Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa

Tục ngữ có câu "Trăng quầng thì hạn(cạn), trăng tán thì mưa", nhưng thế nào là "quầng" và thế nào là "tán"? Mời bạn đoán thử qua 2 hình bên dưới xem sao trước khi đọc tiếp nhé 😉.

Theo nghĩa thông thường thì "quầng" là cái vành bao quanh, như "mắt thâm quầng", và "tán" là cái đĩa chụp lên, như "tán lá cây". Vì lý do này mà từ nhiều báo chí cho tới tài liệu giáo khoa như giáo trình Khí Hậu Và Khí Tượng Đại Cương (trang 115) gọi "quầng" là cái vòng sáng lớn cách xa Mặt Trăng (hay Mặt Trời) như ở hình B (tiếng Anh: halo), và gọi "tán" là cái đĩa sáng nhiều màu lan ra từ Mặt Trăng như ở hình A (tiếng Anh: corona). Nhưng cả các định nghĩa trong từ điển lẫn khi xét về nghĩa theo câu tục ngữ của dân tộc Kinh (đối chiếu với của các dân tộc khác và với kiến thức khoa học khí tượng) thì lại hoàn toàn ngược lại!!! 😮

Định nghĩa trong các từ điển tiếng Việt: (các từ điển mình tra đều thống nhất cách định nghĩa này)
- "Quầng" là vầng sáng sinh ra do nhiễu xạ ⇨ "corona" (hình A)
- "Tán" là vầng sáng sinh ra do khúc xạ và phản xạ ⇨ "halo" (hình B)

So sánh với tục ngữ của các dân tộc:

  • Kinh: Trăng quầng thì hạn(cạn), trăng tán thì mưa.
  • Tày: Trăng có quầng đen như sắt là sắp có mưa lũ, trăng có quầng vàng như đồng là hạn lâu.
  • Thái: Trăng đội nón sắt thì lụt, trăng đội nón đồng thì mưa.
  • Phương Tây: A ring around the moon means rain (or snow) is coming soon.

Thì ta thấy:

  • "Quầng" (Kinh) = "quầng vàng như đồng" (Tày) = "đội nón đồng" (Thái) = "corona"
    ⟶ trời hạn/cạn hoặc mưa nhỏ
  • "Tán" (Kinh) = "quầng đen như sắt" (Tày) = "đội nón sắt" (Thái) = "ring around the moon" (Tây) = "halo"
    ⟶ trời mưa to (lũ lụt hoặc tuyết rơi)

Ở đây ta thấy rõ hình ảnh "nón đồng màu vàng" ở hình A chính là "quầng" đối lập với "nón sắt màu đen" ở hình B chính là "tán", không thể nhầm lẫn vào đâu được! Và qua thời gian, do không còn dùng chữ Nôm nữa nên dân ta đã không còn phân biệt được giữa "quầng" với "tán", hoặc phân biệt ngược lại như trên. (Xem phần Chữ Nôm "Quầng" = 䨔 & "Tán" = 傘.)

Còn về ý nghĩa dự báo thời tiết của các câu tục ngữ đó thì ta thấy cũng rất khớp với kiến thức khí tượng hiện đại:

"Quầng" = "quang hoa" (corona)

Quang hoa là vành tròn nhiều màu (như cầu vồng 🌈) có bán kính nhỏ (góc mở khoảng 4° đến nhỏ hơn 10°) quanh nguồn sáng (Mặt Trăng, và rất khó thấy ở Mặt Trời vì quá sát) được tạo ra do ánh sáng bị nhiễu xạ bởi các hạt hơi nước trong các đám mây trung tích mỏng và đều bay qua. Mây trung tích (Altocumulus, Ac) thường hình thành trong điều kiện khí quyển ổn định, nên thời tiết thường không mưa hoặc mưa nhỏ (và không liên quan mấy tới "hạn hán").

Chúng ta thấy mây trung tích rất thường xuyên, nhưng ít khi thấy quầng trăng là vì hiếm có mây trung tích đủ mỏng để không chắn hết ánh trăng và đủ đều để làm nhiễu xạ ánh trăng. Còn khi quầng trăng xuất hiện và được chụp ảnh phơi sáng thì ta thấy được cả 7 sắc cầu vồng như trong hình trên.

"Tán" = "hào quang" (halo)

Hào quang là vòng tròn sáng lớn (góc mở 22°, rất lớn so với corona chỉ vài độ) quanh nguồn sáng (Mặt Trăng, Mặt Trời) được tạo ra do ánh sáng bị khúc xạ & phản xạ trong các tinh thể băng trên các đám mây ti tầng trên cao (cao hơn 6km, so với mây trung tích khoảng 4.5km). Mây ti tầng (Cirrostratus, Cs) thường được tạo ra bởi tiền tuyến của một khối không khí nóng (frông nóng, warm front), và khối không khí nóng này thường gây mưa lớn hoặc tuyết rơi nhiều.

Ở Việt Nam mình ít thấy hào quang Mặt Trăng và Mặt Trời, nên khi nó xuất hiện thì thu hút nhiều sự tò mò của dân chúng và báo chí.

Còn ở xứ lạnh, nhứt là trên các ngọn núi tuyết, thì ta rất dễ bắt gặp hào quang Mặt Trời. Khi đó, độ trong của bầu trời ôn đới có thể khiến cho hào quang hiện ra rực rỡ với nhiều thành phần thú vị khác xung quanh (Xem chú thích về các thành phần của hào quang).

Chữ Nôm "Quầng" = 䨔 & "Tán" = 傘

Trong Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục, 1914, trang 2b, ta thấy câu tục ngữ "Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa" được ghi bằng chữ Nôm như sau:

𦝄辰汼, 𦝄辰𩅹

"Quầng" ở đây là chữ "䨔" gồm chữ 雨 (Vũ, mưa) + 光 (Quang, sáng) ngầm chỉ ánh sáng nhiều màu như cầu vồng (🌈 cầu vồng = "ánh sáng sau mưa"). Tuy cả hào quang (halo) lẫn quang hoa (corona) đều có nhiều màu, nhưng hào quang thì hầu như không thấy rõ các màu (và chỉ thấy 1 vành sáng trắng mờ đối với Mặt Trăng). Nên có lẽ ngày xưa các cụ đã dùng "quầng 䨔" để chỉ quang hoa một cách rõ ràng, nhưng qua hơn thế kỷ xa rời chữ Hán-Nôm thì chúng ta đã quên mất nghĩa gốc của nó. Một lý do khác dễ dẫn tới nhầm lẫn là vì bên Trung Quốc họ dùng chữ "暈" (Vựng) để chỉ "halo" (hào quang), mà chữ này lại có các âm Nôm "vừng, vầng, quầng" (vừng hồng, vầng trăng, mắt thâm quầng) nên khi không viết chữ Hán-Nôm, 2 chữ "暈" (quầng mắt) với "䨔" (quầng trăng) không còn phân biệt được nữa.

"Tán 傘" là chữ tượng hình cơ bản, vẽ hình cái lộng ⛱, nên cả nghĩa Hán (lộng, ô, dù) lẫn nghĩa Nôm (tán lá, tàn lá) đều tương đồng nhau về hình tượng. Vậy tại sao các cụ lại gọi hào quang (halo) là "tán" thì mình thiệt tình không hiểu, trong khi hào quang chỉ là cái vòng tròn (tiếng Anh gọi là "ring", "cái nhẫn") còn quang hoa tỏa ra từ Mặt Trăng mới giống cái ô hay cái mũ hơn. Có điều thú vị là không chỉ dân tộc Kinh dùng hình tượng cái ô dù để chỉ hào quang mà cả dân tộc Giáy cũng gọi vậy trong tục ngữ của họ "Mặt Trăng đội nón, đất khô; Mặt Trăng căng ô, đất sụt." Tuy nhiên ở câu này thì ta thấy rõ sự tương phản giữa "đội nón" là cái đĩa nhỏ của quang hoa với "căng ô" là cái vành rộng của hào quang. Và một điều thú vị nữa là hào quang của các vị thần, phật ở phương Đông được vẽ giống quang hoa tỏa ra từ đầu, còn hào quang của các vị thánh, thần, và Chúa Giê-su ở phương Tây được vẽ như một vòng tròn đơn thuần trên đầu giống hào quang của Mặt Trời. Còn chữ "corona" thì có gốc Latin nghĩa là "vương miện" (crown) nên dễ thấy là nó tỏa ra từ đầu giống quang hoa.

"Hạn" hay "cạn"? Rõ ràng chữ Nôm ghi "汼" là "cạn" chứ không phải "hạn 旱". Điều này cũng hợp với kiến thức khí tượng hiện đại hơn, tức mây trung tầng tạo nên quang hoa chỉ cho thấy trời quang mây tạnh thôi chứ chẳng liên quan gì tới hạn hán cả.
==> Vậy câu tục ngữ của ta nên được đọc lại thành "Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa."

Chú thích

Các thành phần của hào quang
Với hào quang Mặt Trời thì ngoài vòng hào quang 22°, ta còn có thể thấy mặt trời giả, và nếu may mắn thì có thể thấy thêm vòng Mặt Trời giả và cung siêu đối xứng, v.v.
  • 22° halo: hào quang 22° là vòng tròn trong cùng và thường thấy nhất
  • Supralateral arc: Vòng cung siêu đối xứng ở trên và lớn gấp đôi hào quang 22° (rất hiếm thấy)
  • Parhelic circle: Vòng Mặt Trời giả cắt ngang Mặt Trời và hướng lên trên (rất hiếm thấy)
  • Parhelion (sun dogs): 2 Mặt Trời giả nằm đối xứng 2 bên Mặt Trời thật là 2 giao điểm giữa vòng Mặt Trời giả với hào quang 22° (khá thường thấy, chỉ sau hào quang 22°)
Hào quang Mặt Trăng rất mờ
Hình B bên trên thực ra là ảnh phơi sáng để thấy rõ vòng hào quang Mặt Trăng. Chứ ảnh chụp không phơi sáng thì nó mờ như hình dưới đây.
Hào quang 22° do khúc xạ
Do mây ti tầng ở rất cao (trên 6km) nên chúng thường không chứa các giọt hơi nước mà chứa các tinh thể băng. Khi ánh sáng chiếu qua các tinh thể băng hình lục giác thì phần lớn đầu tiên bị khúc xạ 2 lần, tạo nên hào quang 22°.
Còn phần nhỏ ánh sáng còn lại thì có thể bị phản xạ lại bên trong tinh thể băng theo nhiều cách khác nhau trước khi bị khúc xạ ra ngoài, hình thành nên nhiều thành phần khác bên ngoài hào quang 22°.
Quang hoa do nhiễu xạ
Do mây trung tích ở dưới thấp nên chúng thường chứa các giọt hơi nước tròn. Khi ánh sáng chiếu qua thì bị nhiễu xạ xung quanh các giọt tròn đó tạo nên 7 sắc cầu vồng.

Tài liệu tham khảo

Source: fb post 9/2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Các tầng Ý nghĩa của các con Số