Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?
Trước đây mình có nêu ra 4 điểm đại cương trên con đường giải thoát. Nay mình nói rõ hơn về các bước đi trên con đường đó, nhờ duyên một bạn hỏi mình làm sao để tập trung vào here-now (tại đây - bây giờ).
- Hễ còn chưa thấy khổ, hoặc khổ chưa đủ vì còn nhiều vốn (phước, may mắn, vật chất, năng lượng, sức lực, hỗ trợ từ bên ngoài,...) thì còn phải chạy, phải phân tán chứ không thể nào dừng lại và tập trung được. Đó là vì mình được trao vốn, năng lượng đó là để cày cuốc, để chạy, để phân tán cái năng lượng đó ra, là nghĩa vụ của mình.
- Khi đã thấy "đủ rồi", thực sự khao khát "mình tha thiết muốn dừng lại" (chứ ko phải chỉ "khổ quá, làm sao để mình hết khổ... lẹ lẹ!"), thì mình mới bắt đầu có duyên để buông xả. Nhưng nghiệp (thói quen) lâu đời của mình khiến mình càng thấy khổ càng muốn chạy trốn, càng tìm đủ mọi thứ khác việc khác đối tượng khác để hướng tới, để lảng tránh đi để che lấp đi cái nỗi khổ đó, chứ chưa thể dừng lại, chưa thể tập trung được. Đó là "bản năng" tránh né nỗi đau của chúng ta. Nhưng nếu ở đây mình có ý thức thì hãy bắt đầu tập luyện:
- Trước hết là tập ghi nhớ những điều tiêu cực, ghi ra giấy, nhật ký, hay làm dấu ấn riêng gì đó của mình để "oánh dấu trong tâm" mỗi lần trải qua cảnh khổ, kiểu như tù nhân mỗi ngày gạch lên tường 1 gạch vậy. Đó là bước đầu chuyển thói quen "xấu che tốt khoe, thích sướng ngại khổ, ôm tích cực không chấp nhận tiêu cực" sang "chấp nhận, đối diện với tiêu cực, biến thất bại thành mẹ thành công". Tại sao những điều tiêu cực lại có ích? Vì chỉ có những lúc ta đau, khổ, bệnh, buồn, sợ, thất bại, thất vọng,... là lúc ta có duyên để tập trung vào here-now để thấy những sự thật trần trụi luôn bị ẩn giấu bởi những lớp vỏ bọc tích cực (mình hay, mình giỏi, mình mạnh mẽ, mình thông minh, v.v.) Tại sao cần phải thấy những sự thật trần trụi đáng ghét đó? Vì nó không những là chìa khóa để gỡ những nút thắt trong những vấn đề ta gặp phải mà nó còn là chìa khóa mở ra một tầng hạnh phúc cao hơn (nên được gọi là "mẹ thành công").
- Tiếp theo là tập nhận biết những duyên (hoàn cảnh, tác nhân bên ngoài) khiến cho mình thấy khổ, để mình chủ động tránh bớt ra, và để chủ động đối diện với hạt nhân "khổ" ngay trong mình. Việc tránh ra này gọi là "giới", là cái "hàng rào" cản bớt gai góc bên ngoài quẹt vào "vết thương" bên trong mình để mình quay vô chăm sóc "vết thương" đó. Hãy nhớ "giới" là tránh "chướng duyên bên ngoài" chứ ko phải chạy trốn cái "nhân bên trong" (theo thói quen vốn có) nhé. Nhưng khi đang ở dưới "vực thẳm" của khổ đau đó thì ta cũng chưa đủ định lực để đối diện được đâu, nếu có cố "cắn răng chịu đựng" thì mình cũng chỉ đè nén nó chứ chẳng phải là đối diện. Thời điểm vàng để tập đối diện là ngay khi mình vừa mới "ngoi lên" nhưng trước khi bị cuốn đi vào những việc khác.
- Khi đã bắt được "thời điểm vàng", ta tập đối diện với cảm giác đau khổ vừa mới ngớt nhưng chưa bị quên mất, vẫn còn âm ỉ bên trong như sau: Tìm một không gian riêng không bị quấy rầy, nhắm mắt lại nhớ về những gì vừa xảy ra. Chủ động hít thở nhiều vào, nhờ hơi thở đưa tâm mình chạy về chỗ của khổ đau. Khi quay trở về chỗ khó chịu đó, sẽ có nhiều ý nghĩ nảy ra bảo mình làm cái này làm cái kia, cứ tập trung hít thở. Ý nghĩ tuôn ra càng nhiều thì mình càng hít thở nhiều đáp lại, nó sẽ theo luồng hơi thở mà "trôi qua", cảm giác khó chịu cũng theo đó mà "trôi qua". Bằng không thì ta sẽ bị dòng ý nghĩ đó cuốn đi khiến ta làm theo mệnh lệnh của nó, theo "chương trình" đã được lập sẵn trong nghiệp, theo thói quen tự đó giờ. Như cái ống nước đã mở toang hết van ra, dòng ý nghĩ, dòng cảm giác, cảm xúc cứ đến rồi đi xuyên qua thân-tâm mà mình vẫn không bị cuốn đi, nên gọi là "định". Hãy nhớ "định" là sự thông suốt bên trong, tức nhờ xả mà đứng yên, chứ không phải là gồng lại, nén lại để giữ cái dáng vẻ "kiên định" như nhiều người lầm tưởng.
- Khi đã khá quen với việc buông xả và có định lực tương đối thì ta đã có thể quan sát chính nỗi khổ của mình, để dần thấy ra gốc rễ sâu xa của nó. Hãy nhìn thẳng vào nó, ta sẽ thấy nó đã được tích tụ từ rất lâu rồi, giờ chỉ tuôn ra từ ngay trong thân tâm này thôi chứ chẳng phải do cái chướng duyên mình vừa gặp gây ra. Những chướng duyên, những người/việc bên ngoài chỉ như cái gai quẹt qua vết thương đã có sẵn trong mình để nhắc nhở mình về sự tồn tại của vết thương đó mà thôi. Quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy mình đã tập vô số cách đối phó nhằm quay mặt đi, chỉ để "không nhìn thấy" vết thương đó nữa mà thôi, nhưng cứ tưởng đó là "mình đã giải quyết xong". Tuy đã tới cấp 3, nhưng ta vẫn thường xuyên quay lại cấp 1 (bị cuốn trong đời, quên mất khổ), cấp 2 (thấy khổ, dừng lại, buông xả, củng cố định lực), và thỉnh thoảng mới ngoi lên cấp 3 này để quan sát và tìm hiểu về khổ. Nhưng những lần hiếm hoi đó bắt đầu cho ta trải nghiệm về "trí tuệ sáng suốt".
- Với trí tuệ sáng suốt, ta thấy rõ việc gì nên làm, việc gì không nên làm, nên ngày càng buông xả hơn, tăng trưởng định lực hơn, và trí tuệ mở ra sáng hơn, tạo nên vòng xoáy tích cực. Vòng xoáy tích cực này đưa ta tới những chứng nghiệm giải thoát, như cảm giác tự do không bị những điều tiêu cực kéo xuống lẫn những sự phấn khích cuốn đi, như sự thấu hiểu người/vật/việc, như sự hòa hợp với Vũ trụ, v.v. Nhưng đó cũng chỉ là vài lời quảng cáo mà thôi, bởi người đã trải qua thì khỏi phải nói, người chưa chứng nghiệm thì có nghe mô tả ngàn lời cũng chỉ có thể tưởng tượng mà thôi. Sự giải thoát không phải là "lên một cõi xa xôi" nào đó mà chính là nhập sâu vào từng khoảnh khắc hiện tại, từng việc đang làm, từng âm thanh, hình ảnh, cảm giác, cảm xúc, thái độ, v.v. Cái here-now đó nghe có vẻ gần như trước mắt mà có đi rồi mới biết nó xa tận chân mây. Nhờ nhập sâu vào here-now mà ta thấy được mọi thứ một cách chân thật hơn (như thị, as-is), không bị những lớp màn vô minh che phủ. Nên đó cũng được gọi là "tỉnh thức", từ tỉnh thức trong khi thức, đến tỉnh thức trong khi ngủ, và cuối cùng là tỉnh thức trong khi chết (mở mắt bên trong bước qua cửa tử).
Nhận xét