Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Lâu lâu 2 ông cụ nhà mình mới có dịp gặp nhau, ấy thế mà nói được vài câu là đã mâu thuẫn rồi:
  • Ô.Ngoại: Tôi đi được 3 mét rồi ông mới đi được có 1 mét. Sao ông đi chậm vậy?!
  • Ô.Nội: Mỗi bước tôi đi được 3 tấc còn ông mỗi bước chỉ được có 1 tấc. Sao ông bước ngắn thế?!
  • Ô.Ngoại: Tôi bước ngắn nhưng mà nhanh, ông so từng bước thế sao được?! Trong lúc ông bước được một bước 3 tấc của ông thì tôi đã bước được 9 bước, tức là 9 tấc rồi. Rốt cuộc tôi vẫn hơn! 😃
  • Ô.Nội: Đó chỉ là số đo bên ngoài thôi! Mình phải biết tiết kiệm sức chứ: Này nhé, tôi bước dài và chậm còn ông bước ngắn và nhanh nên một bước của tôi cũng tốn sức bằng với một bước của ông thôi. Nếu như trong một chuyến đi, nếu mình đủ sức cho 1000 bước, thì ông đi được 100 mét đã mệt, còn tôi đi được tới 300 mét mới mệt. 🙂
... Nói qua nói lại, ai cũng có cái hay riêng của người đó, nên rốt cuộc chẳng ai hơn ai. Ấy gọi là "tương đối" vậy. 😉

Như trên sơ đồ bên dưới, nếu đem vector ông Ngoại (OPs) và vector ông Nội (OPt) đặt vào cùng một gốc (O) thì ta thấy cả 2 ông đều có "độ lớn" bằng nhau, tức Ps và Pt đều ở trên cùng một vòng tròn. Tuy nhiên, vì 2 ông phát triển theo 2 hướng khác nhau nên 2 vector lệch nhau một góc. Góc lệch đó khiến cho "ông này" thấy "ông kia" (chiếu lên trục của "ông này") chỉ bằng có 1/3 của mình mà thôi.

Khi so sánh hơn thua cao thấp là ta phải dựa trên một thước đo nào đó, nhưng theo luật bù trừ thì kẻ giỏi mặt này thì lại dở mặt kia, mạnh bên ngoài thì yếu bên trong, v.v. nên mọi sự so sánh đều là tương đối. Một ông chủ doanh nghiệp có được sức mạnh "hơn người" là nhờ sự đóng góp của nhiều nhân viên, chứ nếu cô lập ông ta ra thì cũng chẳng làm được gì to lớn. Đối với cái nhìn thấu suốt và toàn diện thì thấy "vạn vật đồng nhất thể", thấy cả thảy đều tương đương nhau, bình đẳng với nhau. Trong nhà Phật thì đó gọi là Bình Đẳng Tánh Trí (samatājñāna), là trí tuệ có được nhờ thanh tịnh hoá Ngã thức (mānas-vijñāna), tức cái tâm cho rằng "đây là tôi, là của tôi".

----------
Source: fb 13 Oct 2019

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Chỉ một chữ "Thương"

Giác ngộ toán học

Nhân Duyên Nghiệp Quả

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc