Cà phê, chưa bao giờ có lợi cho mình!

Hè, rượu không làm mình say, mà nhiều khi mình say không cần rượu. Thuốc lắc không làm mình lắc mà bình thường mình vẫn lắc không cần thuốc. Còn cà phê thì... từ nhỏ đã chẳng bao giờ làm mình tỉnh táo... nhưng mãi đến khi gặp công phu "nhai" của tiên sinh Ohsawa thì mình mới có được cái vế thứ hai: Cà phê chẳng làm mình tỉnh, nhưng khi nhai mình tỉnh táo chẳng cần cà phê!

Nhớ hồi nhỏ có vài lần mình thức khuya để học bài thi... thấy mình buồn ngủ, mẹ đem lên ly cà phê cho mình uống... uống xong thì mình gục ngay, lăn ra ngủ mà chẳng thể nào gượng dậy được! (Kết quả hôm sau thi thế nào thì khỏi phải bàn!) Và hiển nhiên là mình không thích cái món đó, nên cũng mười mấy năm rồi không có đụng tới. Bỗng dưng hôm trước có một em gái xinh tươi trong bộ môn đem lên cả 3 hộp cà phê hoà tan "3 trong 1". Mọi người uống làm cái mũi mình nó biểu tình, mình cũng lấy ra uống, cũng thấy ngon vì nó có sữa ;) Thực ra mình thích sữa hơn, có thêm vị đăng đắng của cà phê làm mình cũng khoái khẩu. Nhưng ai ngờ, lúc đạp xe về thì mới thấy lạ... "Sao hôm nay mình yếu dữ vậy?" Bình thường thì đạp xe là món sảng khoái nhứt của mình, nhưng hôm đó thì thật là mệt mỏi... Về tới nhà thì mới thấy tay chưn run rẩy như thằng nghiện :(! Chẹp, không ổn rồi! Hỏi ra thì mới biết là do mình uống cà phê trong lúc đói bụng!?!

Kỳ thực thì từ nhỏ đến giờ mình chưa có biết đói bụng là gì dù có tuyệt thực cả tuần lễ. Thông thường, khi thấy mấy người có thói quen "ăn nhiều, uống nhiều" than rằng "đói run rẩy hết tay chưn" khi vừa mới ăn cơm xong cách đó vài giờ thì mình cười thầm trong bụng "Hè, ăn cho cố xác vô rồi bây giờ chưn tay run rẩy :P". Ấy vậy mà bây giờ mình lại bị run rẩy tay chưn với cái bụng đói và phải lập tức kiếm cái gì đó nhét vào bụng... Ẹc, thiệt là nhục hết chịu nổi :-((((!

Đúng là hai cái thế giới "thanh đạm" và "hỗn tạp" khó mà có thể hoà chung với nhau được. Mình sinh ra để sống thanh đạm, đến khi bắt gặp cái công phu nhai của tiên sinh thì lại càng thanh đạm, nhai kỹ no lâu, bụng 10 ăn 8, gầy ốm mà dai, làm hoài không mệt. Nhưng khi đi làm, nhiều khi để hoà đồng với cái thế giới "hỗn tạp" này, mình phải tống vào đầy bụng những thứ khó tiêu như thịt cá và những thứ kích thích như cà phê... kết quả là cơ thể nó biểu tình! Còn ngược lại, khi người ta quen ăn nhiều uống nhiều rồi thì đói một tí, khát một tí liền gây ra khó chịu; quen thịt cá gia vị rồi thì thiếu nó chẳng thể nuốt vô; quen xài đồ kích thích rồi thì khi thiếu ắt không thể chịu được.

Đó là luận về cái triết lý của vấn đề, nhưng quay lại với khía cạnh khoa học của vụ "cà phê đói bụng run tay" cũng như những tác dụng khác của cà phê là thế này:
  • Thần kinh trung ương: Do caféine có cấu trúc gần giống adenosine, một loại hormone có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, nên một khi vào được nới não bộ, caféine sẽ cạnh tranh với adenosine, nhảy vào các thụ thể adenosine để thay thế adenosine, khiến cho não bộ không còn bị ức chế nữa, buộc phải làm việc (bất chấp mệt mỏi).
    • Tăng hoạt động thần kinh: Khi bị quá tải, adenosine được sinh ra để ức chế hoạt động của thần kinh trung ương nhằm bảo vệ cơ thể. Nhưng caféine sẽ "đuổi" adenosine ra làm cho não bộ quay trở lại hoạt động, khiến ta hết cảm giác buồn ngủ và có vẻ minh mẫn hơn.
    • Gây bồn chồn: Nhưng với một số người nhạy cảm với caféine (hấp thụ nhanh), hoặc khi chúng ta đói thì lượng lớn caféine được hấp thụ sẽ kích thích thần kinh đến độ chúng ta cảm thấy bồn chồn khó chịu. Lúc đó thần kinh hoạt động mạnh nhưng không thể tập trung và khó điều khiển.
    • Gây mất ngủ: Với một số người thì sự kích thích lâu dài của caféine làm cho hệ thần kinh không thể dừng lại để rơi vào trạng thái ngủ được nữa.
  • Tim mạch:
    • Tăng nhịp đập tim & huyết áp: Caféine làm cơ thể bài tiết các hormone stress làm tim đập nhanh hơn, và tăng huyết áp. Huyết áp tăng còn do caféine ngăn chặn các thụ thể A1 & A2 của adenosine, không cho chúng hấp thụ adenosine, hormone kích thích giản nở mạch máu, nên làm cho mạch máu của chúng ta thiếu độ co dãn. Tiêu thụ cà phê nhiều và lâu dài dễ dẫn đến xơ cứng động mạch, và đặc biệt nguy hiểm với những người bị cao huyết áp.
    • Làm máu "dơ" hơn: Paraxanthine (sản phẩm chuyển hoá caféine) kích thích tuyến thượng thận tiết hormone giải phóng đường và axít béo vào máu, khiến cho chúng ta cảm thấy "sung" hơn trước mắt, vì chúng dùng để cung cấp năng lượng cho cơ bắp, nhưng thường thì chúng ta không vận động nhiều nên chúng tích tụ lại trong máu, và về lâu về dài thì... máu mình sẽ như một "vũng bùn" :P. Còn nếu chúng ta vận động nhiều thì... cũng giống như việc bổ sung năng lượng "tức thời" bằng nước đường (ai uống nước mía thì biết), sau khi đường huyết cạn kiệt thì chúng ta mệt thảm hại (vì chúng không được cung cấp một cách ổn định), buộc chúng ta lại phải tiếp tục tống thêm cà phê vô để kích thích tiếp... và đó gọi là "nghiện"!
  • Tiêu hoá:
    • Kích thích tiết acid dạ dày: Caféine gây tích tụ AMP vòng (cyclic adenosine monophosphate) trong các tế bào biểu mô dạ dày khiến chúng tăng cường tiết acid dạ dày, làm cho dạ dày của chúng ta chua hơn. Điều này rất có hại khi chúng ta đang đói, và nguy hiểm với người bị đau bao tử.
    • Giảm hoạt động tiêu hoá: Theophylline (sản phẩm chuyển hoá caféine) làm giãn các cơ trơn, trong đó có cơ co bóp dạ dày và cơ ruột, khiến ta tiêu hoá kém đi. Nói chung, khi uống cà phê, nếu ta đói thì cồn cào xót ruột, nếu ta no thì thức ăn nó cũng nằm lì đó chẳng được tiêu hoá nhanh.
  • Cơ bắp:
    • Kích thích cơ tim & làm giãn cơ trơn: Các hormone stress có do caféine kích thích bài tiết gây phản ứng dồn máu từ cơ trơn sang cơ tim, dẫn đến tim mạch hoạt động mạnh trong khi hệ tiêu hoá bị đình trệ.
    • Tiếp "năng lượng tức thời" cho cơ vân: Lượng đường và acid béo được bị kích thích tiết ra sẽ cung cấp năng lượng theo kiểu "mì ăn liền" cho hệ thống cơ vân (cũng gọi "cơ xương", hệ thống cơ vận động gắn với xương), giúp cho chúng ta vận động khoẻ hơn. Nhưng đồng thời nó cũng làm cho cơ thể ta bị lệ thuộc vào sự kích thích của caféine.
Nói chung, khi đói bụng mà uống cà phê thì cả hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá đều bị ảnh hưởng mạnh dẫn đến triệu chứng "say cà phê": choáng váng, ù tai, cồn cào ruột, tay chưn run rẩy,... Tìm trên mạng thì thấy có một bài trên diễn đàn VOZ cho thấy từ dân amateur đến dân sành cà phê đều có thể bị say cà phê ráo trọi :D!

Tham khảo: vfcfood.com, eva.vn, pe2000.com, wikipedia.org, wikipedia.org

Các hiệu ứng phụ của cà phê ("say cà phê"):

Nhận xét

Blooming flower 2903 đã nói…
Tùy thôi mà you. Người Châu Âu có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng đấy thôi, và họ cũng tiếp khách bằng cà phê hoặc rượu cơ mà. Cà phê cũng có những lơi ích nếu dùng nó điều độ... You chắc không hợp với cà phê, còn mình ngày nào không uống thì cảm thấy hơi khó chịu...
Ngọc Hà đã nói…
Em bị say cà phê vào sáng hôm thi môn đầu tiên hồi học kì I. Cảm giác thật kinh khủng. Kết quả thì tệ hại. Bài thi hôm đó chỉ được 6 điểm. Nói là do cà phê thì có vẻ nguỵ biện cho kết quả tồi, nhưng sự thực đúng là thế. Lâu lắm rồi em không dám đụng vào cà phê nữa.
Xứ dừa đã nói…
Đấy là bác phân tích cafe "gin".Tìm đâu ra cafe "gin" trên thị trường cafe nhốn nháo bây giờ.Trong cafe bây giờ chỉ có bắp và đậu nành thôi bác ạ.Bảo đảm bác uống 5 ly không say!
Unknown đã nói…
Chào bạn :)
Cảm ơn bài viết của bạn. Đọc bài viết mình thấy mình k "thanh đạm" tí nào. Có khi buồn quá cả ngày mình uống đến 3 ly cafe, nhưng lại k say lần nào, cũng lạ. Chắc là cà phê nó quen ai thì người đó k say :). Chúc bạn có nhiều niềm vui!
kimchimiki đã nói…
Đi ngang qua thấy có bác say cafe mà e vô cùng cảm kích bác ak.E tưởng trên đời chỉ mình e bị say cái món ấy thôi chứ.Ai zè!^^ Ko hiểu sao người ta uống đc nó vào buổi sáng khi bụng lép kẹp trống không thế đc nhỉ.(Đi chơi với bạn mà rủ vào quán cafe là e chạy thẳng, ngửi mùi đã say nằm vật ra đấy thì khổ T-T).Bài của bác hay lắm, cafe khiếp thế này thì nên hạn chế uống thui.
Unknown đã nói…
Nội dung nhất định hấp dẫn lắm đây. Nhưng chữ nhỏ và khó đọc qúa. Nếu để no lớn lên thì chiều ngang lại thiếu.

Giá như : hoặc chữ lớn hoặc bề ngang thu nhỏ lại...
cà phê không quá tệ như các bạn nghĩ đâu, tuỳ cơ điạ cá nhân và mức độ uống phù hợp thì cũng có cái tốt đấy, ví dụ như rượu vang đỏ, ngày nào cũng "làm" nguyên chai thì không tốt , nhưng mỗi ngày khoảng 100ml thì lạI TỐT ! Nên tìm tài liệu về ăn uống trên các website tin cậy cuả các bệnh viện nỗi tiếng cuả Anh và Mỹ . . .
Ha Thuan đã nói…
Ban nay oi! Ong Đặng Lê Nguyên Vũ nhà ta mà đọc được "nghiên cứu" này của bạn chắc ông ấy khóc mất.:))
ComputerBoy đã nói…
Chào các bạn, hôm nay xem lại mới thấy là hình như có một số người hiểu lầm ý bài viết:

1. Tiêu đề "Cà phê, chưa bao giờ có lợi cho mình!" <-- Chữ "mình" ở đây là tôi, tác giả bài viết, cũng là chủ của blog này ("Mình" không phải là con người nói chung). Vì blog là một loại "nhật ký online" nên phần nhiều mang tính chất cá nhân, hoàn toàn không phải là một nghiên cứu khoa học (mặc dù giọng văn có vẻ khoa học, vì tôi là một nhà khoa học.)

2. Nếu bỏ quả tính chủ quan của bài viết, thì về mặt khách quan, bài viết chỉ đề cập đến thành phần gây nghiện của cà phê, tức caffeine. Ngoài caffeine ra, cũng như nhiều hạt/quả khác, cà phê còn chứa nhiều loại polyphenol có lợi cho sức khoẻ (tương tự trong cacao, nho, táo). Vậy nếu ai chưa uống cà phê, và nhứt là người bị dị ứng với caffeine thì đừng nên uống, còn ai đã quen với caffeine rồi thì lợi-hại dung hoà, có vẻ cũng không có tác hại gì (Chưa có bằng chứng nào cho thấy cà phê gây tác hại lâu dài.)

3. Trả lời riêng cho bạn Ha Thuan: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một nhà kinh tế có tầm nhìn chiến lược và ý tưởng lớn, hẳn sẽ cười khẩy chứ chẳng thể nào "khóc" với một bài viết nhỏ bé này của tôi đâu. Dù làm bên một lãnh vực khác, khoa học chứ không phải kinh tế, nhưng tôi có nhiều đồng cảm với ông Vũ.
Unknown đã nói…
Mình nghiền cafe đã từ lâu.nhưng hôm nay lướt qua bài của bạn mình hiểu hơn.đúng là uống cafe có vài triệu chứng rất khó chịu,và không tốt cho sức khỏe.cám ơn bạn !
Double L đã nói…
Ummm, thú vị thật đấy.....
Unknown đã nói…
vậy mà mình uống cofe bao lâu nay ..đâm ghiền mất rồi

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Chỉ một chữ "Thương"

Giác ngộ toán học

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc