"Bi" & "Thương"

"Bi" và "Thương", một chữ Hán và một chữ Nôm, cả hai đều có những nghĩa khác nhau đến mức tưởng như đó là những chữ đồng âm dị nghĩa. Nhưng hôm nay mình đã ngộ ra được cái liên hệ giữa các ý nghĩa tưởng chừng không có liên quan gì với nhau đó.

  • Bi (悲): Một đằng là Từ-bi, tức là lòng thương người; Một đằng lại là Bi-ai, Sầu-bi, Bi-thương, Bi-thảm, Bi-quan, tức là buồn khổ!
  • Thương (愴/傷): Một đằng nghĩa Nôm (愴) là tình thương; Một đằng chữ Hán (傷) là Thương-tâm, Bi-thương, hay thậm chí Thương-tích, Thương-vong!

Theo đạo Phật thì "từ bi" (慈悲, merciful) là lòng "thương xót chúng sinh" (Từ=Thương, Bi=Xót), trong đó Bi (悲) chính là là nỗi đau. Theo đạo Thiên Chúa thì "trắc ẩn" (惻隱, compassion) cũng là "thương xót kẻ khác", trong đó Trắc (惻) chính là nỗi đau buồn thống khổ. Còn tình thương cũng vậy, có thương người thì mới thấy đau xót trước cảnh khổ của người. Quả thực người không biết thương xót kẻ khác thì không thể có tình thương được. Hay như bài hát "Ngày Chưa Giông Bão" thì nói "còn thấy đau là còn thương!!!"

Chữ "thương" trong tiếng Việt ta có 2 chữ Nôm có cấu trúc rất ý nghĩa:

  • 愴 ("thương") = 心 ("tâm") + 倉 ("thương": cái kho) = "tâm rộng lượng như nhà kho"
  • 慯 ("thương") = 心 ("tâm") + 人 ("nhân") + 昜 ("dương": sáng, Mặt Trời) = "tâm người sáng rực như Mặt Trời"

+ Cái vụ chữ nhiều nghĩa này làm mình nhớ đến chữ Nước(渃) có hai nghĩa 1."chất lỏng" và 2."quốc gia" tưởng chừng chẳng quan hệ gì với nhau mà kì thực là có: Ở trong nền văn minh (lúa) nước của các dân tộc Đông-Nam Á thì người ta đều gọi vùng của mình là "nước" chứ không gọi là "đất" (land, địa) như các dân tộc khác :)

+ "Chấp" & "Thương"
+ Chỉ một chữ "Thương"

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)