"Chấp" & "Thương"

- Trời ơi, tức quá! Nó đã chơi ăn gian mà còn cười mình nữa kìa!
- Ừ, tánh nó vậy mà, chơi bất chấp luôn mà! Mình chấp nó làm chi cho mệt?!
- Nhưng mình bị thua oan ức thì làm sao chịu được?!
- Chấp nhận đi là được hết hà! Cứ coi như mình chấp nó lần này đi!
- Hả? Chấp nó hả? Vậy là coi như mình "ngon" hơn nó hen!
- Ờ... thực ra cũng chẳng phải ai hơn ai cả, chỉ là tự mình thương lấy mình thôi.
- Ồ, hay thiệt hen! Mình bị nó chơi gác thì mình tức, "tức" tức là "bị thương" trong lòng, rồi mình tự "thương mình" thì cái vết thương đó được hóa giải. 😃
- Đúng rồi, đơn giản vậy thôi, chẳng cần phải "phá chấp" chi cao siêu hết. Chỉ cần chuyển hết mọi cái "chấp" thành ra "chấp... nhận" là được. 😉
- A ha, chấp nhận được là tình thương!
Chấp [執] (giản thể: 执)
  1. Từ nghĩa gốc chữ Hán là "nắm giữ lấy", như "cố chấp"[固執] (giữ chặt ý kiến, quan điểm), "tranh chấp"[爭執] (vừa giữ phần mình vừa tranh phần người), "chấp nhứt"[執一] (giữ lấy một ý duy nhứt), "ngã chấp"[我執] (giữ chặt cái Tôi, cái "bản ngã" của mình), "phá chấp"[破執] (phá bỏ sự bám giữ), v.v.
  2. Người Việt ta đã sáng tạo ra một từ Hán thuần Nôm "chấp nhận"[執認], dù được cấu tạo bởi 2 chữ Hán nhưng chỉ được sử dụng trong tiếng Việt. Trong tiếng TQ, Nhật Bản, "chấp nhận" được dịch ra thành "tiếp thụ"[接受] (tiếp thu) và "thừa nhận"[承認].
  3. Từ đó, ta có chữ Nôm "chấp" với nghĩa "chấp nhận thách thức dù mình bị thiệt", như "chấp mày đi trước 3 nước luôn!" Nghĩa chữ "chấp" này nhiều khi được dùng đồng thời nhưng đối lập với nghĩa gốc "bám giữ lấy" bên trên, như "tao biết mày ăn gian nhưng tao không thèm chấp, chấp mày luôn đó!" Hay như trong Thiên Nam ngữ lục có câu:
    Gươm hay thao lược cơ quyền
    Bội trăm Bạch Khởi, chấp nghìn Tôn Ngô!
    [𡗄咍韜畧机權
    倍𤾓白起 执𠦳孫吳]
  4. Ngoài ra, người Việt còn dùng từ "bất chấp"[不執] với nghĩa rất Nôm "không kể tới, không đếm xỉa tới", có sắc thái khác xa nghĩa gốc Hán "không bám chấp". Trong tiếng TQ, "bất chấp" được dịch ra thành "bất cố"[不顧]
Thương [傷] (giản thể: 伤)(dị thể: 慯)
  1. Từ nghĩa gốc chữ Hán là "đau", như "thương tích"[傷迹] (dấu vết bị đau), "thương vong"[傷亡] (đau chết), "tổn thương"[損傷] (đau mất), "sát thương"[殺傷] (giết và làm đau), "trọng thương"[重傷] (đau nặng), "bi thương"[悲傷] (đau xót trong lòng), "thương cảm"[傷感] (cảm xúc, cảm thấy đau xót trong lòng), v.v.
  2. Người Việt ta đã dùng chữ "thương" với nghĩa Nôm "thương yêu", có lẽ xuất phát từ "thương cảm" (cảm thấy đau xót trong lòng), và có thể dùng chữ 慯 hay 愴 để phân biệt với chữ 傷 bên trên. Nghĩa này nhiều khi trái ngược với nghĩa gốc trong tiếng Hán: "thương người như thể thương thân" không có nghĩa là "làm tổn thương người ta và thân thể mình" như từ Hán "thương thân"[傷身]; hay "thương hại" không có nghĩa là "làm đau và tổn hại người khác" như từ Hán "thương hại"[傷害]. Và 2 nghĩa có vẻ đối lập này nhiều khi được dùng trong cùng một từ, như "nhà thương" vừa là "nơi chứa người bị thương" vừa là "ngôi nhà của tình yêu thương".
    Bầu ơi thương lấy bí cùng!
    Dẫu rằng khác giống, nhưng chung một giàn.
    [匏喂慯𥙩𦷬供
    唒𠺘恪𥠭 仍終𠬠蕳]

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
fb ["Bị thương" hay "được thương"?]: https://www.facebook.com/lexuandinhct/posts/4494545727229346

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)