Để tóc Nàng ngủ yên!

Xin trời ngừng bay cơn gió heo may
để em tóc dài, em ngủ được dai.
Xin trời ngừng mau sương xuống đêm thâu
để em canh đầu tóc ngủ được lâu.
Xin trời gọi riêng muôn tiếng chim quyên
để ru tóc huyền em ngủ thật yên!


Chẳng biết từ đâu, không biết tự bao giờ, tôi đã biết ngắm và yêu mái tóc của người ta?! Có lẽ là từ khi yêu em! Tóc em không dài, cũng chẳng suôn mượt như của người ta, nhưng tôi vẫn yêu cái vẻ đẹp tự nhiên của nó. Nghe nói ngày trước em để tóc dài, dài đến tận lưng. Tôi giật mình thấy lạ. Em bảo em phải thắt bím nó lên. Nhưng tôi bảo em để ngắn thế này gọn hơn, tóc em xoăn mà để dài thì cực lắm... Thế mà cái ông trời quái ác lại bắt em phải bị đau đầu mỗi khi tóc ướt lâu sau lúc gội. Chẳng biết đó là cái bệnh chi, nhưng em cứ thấy đau thì tôi lo lắm. Lại đau ở quanh hốc mắt nữa chứ... sao mà giống cái bệnh glôcôm, vốn là "thiên đầu thống" trong dân gian, vậy chứ?! Ôi, ông trời vốn thật là bất công!

Ông ơi, trời ơi, xin hãy để cho tóc em tôi được yên!

Mỗi lần em đau, tôi thấy thương, chịu không nổi nhưng cũng chẳng biết làm sao. Hôm nay lên mạng tìm hiểu một lúc thì tình cờ phát hiện ra một bài viết về tóc hay đến tuyệt vời! Ôi, tôi yêu cái tự nhiên, tôi vẫn nhớ ngày xưa mẹ mình gội đầu bằng nước bồ kết. Thế mà các cô gái bây giờ chắc chẳng còn biết trái bồ kết nó ra làm sao nữa!? Nó màu đen, dài, có nhiều khoang, mỗi khoang một hột giống như trái me vậy. Mỗi lần gội phải đun lên, vắt lấy nước, cái nước đó cũng đen nhánh như màu tóc mình vậy. Kể ra thì đúng là kì công thật! Thế nên các cô gái bây giờ bận rộn, không có dùng đến nó nữa cũng là phải.

Dưới đây xin chép lại bài viết hay về tóc đó:

Cưới tóc

Họ ngoại tôi, tóc ai cũng đẹp. Nghe nói xưa có một người được tuyển làm cung phi, nhan sắc không phải chim sa cá lặn, nhưng mái tóc thì tuyệt mỹ. “Gia sản” ấy truyền đến đời chúng tôi thì coi như “lụn bại”.

Mỗi lần tôi đi công tác về, Zứa lại xót xa: “Tóc xơ quá!”. Tôi hơi tủi thân (là con gái ai chả thích nghe khen đẹp), nhưng vẫn cố cãi: “Về bản chất là đẹp đấy!”.

Có lẽ hồi nhỏ, đứa con gái nào tóc cũng đẹp, ngay cả một đứa còi din còi dịn, đen nhẻm đen nhèm như tôi. “Tóc con này không đen nhưng mượt lắm, sợi nhỏ, tóc tơ” – Bà nội thường nói thế mỗi lần gội đầu, chải tóc cho tôi. Bà nấu nước gội đầu bằng cái nồi đồng bắt lửa đen sì. Bồ kết khô treo xà bếp cũng đen sì, nướng lên, bẻ nhỏ. Lá bưởi hái cây góc vườn, thêm rễ hương bài một nắm xinh xinh... Nước gần sôi thì bà sai tôi đi mua chấp. Quả chấp to hơn quả chanh mà lại rẻ hơn, vàng ươm, vị chua nhưng đắng nên không ăn mà chỉ để gội đầu. Nồi nước gội đầu của bà còn thường có cả vỏ bưởi khô, ăn bưởi xong bao giờ bà cũng sai tôi phơi vỏ bưởi lên tường bao để gội đầu dần. Ngày vào hè hay những dịp lễ tết, làn đi chợ của bà tôi lại thêm một bó lá gội đầu mua của bà bán lá góc chợ. Nào lá sả nào lá chanh nào hương nhu làm tóc mượt bồ kết làm tóc đen, nào cỏ mần trầu nào lá vừng làm tóc nhanh dài... Cơ man bao nhiêu là loại lá, tôi nhớ không xuể, nhưng mùi nước gội đầu ấy thì thơm trong ký ức tôi đến tận bây giờ...

Kỷ niệm giờ nhớ lại thì êm đềm như thế, chứ hồi đó tôi sợ gội đầu khủng khiếp, chuyến gội đầu nào cũng gắn liền với “vũ lực”. Bà thường kéo xềnh xệch tôi đến bên chậu nước gội đầu, ấn cổ tôi xuống, dội nước chẳng nương tay, miệng quát: “Đầu đầy chấy đây, con gái con đứa gì mà sợ gội đầu thế hả!”. Tôi thì chỉ chực bà lơi tay là chạy, mắt nhắm tịt, miệng kêu oai oái: “Nước nóng, nước nóng, bỏng em bà ơi!”.

Tôi sợ bà gội đầu vì tay bà gãi mạnh lắm, làm mặt tôi chỉ chực văng khỏi cổ. Nhưng tôi rất thích ngắm mẹ gội đầu. Mẹ thường gội đầu khuya, bà bảo gội đầu khuya dễ bị thiên đầu thống, đàn bà con gái tắm gội khuya là không ngoan, nhưng chỉ lúc hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ, mẹ tôi mới được tạm ngơi tay rửa dọn. Nước gội đầu đã nguội, thậm chí là hết, mẹ dùng lại chỗ nước chúng tôi đã gội còn ở chậu. Tóc mẹ dài quá lưng, khi gội chảy nghiêng xuống thành một màu đen mướt mát cả đáy chậu thau đồng... Một tay mẹ vuốt tóc, một tay múc từng ca nhôm nước từ chậu dội từ từ xuống tóc, dòng nước màu mật ong như dải lụa nhỏ chậm rãi tan trong suối tóc đen... Sau khi gội lại lần nữa bằng nước lã, mẹ nghiêng nồi nước gội đầu chắt nốt ca nước còn lại để tráng tóc, mẹ bảo có vậy mùi thơm mới lưu lại được lâu...

Đến năm tôi học lớp 4 thì sạp hàng khô của bà tôi ở chợ Đồng Xuân mở to gấp đôi. Hết giờ làm, mẹ không còn đi bán chè đỗ đen với các cô ở ở cơ quan làm “kế hoạch 3” nữa, tối nào cũng ra chợ phụ bà cất hàng, rồi đi lấy hàng các nơi đến tối mịt chưa về. Nhà chẳng mấy khi còn nấu nước bồ kết lá bưởi, chị tôi ở nhà thường gội đầu cho lũ chúng tôi bằng xà phòng giặt, bánh xà phòng Liên Xô nâu sì, cứng, mùi rất hăng. Đến khi tôi lên cấp 2, bắt đầu biết xấu hổ khi bị bọn con trai trêu, thì mái tóc về cơ bản là đã bị phá hoại xong, cứng và đỏ quạch như mớ dây đồng. Đến khi đó tôi mới bắt đầu hiểu câu “Cái răng cái tóc là góc con người” ngày xưa bà hay ngâm nỉ non, câu nói ấy chính là cây thánh giá ngọt ngào của hơn một nửa thế giới: Phải đẹp. Không được giời cho “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” thì vẫn phải biết trau chuốt những “góc” duyên thầm rất phụ nữ ấy.

Vậy là, suốt những năm học cấp 3 cho đến cả thời sinh viên, tôi cứ mải miết cải tạo “mớ dây đồng” bỏ thì thương, vương thì tội trên đầu. Mỗi lần đi chợ, tôi lại ăn bớt 500 đồng chạy ra bà hàng lá. Nhà đã chuyển từ phố cũ ra khu Hoàng Hoa Thám, có vườn rộng nên tôi còn đi nhổ cả cây hoa cứt lợn và cỏ mần trầu về trồng. Bà đã mất, mẹ ốm liên miên, chị gái đi học ở Liên Xô, tôi phải một tay quán xuyến việc nhà. Trường Tổng hợp cách nhà 10 cây số, đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng, về nhà thì cơm nước, giặt giũ, chó mèo, lợn gà... chẳng hôm nào ngủ trước 2 giờ đêm, mắt thường xuyên díp lại vì thèm ngủ, vậy mà một ngày tôi vẫn gội đầu đến 3, 4 lần. Vừa nấu cơm, vừa tranh thủ gội đầu, tóc cứ ráo nước là gội lại lần nữa. Mãi sau này đọc báo mới biết tóc nên gội 2 ngày 1 lần, chứ cứ gội huỳnh huỵch như thế chỉ tổ nhanh hỏng tóc.

Lũ cháu tôi bây giờ thì chả biết quả bồ kết như thế nào. Giá gương phòng tắm lúc nào cũng 3-4 loại dầu gội đầu, nào trị gầu nào cho tóc thường nào cho tóc khô, nào Nhật nào Pháp nào Việt Nam liên doanh... Dầu gội đầu nào lại lại dầu sả loại ấy. Bọn trẻ con cứ mỗi khi tivi quảng cáo dầu gội đầu mới lại nằng nặc đi siêu thị mua ngay bằng được. Ngày nghỉ, anh chị tôi dắt lũ trẻ con ra hiệu gội đầu. Anh một ghế, chị một ghế, mấy đứa nhỏ ngồi đọc truyện tranh Nhật Bản đợi đến lượt. Còn cô bé hàng xóm ngay cạnh nhà, chẳng “công nghệ” mới nào cho mái tóc mà cô không sốt sắng áp dụng: Hết thời xù các loại mì rồi lại ép tóc, hết là rồi lại hấp, hết nhuộm cả mái màu rượu chát giờ lại chuyển sang nhuộm line... Bạn trai nó thì “kinh dị”: Một quả tóc vàng choé, line da cam, xanh nõn chuối và đỏ!

Zứa thì “lạc hậu” lắm, ngoài dầu gội đầu (mà gã đành thoả hiệp), gã không muốn tôi bôi bất cứ thứ hoá chất nào lên tóc. Zứa bảo: “Màu tóc đẹp nhất là màu tự nhiên. Anh rất thích mãi tóc đen dài, nhưng tóc nâu tự nhiên như em cũng đẹp lắm, lúc nào cũng như thơm màu nắng vậy!”. Rõ khéo nịnh, nói thẳng ra là nhà báo đi nhiều tóc cháy khét đi!

Hôm qua (sau khi xem ảnh Zim chụp), Zứa bảo, sự giản dị, tự nhiên sẽ ngày càng “cao giá”, gã sợ một mai cả thế giới sẽ săn lùng các cô gái không lệ thuộc trang điểm, da nâu mắt nâu tóc nâu khét nắng như tôi... “Mình cưới nhau đi! Chúng mình sẽ đẻ thật nhiều con, cho đến khi có được một đứa tóc đẹp như bà cung phi ngày xưa...”. Khiếp, bây giờ ai còn nghĩ đến chuyện đẻ nhiều con. Đồ lạc hậu!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Đây là con chim!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi