mà ko muốn vươn lên để gần Chúa; Người ta chỉ cầu mà không nguyện, chỉ mở miệng xin Chúa mà không lắng tai nghe lời Chúa dạy!"

Một ngày nọ (đầu năm 2012), khi đang chiêm nghiệm thực tại để phát triển Uniinfo, mình bỗng thốt lên "Vô nguyên!" Mình không thấy có một "cái đầu tiên (nguyên)" nào hết. Nó phá tan cái định kiến của mình về những "cái đầu tiên", vốn không có trong mình, nhưng đã bị "nhiễm" vào đầu óc mình từ các hệ tiên đề mà mình đã nghiên cứu suốt từ cấp 3 PT đến hết đường học của mình (cao học). Nhìn lại cái Đạo "trống không" của Lão Tử và cái tính Không của Phật giáo Đại thừa, mình thấy rõ đó chỉ là cái phá chấp, để tâm người được linh hoạt không bị trói buộc bởi các định kiến, và được thấy biết một cách đầy đủ, bình đẳng, không bị rơi vào các thiên kiến.

Nhớ lại hồi hè cuối PT, đang chuẩn bị thi vào ĐH, trong lúc chiêm nghiệm về "chân không", mình đã tuyên bố "không có chân không tuyệt đối." Với kỷ niệm đó, mình liền gọi điện cho một bạn thân để chia sẻ về cái ngộ ra rằng "Tính Không chẳng phải là cái chỗ trống chẳng có gì, giống như chân không, như chúng ta thường nghĩ; Tính Không chẳng phải là cái 'không' đối lập với cái 'có' mà chúng ta thường nói." Cái tính “rỗng không” của cái mà Lão Tử tạm gọi là “Đạo” ý nói khi nhìn vào sâu bên trong mọi thứ, tới “tận cùng” trong bản chất của nó thì “chẳng có gì trong đó”. Hay nói cách khác, bản chất của tự nhiên chẳng có gì giống y như những thứ chúng ta tưởng, nghĩ, bàn luận. Ấy gọi là "bất khả tư nghị", "không thể nghĩ bàn", như ngay câu đầu tiên trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã nói "Đạo khả đạo phi thường đạo". Cũng như kinh Bát Nhã nói "Có chẳng khác không, không chẳng khác có; Có chính là không, không chính là có." Tính Không là tính chất của tâm tự do chẳng vướng vào cái "có" cũng chẳng vướng vào cái "không" đó vậy.

Tới đây có ai bị điên đầu chưa 🤡?! Đã bảo là "không thể nghĩ bàn" rồi, nên càng nói càng trở nên điên đảo 😵.

Thế nên trừ Nhị nguyên dành cho đại chúng ra, Nhất nguyên và Vô nguyên chẳng phải là thứ để cho mọi người bàn luận. Nếu chưa có chứng nghiệm sâu, chưa thấy những cái đằng sau những cặp đối đãi nhị nguyên, chưa có cảm nhận về sự thống nhất "mọi thứ đều liên hệ với nhau", thì chớ nên nói về Nhất nguyên nếu không muốn mình bị vướng vào những điều tưởng tượng phi thực tế, và càng chớ nên nói về Vô nguyên nếu không muốn mình bị điên đảo, rối loạn, mất định hướng. Thực ra nhiều người đến với Nhất nguyên và Vô nguyên theo chiều ngược lại: Do bất mãn với thực tế, không chấp nhận được thực tế nên bám víu vào Nhất nguyên với những ảo tưởng mà họ tự dựng lên trong đầu, hay lấy Vô nguyên ra để biện minh cho mình, để mình cảm thấy bớt bất mãn hơn, thoải mái hơn.

Hơn nữa, theo cái nhìn thông thường (nhị nguyên) thì Nhất nguyên là khẳng định, tích cực, còn Vô nguyên là phủ định, tiêu cực. Nên những người dùng đầu óc Nhị nguyên để bám lấy Nhất/Vô nguyên thì không những xa rời thực tế, mà Nhất nguyên còn làm họ trở nên ngày càng cứng nhắc, duy ý chí, còn Vô nguyên hay chủ nghĩa Hư vô thì làm họ trở nên ngày càng điên đảo, rối loạn, mất động lực, mất định hướng. Đó là lý do mà những người sống buông thả, vô đạo đức, bất tuân các quy tắc và chuẩn mực trong xã hội thường bị gọi là "theo chủ nghĩa Hư vô (nihilism)". Ngay chính đức Phật khi còn tại thế cũng đã chỉ trích cả 2 cực đoan đó:

  • Thường kiến là quan niệm cho rằng con người có tự ngã (hay “linh hồn”) thường hằng bất biến, sau khi xác thân này chết đi thì “linh hồn” ấy vẫn tồn tại vĩnh cửu ở đâu đó (trong mộ, ở nơi chết, trên thiên đàng, dưới địa ngục), hoặc sẽ đầu thai vào một thân xác mới với linh hồn y như cũ. Dùng đầu óc Nhị nguyên cực đoan để tin vào Nhất nguyên thì dễ dẫn tới thường kiến, sống cứng nhắc.
  • Đoạn kiến là quan niệm cho rằng “chết là hết”, hoàn toàn không còn gì nữa (đoạn diệt), cho nên không có nhân quả luân hồi, không có quả báo thiện ác. Dùng đầu óc Nhị nguyên cực đoan để tin vào Vô nguyên thì dễ dẫn tới đoạn kiến (chủ nghĩa Hư vô), sống buông thả.

Trong khi đó, để phá thường kiến, đức Phật đề ra triết lý Vô ngã, tức không có cái bản ngã thường hằng bất biến; và để phá đoạn kiến, đức Phật đề ra triết lý Duyên khởi, hay Nhân-duyên sinh, tức mọi thứ (“quả”) đều được hình thành và tồn tại dựa trên những cái khác (“nhân” và “duyên”), và chính những cái được hình thành, tức “quả” đó lại làm “nhân” hoặc “duyên” cho những cái khác nữa.

Chú thích:

(*) Định đề (Postulate) hay Tiên đề (Axiom)? Tuy tiên đề và định đề đều là những nguyên lý cơ bản để xây dựng một lý thuyết, nhưng nếu tiên đề là những thứ được cho là hiển nhiên đúng (axiomatic), thì định đề là những thứ có vẻ đúng (dựa trên kinh nghiệm), được định ra, đề ra, chọn ra theo một quan điểm (chủ quan) nào đó. Cụ thể, 3 định đề này của Uniinfo chỉ là 3 nhận xét được rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình, nên:

  1. 3 định đề này không phải là những “cái đầu tiên”, hay những “cái cơ bản nhất”, mà nó hoàn toàn có thể được sinh ra từ những định lý khác trong Uniinfo (những định lý đó lại được sinh ra từ 3 định đề này, nên tạo thành vòng tròn); Thế nên...
  2. Uniinfo hoàn toàn có thể được xây dựng dựa trên 3 định đề khác; Và thậm chí...
  3. Tính đúng đắn của 3 định đề này hoàn toàn có thể bị thay đổi khi chuyển sang một “thế giới khác”.

Còn sự phân biệt giữa định đề với tiên đề trong khoa học nói chung thì đã có từ thời Euclid:

  1. "Tiên đề" là những phát biểu tổng quát hơn, như "A = B; B = C => A = C", còn "định đề" là những phát biểu cụ thể cho từng lãnh vực, như "qua một điểm P ngoài đường thẳng d chỉ có thể vẽ được đúng một đường thẳng song song với đường thẳng d."
  2. Về thái độ đối với một phát biểu cơ bản thì "tiên đề" là thứ "phải/được chấp nhận một cách hiển nhiên, không bàn cãi", còn "định đề" chỉ là thứ "được đề ra để làm điểm xuất phát để bắt đầu bước đi". Và trong quá trình "bước đi", hành giả hoàn toàn có thể quay về nhìn nhận lại định đề xuất phát với một con mắt khác, như định đề số 5 của Euclid về các đường thẳng song song.
  3. Về phạm vi ứng dụng thì "tiên đề" là nền tảng cho một hệ thống hình thức, máy móc, phân tích, như các lý thuyết toán học và máy tính điện tử hiện đại, còn "định đề" là điểm xuất phát cho một hệ thống hữu cơ, tổng hợp, có khả năng tự mâu thuẫn, tự sửa đổi, tự nhận thức, như tư duy con người và máy tính sinh học / lượng tử trong tương lai. Sự lên ngôi của "tiên đề" trong thế giới khoa học lý thuyết xuất phát từ chương trình của Hilbert nhằm hệ thống hóa toàn bộ toán học thành một hệ thống hình thức, đầy đủ, không mâu thuẫn, bảo toàn tính "thực", và quyết định được bằng thuật toán (chứng minh được một cách chặt chẽ qua từng bước rõ ràng).

(+) Bài này được đăng trên fb note vào ngày 24/12/2018.

Tham khảo:

  • Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa.” – Ch.42. Đạo Hoá, ĐĐK
  • “Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh... Ngô bất tri thùy chi tử. Tượng đế chi tiên.” – Ch.4. Vô Nguyên, ĐĐK
  • Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự.” – Ch.48. Vong Tri, ĐĐK
  • Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.” – Ch.1. Thể Đạo, ĐĐK
  • “Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc, vi thiên hạ thức. Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.” – Ch.28. Phản Phác, ĐĐK
  • Chu kỳ 3 suy ra hỗn loạn: Period three implies chaos
  • Định lý Sharkovsky: Sharkovskii's theorem

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
Note: Bài gốc trên fb vào tháng 12/2018: https://www.facebook.com/notes/408918336764645/

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Đây là con chim!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi