3 chặng đúng-sai

Có người cho rằng đúng-sai là phải tuyệt đối, "đúng" là đúng "sai" là sai không thể nhập nhằng được. Có kẻ lại bảo đúng-sai chỉ có thể là tương đối, "đúng" với người này mà "sai" với người kia, "đúng" trong hoàn cảnh này mà "sai" trong hoàn cảnh khác, v.v. Thấy bà con tranh luận đúng-sai loạn quá, mấy ông đạo lại đề ra chữ "không" tức "chẳng đúng chẳng sai" để phá cái chấp vào 2 thái cực đó.

Nhưng đa phần người ta lại chẳng phá được chấp mà còn lấy chữ "không" đó làm một thái cực khác để bám chấp vào, cho rằng mọi thứ đều "không chứ chẳng !", tức là hiểu theo nghĩa nhị nguyên, tức cái "không" đối lập với cái "có". Cái "chấp không" này còn nguy hiểm hơn "chấp có", bởi nó làm cho đầu óc điên đảo, hành xử loạn xạ, cuộc sống mất định hướng. Ấy thế mà có luận sư bên xứ Ấn (Long Thọ) còn muốn phá cả "chấp có" lẫn "chấp không" bằng cách nhân đôi chúng nó lên thêm lần nữa, thành ra "luận 4 câu" (tứ cú phân biệt):

  1. Chẳng phải là đúng.
  2. Chẳng phải là sai.
  3. Chẳng phải vừa đúng vừa sai.
  4. Chẳng phải vừa không đúng vừa không sai.

Ái chà, càng luận càng điên đảo hại não không thôi! 🤯😱

Cứ "chấp" rồi "phá chấp" như vậy thì 2 lên 4 (tứ cú), 4 lên 8 (bát bất), 8 lên 16,... 32, 128, 256, 512, 1028... 2^N (N→∞) nhân lên mãi, càng lúc càng nhiều, càng rối rắm.

Vậy giải pháp là gì?

Ngày trước mình hay bảo "đừng lý luận nữa, thực hành đi rồi sẽ biết!" Nhưng nhiều người cần phải biết rõ việc mình làm là đúng hay sai, kiểu như phải có "bảo hiểm" thì mới yên tâm mà thực hành được. Nên qua quá trình thực hành và tiếp xúc với nhiều người "gặp vấn đề", mình xin giới thiệu con đường "3 chặng đúng-sai" như sau:

1. Đúng-sai chung

Mới đầu chưa biết, như một trẻ em, như một người mới đi đường hay mới vào một môi trường lạ, thì hãy thuận theo cái đúng-sai chung theo đa số và theo những người đứng đầu đại diện cho môi trường đó (nhập gia tùy tục). Giai đoạn này là lúc hình thành những quan niệm "đúng-sai tuyệt đối", nhưng hãy cảnh giác đừng để cái Tôi nâng mọi thứ lên thành "quá tuyệt đối".

2. Đúng-sai riêng

Khi quen với môi trường rồi thì một mặt mình tâm đắc hơn với những tiêu chuẩn đúng-sai mà mình đã học được, một mặt mình lại gặp những người hay những luồng quan điểm trái ngược lại. Lúc này chớ nên để cái Tôi vội vàng phán xét rằng "Bọn này chỉ toàn nói/làm điều sai quấy bậy bạ!" mà nên tìm hiểu thêm xem do đâu mà họ có quan điểm trái ngược như vậy. Khi hiểu được họ, mình sẽ thấy tính đúng-sai này cũng rất riêng với từng người, từng hoàn cảnh. Đây là lúc mâu thuẫn xảy ra giữa những quan niệm "đúng-sai tuyệt đối" đã bám rễ vào não mình với tính tương đối đang diễn ra trước mắt mình.

3. Đúng-sai với chính mình

Khi đi sâu vào môi trường, thành công tích tụ cũng nhiều mà thất bại cũng chồng chất biết bao nhiêu. Sự mâu thuẫn bên trong đó cộng với những luồng tư tưởng trái ngược bên ngoài thường làm cho mình mệt mỏi chán nản. Và lúc này là lúc cái Tôi trỗi dậy mạnh nhứt để làm nhiệm vụ "bảo vệ chính mình" khỏi sự chán nản đó: Những gì mình cho rằng đúng và khớp với cái chung thì nó nói "cái này là đúng tuyệt đối, không được bàn cãi!", còn những gì mình làm bị sai lệch với cái chung thì nó nói "đúng-sai là tương đối, tại cái này, tại cái kia..." Đầu óc mình vô cùng lươn lẹo, nó luôn có vô số lý do chính đáng để ủng hộ điều mình muốn làm, khiến cho mình lầm tưởng rằng "mình làm vì những lý do đó". Nhưng thực tế là ngược lại, mình luôn làm theo cái mình muốn trước, cái cảm giác, cái ý muốn đó nổi lên trước, rồi ông chủ ý muốn mới sai tên đầy tớ đầu óc biện luận để hợp lý hóa ý muốn đó mà thôi. 😛

Vậy lúc này mình nên nhìn nhận đúng-sai thế nào đây? Hãy lấy kết quả thực tế so lại với chính ý định ban đầu của mình, nếu kết quả đạt được như ý muốn ban đầu thì mình đã làm đúng, bằng không thì đã làm sai và cần xem xét lại.

  • VD1: Mình muốn giúp một người vươn lên mà càng giúp người ta lại càng đi xuống thì đó là mình đã sai. Tuy rằng cái Tôi sẽ khiến mình suy nghĩ rằng "Giúp người là nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng, là đúng tuyệt đối, không thể nào sai được! Tui giúp người chứ có hại người đâu mà sai! Còn nó đã được giúp rồi mà còn đi xuống thì đó là tại nó!"
  • VD2: Phải ở gần một người hay quấy nhiễu làm phiền mình, chịu không nổi nên mình "hại" cho người đó phải bỏ ra đi. Nhưng người này đi rồi đỡ phiền được một lát thì mình lại bị 3-4 người khác làm phiền hơn nữa. Vậy là mình đã sai vì cái "muốn hết phiền" ban đầu không đạt được kết quả. Tuy rằng cái Tôi sẽ bảo rằng "Mình chẳng hại ai cả, mà những kẻ như thế này cần phải cho nó một bài học thích đáng!"

Đó chẳng phải là sai với chuẩn mực (tuyệt đối) hay sai với bất kỳ ai khác (tương đối) mà là sai với chính mình vậy. Sai với chính mình là cái sai chắc chắn nhứt.

Quay một vòng trở về chính mình, biết mình đã sai với chính mình, tìm hiểu cho rõ nguyên nhân của cái sai đó (thường sâu xa khó thấy và luôn bị cái Tôi che lấp), mình sẽ hiểu rõ hơn về những lý do sâu xa từ đâu mà những chuẩn mực chung đã được hình thành, và cũng rõ hơn do đâu mà có sự tồn tại của những luồng đối lập với cái chung đó. Từ đó mình quay lại với bước 1 "thuận theo cái đúng-sai chung" và tiếp tục bước 2 "làm quen với cái đúng-sai riêng" một cách sâu sắc hơn. Vòng lặp này mỗi lần quay lại đều nâng cao (sâu) hơn một bậc.

*) Cảnh báo: Con đường 3 chặng này bắt đầu từ bước 1 "đúng-sai chung" và theo thứ tự 1→2→3(→1→2→3...) chứ chẳng phải bắt đầu từ bước 2 "đúng-sai tương đối" hay bước 3 "đúng-sai với chính mình" nhé. Ai thích "đi tắt đón đầu", nhảy thẳng vào bước 2 hay thậm chí bước 3 thì hãy sẵn sàng để đón nhận những hậu quả khôn lường nhé 😛

Source: fb post 5/2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Đây là con chim!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi