Cái sướng của vô minh (The bliss of ignorance)

Trong quá trình phát triển, càng thấy biết nhiều thì chúng ta càng đau khổ, đến độ nhiều khi ta ước được "điếc không sợ súng", để "mắt không thấy, tim không đau". Nhưng ít ai biết được rằng trên đường quay trở về, khi ta hoàn thiện cái thấy biết của mình thì những đau khổ đó sẽ được hóa giải. "Hóa giải" ở đây nghĩa là giải thoát khỏi cả khổ lẫn sướng, chứ không phải là chỉ biết sướng (như lúc còn vô minh).

Đại khái quá trình đó như sau:
  1. Ngây thơ: Được sinh ra trong sự bảo bọc chăm sóc của người lớn, như một tờ giấy trắng, chúng ta chưa biết gì, và cũng chưa cần phải biết gì nhiều ngoài việc "bám theo người lớn" (bản năng). Nhờ sự yêu thương che chở của người lớn mà giai đoạn này ta được sung sướng.
  2. Học hỏi: Cùng với sự phát triển sinh lý, chúng ta cũng học hỏi mở mang kiến thức để phát triển về mặt tinh thần. Qua học hỏi, chúng ta được biết tới những thứ sướng hơn cái sướng của ngây thơ và bắt đầu biết chút ít về những cái khổ. Tùy vào môi trường (gia đình, xã hội, tự nhiên) mà ta có nhiều hướng phát triển khác nhau, có người thì hầu như không biết khổ là gì, có người thì đánh mất tuổi thơ trong những đau khổ của gia đình, nhưng đa số là có cả sướng lẫn khổ chen lẫn nhau. Đây là giai đoạn ta được/bị biết tới cái khổ thông qua sự thấy-biết. Tuy đã biết tới đau khổ ở mức vô thức, thể hiện qua các phản ứng như khóc, buồn, giận, nhưng hầu hết chúng ta vẫn chưa ý thức rõ về những đau khổ đó. Nhờ không biết ở cấp ý thức mà ta vẫn còn vô tư sống, nhiệt tình sống dù có khó khăn cách mấy. (Trừ một số ít ngoại lệ như mình đã muốn tự tử từ nhỏ.)
  3. Định hình: Cơ thể sinh học của chúng ta được lập trình để phát triển trong khoảng 20 năm. Cuối thời khì phát triển sinh lý này, cả sinh lý lẫn tâm lý của chúng ta định hình lại, đông cứng lại, nên gọi là "trưởng thành (sinh lý)". Sự định hình tâm lý tạo nên một cái Tôi hoàn chỉnh, khiến chúng ta ý thức rõ về bản thân mình như một cá thể độc lập trong môi trường và xã hội. Sự định hình này cũng khiến cho cái Tôi nhỏ bé kia cho rằng tất cả những gì đã được dồn vào bên trong đó là Tôi, là "của Tôi", là hiển nhiên, là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Nó hoàn toàn không biết rằng tất cả những gì nó cho là "Tôi" đó, từ thân thể, cái tên, cho đến hết thảy tính cách, tư tưởng, v.v. đều từ người khác (cha mẹ, người thân) và từ môi trường (tự nhiên & xã hội) dồn lại, tích tụ lại mà thành. Nhờ không biết rõ về quá trình hình thành đó mà ta được sung sướngsung sức trong việc bảo vệ cái Tôi, dù cho phải chống lại cả thế giới.
  4. Va chạm: Theo chương trình đã được lập sẵn trong cái Tôi, chúng ta làm việc hết mình, chiến đấu hết mình, vận động hết sức, hết lòng, hết tâm trí để tìm tới những thứ được cái Tôi cho là "sướng", là "đúng", là "hay", là "đẹp", và tránh xa những thứ bị cái Tôi cho là "khổ", là "sai", là "dở", là "xấu". Tùy theo vốn liếng phước báu của mình mà ta sẽ thực hiện công việc "phụng sự cái Tôi" đó được suôn sẻ hay gặp nhiều trở ngại, nhưng ít nhiều ai cũng phải va chạm và không sớm thì muộn ai cũng phải nếm trải khổ đau. Khi va chạm, khi gặp đau khổ thì lại chính những chương trình trong cái Tôi đó, đạo gọi là "nghiệp", tục gọi là "thói quen", "niềm tin", "quan niệm", "tính cách", "bản năng", quyết định cách ta phản ứng với khổ đau, cách ta giải quyết những vấn đề gặp phải. Có cách trốn tránh có cách đối diện, có cách nhanh có cách chậm, có cách xây thêm hàng rào bảo vệ cái Tôi có cách hạ bớt cái Tôi xuống, v.v. nhưng dù cách nào thì giai đoạn này ta vẫn liên tục tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, và khổ đau. Dù ý thức được hay trong vô thức, chúng ta cứ liên tục lấy vốn liếng bên trong ra để xài để dồn mọi thứ bên ngoài vào... cho tới khi ta nhận ra giới hạn... "hết vốn", "hết sức", "hết đường", "hết sức chứa", "hết chịu nổi",...
  5. Cùng đường: Khi tới đường cùng, đụng "chân tường", không còn cách nào xoay sở, ta chỉ còn thấy một màn đen mù mịt, không còn thấy biết gì nữa, mọi thứ dường như sụp đổ, đau khổ đến tận cùng, tuyệt vọng, không còn thiết tha gì nữa... Nhưng ở ngay trong tận cùng của vô minh đó, ta lại nhận ra có cái sướng ở trong đó: Không còn thấy biết gì nữa thì cũng không còn biết khổ là gì, đơ ra mất cảm giác thì cũng hết cảm thấy khổ, đầu óc tê liệt không tính toán nữa thì cũng không còn lo lắng sợ hãi, không còn hi vọng thì cũng không còn thất vọng, mình không lo thì cũng có người khác lo, .v.v. Những cái sướng này đưa ta quay lại chỗ "ngây thơ" hay chỗ "định hình" tùy theo nghiệp lực của mình, tức những thứ mình đã tích lũy trong đời này (từ khi cái Tôi được định hình) và từ nhiều đời trước (trước khi cái Tôi được định hình). Ở nhánh "định hình" thì ta tiếp tục định hình lại cho cái Tôi của mình là phải biết vô tâm, biết bỏ mặc, biết vô cảm, v.v. và chúng trở thành những "đoạn chương trình" mới được bổ sung vào hệ thống chương trình của cái Tôi để tiếp tục phát triển và va chạm. Nhánh này thường được hỗ trợ bởi những đam mê trong đời, từ những thú vui, dục lạc, các chất và hành vi gây nghiện, cho đến những lý tưởng, những niềm tin tôn giáo. Còn ở nhánh "ngây thơ" thì ta tái sanh tinh thần vào "bụng" của một "cha mẹ" nào đó lớn hơn, nhận sự che chở và dạy dỗ của những đấng lớn hơn. Tuy cả 2 đều là quay trở lại chỗ vô minh trước để hưởng cái "sướng" như một phần thưởng làm động lực để đi tiếp, nhưng sự tái sinh về chỗ "ngây thơ" là khởi đầu cho hành trình quay về nguồn cội...
  6. Về nguồn: Mỗi khi cái Tôi cũ chết đi (tan rã) để tái sinh tinh thần, ta nhận ra "mình" không còn bị giới hạn trong bức tường cái Tôi hạn hẹp trước đó nữa; nhận ra mình không chỉ là những cái đẹp mà có cả những cái xấu, không phải được sinh ra chỉ để sung sướng mà để trải nghiệm cả những đau khổ; nhận ra nhờ có đau khổ mà sung sướng được tồn tại, nhờ có cái xấu mà cái đẹp được tôn vinh, nhờ có vô minh mà ta mới có được ánh sáng giác ngộ, v.v. Những sự lớn lên về tinh thần (tâm linh) đó lại chuẩn bị cho ta đối diện và vượt qua những đau khổ lớn hơn, với tâm bình thản hơn, nhẹ nhàng hơn.

Trong tiếng Anh có thành ngữ "ignorance is bliss" (vô minh là sung sướng) xuất phát từ bài thơ "Ode on a Distant Prospect of Eton College" của Thomas Gray ở thế kỷ 18. Đây là mấy câu thơ cuối của bài đó:


Alas, regardless of their doom,
      The little victims play!
No sense have they of ills to come,
      Nor care beyond to-day.
[...]
Yet ah! why should they know their fate?
Since sorrow never comes too late,
      And happiness too swiftly flies.
Thought would destroy their paradise.
No more; where ignorance is bliss,
      'Tis folly to be wise!!!
Tạm dịch:

Than ôi, bất chấp sự diệt vong đang đến,
    Các nạn nhân bé bỏng vẫn vui chơi!
Chẳng biết gì về khổ đau bệnh tật,
    Hay quan tâm ra khỏi ngày hôm nay.
[...]
À, mà sao phải biết về số phận của mình?
Trong khi đau khổ chẳng bao giờ đến muộn,
    Và hạnh phúc cứ vùn vụt qua nhanh.
Suy tư (về số phận) sẽ phá hủy thiên đàng của họ.
Sẽ chẳng còn; nơi vô minh là sung sướng,
    Thì làm người thông thái mới ngu xuẩn làm sao!!!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những mẩu chuyện Phá chấp

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)