"Chỉ vì không nhìn thấy đích!"

Chỉ vì bị sương mù dày đặc che không thể thấy cái đích đang đến rất gần mà Florence May Chadwick, người phụ nữ đầu tiên bơi qua lại qua eo biển Măng-sơ (giữa Anh và Pháp), đã bỏ cuộc sau 15 giờ vượt 20 dặm từ đảo Catalina đến chỉ còn cách bờ biển California khoảng 1 dặm nữa thôi! Và 2 tháng sau, cô đã quay lại hoàn thành kỷ lục của mình, bơi một mạch vượt 21 dặm trong vòng 13 giờ 48 phút, trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi eo biển Catalina, với thời gian ngắn hơn kỷ lục nam đương thời tới 2 giờ! Điều đáng nói ở đây là trong lần thứ hai, Florence vẫn bơi trong sương mù dày đặc, nhưng cái đích đến đã được cô "thấy rõ" ở trong đầu của mình rồi, nên cô đã có đủ nghị lực để vượt qua. Trong các môn thể thao điền kinh nói riêng và trong cuộc sống nói chung, biết được đích đến của mình là một điều rất quan trọng vì nó là sợi dây bảo hiểm giữ cho chúng ta không bị bỏ cuộc giữa chừng. Kinh nghiệm bơi biển của mình cho thấy là khác với bơi trong hồ, người bơi biển phải luôn đối mặt với sóng, gió, luồn chảy, và định hướng, nên phải tuỳ vào tình huống, cự ly, sức khoẻ mà thay đổi chiến thuật cho phù hợp. Vì thế, nếu không biết được mình đã đi được tới đâu và còn bao xa nữa thì khó mà giữ sức được. Hồi mình đạp xe đường trường cũng vậy, nhiều khi cự ly mình đã chia để chạy và nghỉ rồi, nhưng đến thực địa mà điều kiện khó khăn thì phải lượng sức mà nghỉ, còn nếu thuận lợi thì có thể kéo dài cư ly lên. Hồi đi Vũng Tàu về, nhờ đã thông thạo địa hình lúc đi ra mà lúc về mình đã đi 60km mới nghỉ một lần. Ngược lại, lúc lên Tây Ninh, tuy đã phân 30km nghỉ một lần (cho đường mới đi) rồi, nhưng ở 30km cuối mình đã gặp phải đoạn đường xấu và lại phải cắt làm đôi, đi được 15km thì lại nghỉ... Không ngờ là sau khi đi tiếp thì mới biết rằng chỉ còn 5km nữa là hết đoạn đường xấu đó rồi, tức là mình hoàn toàn có thể đi một mạch cả đoạn 20km đường xấu + 10 km đường tốt đó nếu mình hình dung ra được con đường phía trước. Suy rộng ra, ta có thể thấy tầm quan trọng của kiến thức về con đường mình đang đi trong các quyết định. Ví dụ như trong trại Láng Le vừa rồi, lần đầu khi đi vào khu rừng lạ, do chưa biết có gì nguy hiểm trong đó, nên mình đã phải trang bị đầy đủ dụng cụ như ban tổ chức yêu cầu (giày, điện thoại, nước uống, dây, đèn pin). Nhưng một khi đã đi một lần và biết rõ con đường mình đi qua rồi thì lần sau tuy đi trong đêm nhưng mình cũng đã thản nhiên đi mình không vào rừng (chỉ với đèn pin). Ngay cả trong tin học cũng vậy, các thuật toán "tìm kiếm mù", tức không có thông tin về không gian tìm kiếm, đều tốn chi phí lớn do phải vét cạn tất cả các khả năng. Trong khi những thuật toán heuristic dựa vào thông tin của không gian tìm kiếm thì có thể đi "tắt", đi "thẳng" hướng tới đích mà không phải vòng vèo, nên thường có chi phí thấp hơn nhiều. Nhiều người sống không cần biết đến mục đích của đời mình. Hay có người duy ý chí thì lại bảo Florence bỏ cuộc lần đầu là do "thiếu quyết tâm". Nhưng mình, với đầu óc khoa học luôn vạch ra kế hoạch cho chặng đường phía trước thì không thể không biết đến cái đích nằm ở đâu, cách mình bao xa. (→ Optimization/Planning problem.) Hơn nữa, thích trải nghiệm nhưng mình cũng không thể bỏ qua các yếu tố an toàn, hiệu quả dẫn đến các quyết định điều chỉnh kế hoạch dựa vào các thông tin tình trạng, trạng thái hiện tại trong hành trình, chứ không thể chỉ dựa vào ý chí quyết tâm suông được. (→ Dicision problem.) Vì thế mình rất đồng cảm với Florence trong quyết định bỏ cuộc mà cô đã đưa ra. Rốt cuộc thì cũng quay về với lý thuyết Thông tin Thống nhất (Uniinfo) và Tri thức (Knowledge) của mình!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Các tầng Ý nghĩa của các con Số