Cây cầu Vô Thường

Một cây cầu bắc trên bờ và dừng lại ngay cạnh dòng sông?!

- Cầu này xây chưa xong chăng?
- Không! Nó vừa mới xây xong và khánh thành được có vài tháng trước (so với thời điểm chụp hình trên). Đó là cầu Choluteca Mới (Nuevo Puente Choluteca) do người Nhật xây bắc qua con sông Choluteca ở Honduras, Trung Mỹ.

- Vậy sao nó kỳ lạ vậy?
- Số là nó được xây từ năm 1996 tới 1998, nhưng vừa khánh thành được vài tháng thì cả Honduras bị siêu bão Mitch càn quét khiến 6000 người chết, 8000 người mất tích, hầu hết cầu trên sông Choluteca đều bị sập hoặc hư hại nặng... duy có cây cầu Choluteca Mới này là gần như nguyên vẹn! Cả thảy đường sá 2 bên chân cầu đã bị lũ quét đi hết nên nó mới trơ trọi như vậy. (Xem hình dưới đây và báo cáo này.)

- Nhưng sao con sông lại chảy bên cạnh?
- Đời bể dâu mà, biển cả còn biến thành nương dâu, sông còn cạn đá còn mòn, chứ việc con sông nó đổi dòng "lách" qua một bên thì có gì lạ đâu! Trong cơn siêu bão Mitch với sức gió tối đa tới 250 km/h thì dòng sông Choluteca đã thay đổi dòng chảy, nên không còn chảy dưới chân cầu cũ (tuy mới xây) nữa!

- Ồ, hay thật! Người Nhật làm đồ chắc chắn quá, nhiều khi cũng bị phản tác dụng nhỉ!? Cây cầu quá tốt mà giờ trở nên vô dụng rồi!!!
- Ờ, đây là một ví dụ hay cho sự tương phản giữa ý muốn "trường vồn vĩnh cửu" của con người với sự vô thường, luôn biến đổi của tự nhiên. Nhưng nó cũng chẳng phải vô dụng lâu đâu. Chỉ 4 năm sau, tới cuối 2002 là người Nhật đã sửa lại cây cầu đó, nối nó dài hơn cho vừa với lòng sông đã mở rộng sau bão, và khánh thành vào tháng 1/2003. Cây cầu mới xây lại đã được đổi tên thành cầu Mặt Trời Mọc (Puente Sol Naciente). (Xem hình dưới đây và bản đồ Google.)

- Ồ, vậy mà sao cho tới tận bây giờ, nhiều bài đăng trên mạng vẫn bảo rằng "nó đã vô dụng tới ngày nay"?!
- Thì đó! Đó là vì người ta nói thì dễ mà làm thì khó: Nói về sự luôn biến đổi, vô thường thì hay lắm, mà chính mình lại chấp vào cái "cây cầu lệch" cứ bắt nó phải lệch hoài và chẳng biết rằng người ta đã sửa nó rồi và chạy xe ào ào qua đó gần 2 thập kỷ (18 năm) nay rồi. Tệ hơn nữa, nhiều người còn lấy râu ông này cắm cằm bà kia, lấy hình của cây cầu Choluteca Cũ (Puente Choluteca) hay còn gọi cầu Carías cách đó 4 cây số để gán cho cây cầu Choluteca Mới (nay là cầu Mặt Trời Mọc) này như hình dưới đây. Rõ ràng một cái là cầu treo làm từ tận năm 1935, một cái là cầu không có dây treo làm từ năm 1996, hình dáng hoàn toàn khác nhau!

- Hay thật! Cây cầu Choluteca Mới (Mặt Trời Mọc) này quả thực thú vị khi có tới 2 tầng lớp vô thường đối lập với nhau:
  1. Dòng nước sông vô thường đối lập với cây cầu còn đứng lại trên bờ, và
  2. Sự vô thường trong xây dựng, hư hại rồi tái thiết, đối lập với tâm người cứ muốn giữ hình ảnh "cây cầu vô dụng" lại để "nói cho đã miệng".
- Đúng vậy! Bản thân Vô Thường cũng có 2 mặt, mặt tiêu cực là sự phá hủy và mặt tích cực là sự tái tạo. Người ta chỉ nhìn vào mặt tiêu cực nên mới sợ Vô Thường, mà không biết chính nhờ Vô Thường mới có những điều tuyệt vời của sự tái sinh, sau cơn mưa trời lại sáng. Nhờ Vô Thường mà người bệnh mới có hi vọng chữa lành, kẻ thấp kém mới có cơ hội vươn lên, kiếp nô lệ mới có ngày giải thoát.

Source: fb post September 2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

12:00 am / 12:00 pm ??!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Chỉ một chữ "Thương"

Giác ngộ toán học

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng