Tùy duyên, thuận tự nhiên, đối diện và chấp nhận

Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên:
Đói ăn, khát uống, mệt ngủ yên!
Ngọc sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm:
Ðối cảnh không (động) tâm, chớ hỏi Thiền!
– Trần Nhân Tông

"Tùy duyên" được lấy thí dụ đơn giản như "đói ăn, khát uống, mệt ngủ yên", nên cũng có cách nói khác là "thuận tự nhiên". Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi chúng ta sống quá nhanh, làm việc như cái máy thì chúng ta không còn khả năng nhận ra những cái "duyên" hay cái "tự nhiên" đó nữa. Khi bị lập trình trong đầu rằng "phải làm cái này, phải không được làm cái kia", chúng ta say mê làm việc quên ăn quên ngủ, không thấy đói không thấy mệt, nên cứ tưởng mình là "siêu nhân". Đến khi ăn thì dù bụng đã no nhưng miệng vẫn thèm nên lại ăn tiếp, ăn hại cái thân; đến khi ngủ thì nằm xuống mà tâm chẳng dừng nên ngủ chẳng yên; hay khi mệt quá phải nằm vật xuống thì chẳng còn muốn dậy nữa.

Ở đời, chúng ta thường cứ nhảy qua nhảy lại giữa 2 thái cực đó: Làm cho cố để hòng "cuối tuần", "cuối đời" mình được hưởng thụ; đến lúc hưởng thụ thì lại chẳng thể nào thỏa mãn được. Đó là vì trong lúc cố làm thì mình đã vô tình kéo dãn cái "bụng", cái "lòng tham" ra mà không biết. Vì không biết nên cứ tưởng là tại cái bên ngoài còn thiếu nên cứ quay lại cày thêm nữa; cày thêm được 1 chén gạo thì cái bụng đã dãn ra thêm 2 chén... nên "được voi đòi tiên", rồi thắc mắc tại sao "lòng tham không đáy", rồi bất mãn, đau khổ đủ điều. Cứ thế mà vòng xoáy thiếu, khổ, tham, lao đầu tìm kiếm, càng thiếu, càng tham, càng khổ, càng lao đầu tìm kiếm,... nó trói buộc chúng ta từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác trong khắp cả thế gian này.

Hiện tượng "dãn bụng" này không lạ gì đối với những người quan sát bên trong thân-tâm mình, và cũng đã được nghiên cứu, chứng minh rõ ràng bởi ngành thần kinh học hiện đại qua những đường truyền dopamine. Nhưng thay vì dùng kiến thức đó để giảm ham muốn thì thế giới hiện đại đang tận dụng tối đa cơ chế đó để "kích dục", "kích cầu", thông qua hằng loạt hệ thống từ chính trị, kinh tế, tới các triết lý kinh doanh, và các công nghệ phục vụ chủ nghĩa tiêu thụ. Đơn cử như ngành công nghệ thực phẩm, họ nghiên cứu đến tận răng, từ hình dáng, hương vị, đến cả âm thanh khi nhai miếng bánh để đảm bảo "ăn là ghiền!" Xã hội hiện đại đã quá thành công trong việc lập trình những cỗ máy tiêu thụ không ngừng, quá thành công trong việc tạo ra sự thiếu thốn không ngừng trong thân-tâm mỗi người. Xét về phương diện xã hội thì cảm giác thiếu thốn của mỗi người đó là cần thiết vì nó chính là động lực để mỗi cá nhân phải "cày" cho XH. Nhưng khi nó bị kích lên quá mức thì giờ đây XH chúng ta đã và đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực từ nó, thể hiện rõ qua các cuộc khủng hoảng (khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng y tế).

Vậy làm sao để có được hạnh phúc, đầy đủ thực sự? Nó nằm ở đẳng thức:

Muốn = Được

Hết thảy nỗi khổ ở đời như phải xa người mình thương, phải gần kẻ mình ghét, phải mất cái mình yêu thích, phải bị đau bệnh, không có được cái/người mình muốn, v.v. tựu trung lại cũng chỉ là do cái thực tế mình "được" không như cái mình "muốn". Cái "Muốn" đó, theo nghĩa rộng, bao gồm hết thảy những quan niệm, định kiến, niềm tin, kiến thức, tham vọng, bản tánh,... cho tới cả bản năng sinh tồn, và thuộc về phạm trù cái Tôi (bản ngã). Còn cái "Được" đó, theo nghĩa rộng, bao gồm hết thảy những điều kiện bên ngoài, môi trường, hoàn cảnh, quan hệ XH, vật chất, cho đến những cảm giác, cảm xúc mình nhận được qua thân-tâm này (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Tuy cái Tôi thường che mờ tâm trí khiến ta nghĩ rằng những cái "Muốn" là của riêng mình, được tạo ra theo ý chí tự do của mình, là bất khả xâm phạm, là bất di bất dịch, nhưng như phân tích ở trên, thực ra mọi thứ trên thân-tâm mình đều là kết quả của sự tích lũy liên tục từ môi trường xã hội & tự nhiên qua nhiều năm tháng trong đời này cũng như nhiều đời trước. Nói cách khác, cái "Muốn" bên trong và cái "Được" đến từ bên ngoài không phải hoàn toàn độc lập với nhau, cũng không phải hoàn toàn lệ thuộc nhau (như "Muốn → Được"), mà chúng bị ràng buộc chằng chịt bởi mạng lưới Nhân-Duyên-Nghiệp-Quả. Trong đó, cái "Muốn" thuộc về khu rừng rậm "Nghiệp" và cái "Được" thuộc về trời đất bao của "Duyên".

Bị ràng buộc chằng chịt như vậy thì giữ cân bằng "Muốn = Được" như thế nào? Như hình dưới, đại khái có 3 xu hướng. Chú thích: ký hiệu "M" = "Mine" = "Mình" đại diện cho những gì thuộc về thân-tâm mình (sanh ra cái "Muốn"), và "W" = "World" = "thế gioWí" đại diện cho cả thế giới bên ngoài (sanh ra cái "đWợc").

  1. Giữ cái "Muốn", tìm cái "Được": Do cái Tôi che mờ tâm trí (như nói trên) nên chúng ta thường giữ cái "Muốn" như thể "bất khả xâm phạm", rồi chạy đi tìm cái "Được" cho thỏa mãn cái "Muốn" đó. Đa số người đều tìm được thứ thỏa mãn cái Muốn của mình ngay trước mắt, chỉ có điều là sự thỏa mãn đó bền vững tới đâu thôi. Đi theo hướng này, người càng "may mắn" được thỏa mãn nhiều và thỏa mãn dài lâu thì cái Tôi càng tăng cao, trở nên càng cố chấp, độc đoán, duy ý chí,... đến khi gặp thực tế trái ý thì tức giận, sân hận, càng dễ sụp đổ, dẫn đến làm khổ mình và khổ hết thảy người (thân) xung quanh.
  2. "Tùy duyên cực đoan", bỏ cái "Muốn": Đa số chúng ta khi nghe tới 2 chữ "tùy duyên" thì nghĩ theo hướng này! Có người thì bỏ hết quy tắc luật lệ, đụng đâu làm đó, tiện gì làm nấy, trở nên "tùy tiện"; có người thì bất chấp lương tâm, mặc kệ mọi cảm xúc tự nhiên của mình, trở nên "đơ", vô cảm. Nhưng cũng như hướng "tìm cái Được" bên trên, việc "giả vờ" gạt bỏ cái Muốn của bản thân này chẳng thể vững bền. Sự "lừa dối bản thân" đó vô tình tạo nên sự tách biệt trong tâm thức, đẩy những ham muốn vốn tự nhiên vô tội kia vào bóng tối của Vô thức. Trong Vô thức, những ham muốn đó không những không chết đi mà còn hấp thụ năng lượng của bóng tối để trở thành những "con ma", đến khi đủ mạnh thì quay trở ra để chiếm lấy thân-tâm mình mà làm "việc ma quỷ". Đó là lý do có nhiều người rất tích cực tu luyện mà rốt cuộc lại bị "tẩu hỏa nhập ma", lạc vào "ma đạo".
  3. Đối diện & chấp nhận cả cái "Muốn" lẫn cái "Được": Muốn giữ cân bằng bền vững, chỉ có cách là dừng lại, bình tĩnh, nhìn thẳng vào cả cái Muốn bên trong lẫn cái Được đang đến từ bên ngoài, đối diện với cả hai, chấp nhận sự chênh lệch, để hòa hợp chúng lại ra được điểm "bình quân" ở giữa, lấy đó làm tâm, làm mục tiêu để hướng cả cái Muốn lẫn cái Được đến. Cái điểm "ở giữa" này là một điểm cân bằng động:
    Muốn↠ 👁 ↞Được
    • [↠↞] Nó chỉ kéo 2 cái Muốn & Được dần dần dịch chuyển tới gần nhau chứ không phải nhảy "bụp" một cái mà tới được;
    • [↻] Nó phải luôn được cập nhật theo sự biến chuyển của cả trong lẫn ngoài, chứ không phải là một cái mốc bất di bất dịch;
    • [👁] Khi tâm thức mình đặt ở "trung điểm" đó, lấy nó làm gốc mà quan sát mọi sự thì tâm ta được cân bằng, không vọng động ⇒ Dấu bằng trong đẳng thức "Muốn = Được" chỉ sự cân bằng chứ không có nghĩa là "giống hệt nhau"; Và khoảng cách giữa Muốn - Được đó chính là động lực, là năng lượng sống.
    Đó chính là viên ngọc báu mà ngài Trần Nhân Tông đã nói: "đối cảnh không động tâm". Ở đây "cảnh" gồm cả cảnh bên ngoài lẫn cảnh tâm bên trong, và "không động tâm" nghĩa là "định tâm" chứ không có nghĩa là cái tâm đó bị đông cứng lại như đá bất di bất dịch. Nhờ sự liên tục vận động trong cân bằng này mà tâm người giải thoát vừa vững chãi trước mọi nghịch cảnh, vừa tràn đầy tình thương vô điều kiện, chứ không phải "vô tâm", "vô cảm", "vô tri gỗ đá" như nhiều người mới tu tập lầm tưởng.

Tóm lại, "tùy duyên" hay "thuận tự nhiên" thì phải thuận cả cái tự nhiên bên trong, tức cái Muốn, lẫn cái tự nhiên bên ngoài, tức cái Được. Khi nhìn cả 2 cái Muốn & Được đó một cách bình đẳng, không thiên vị thì tự nhiên chúng sẽ dịch chuyển về điểm cân bằng. Cái nhìn đó trong đạo có nhiều tên nghe cao siêu khó hiểu như "cái nhìn Như thị" (có sao thấy vậy), "như lý tác ý" (ý muốn nảy ra hợp với nguyên lý của trời đất), "vô vi" (không cố làm mà mọi thứ đều được làm), "let it be" (cứ để nó xảy ra), "thuận theo ý Chúa", v.v. Nhưng mình thì thích dùng từ bình dân là "đối diện & chấp nhận". Với thái độ đối diện & chấp nhận, tâm ta bình lại, trí ta sáng ra thì sẽ thấy không chỉ cặp Muốn-Được mà nhiều cặp Âm-Dương khác cũng sẽ tự nhiên được dung hòa, cân bằng ngay ở chỗ được tia sáng trí tuệ quét qua. Đó chính là sự vi diệu của việc quan sát.

Tham khảo:

Nguyên bản Hán văn bài phú "Cư Trần Lạc Đạo" (Ở Đời Vui Đạo) của Trần Nhân Tông:
居塵樂道且隨緣
饑則飧兮困則眠
家中有宝休寻覓
对鏡無心莫問禪
(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xa hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm[*] mạc vấn thiền)

Ký sự:

Cái duyên đưa mình tới bài viết này là do mình chứng kiến sự lập trình của gia đình & xã hội áp lên con người quá hiệu quả: Sau mười mấy năm, một đứa trẻ đầy câu hỏi đã không còn biết hỏi là gì nữa, một đứa trẻ luôn mở to mắt quan sát mọi thứ đã sụp mắt suốt ngày chăm chăm vào những món đồ công nghệ, một con người 90% (10% thú) đã biến thành một con robot 90% (5% thú, 5% người).

Nhận xét

Unknown đã nói…
Viết rõ ràng quá! Làm sao để có được "=" trong mọi lúc?
ComputerBoy đã nói…
> Làm sao để có được "=" trong mọi lúc?
Muốn↠ 👁 ↞Được
- Dấu bằng trong đẳng thức "Muốn = Được" chỉ sự cân bằng chứ không có nghĩa là "giống hệt nhau"
- Khi tâm thức mình đặt ở "trung điểm" đó, lấy nó làm gốc mà quan sát mọi sự thì tâm ta được cân bằng, không vọng động (định tâm).

Nói thì dễ, nhưng quan trọng vẫn là sự kiên trì thực hành. Tập "nhìn ở giữa" với những cặp Muốn-Được gần nhau, khi quen rồi hẵng chuyển sang những cặp xa hơn, chứ nhảy vô ngay 1 cặp cách xa nhau cả cây số thì biết đâu là "điểm giữa".

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Chỉ một chữ "Thương"

Giác ngộ toán học

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc