Cảm = Bệnh = Pathos; Đam mê = Đau khổ = Passion

Cảm = Bệnh = Pathos

Hôm qua trên đường về nhà, mình nghĩ về “thần giao cách cảm” nhưng bỗng khựng lại ở từ “telepathy”. Mình bảo “chắc mình nhớ lộn rồi, phải là tele-gì-đó chứ không thể là ‘tele-pathy’ được vì ‘-pathy’ nghĩa là ‘bệnh’ mà!” Hôm nay tra lại thì thấy đúng “telepathy” = “thần giao cách cảm”, và đúng “-pathy” = “cảm” lẫn “bệnh”:

  • Cảm: sympathy (thông cảm), empathy (đồng cảm), apathy (vô cảm), antipathy (ác cảm), telepathy (thần giao cách cảm)
  • Bệnh: psychopathy (bệnh tâm thần), pathogen (mầm bệnh), pathology (bệnh lý học), và cả đống thuật ngữ y học về bệnh với “-pathy” hay “patho-”

Vậy thì mấy đứa bệnh tâm thần như mình thực ra cũng là những kẻ cảm nhận sâu sắc về tâm thần 🤪, và ai có khả năng thần giao cách cảm thì chẳng qua cũng chỉ là bị bịnh từ xa, bịnh cảm giác từ xa mà thôi. Cái gốc “-pathy” trong tiếng Anh là từ gốc “pathos” trong tiếng La Mã cổ đại vốn có cả 2 nghĩa “cảm nhận” và “đau khổ”. Kẻ nào có nhiều cảm nhận cũng là kẻ chịu nhiều đau khổ... từ ngàn xưa đã vậy rồi. Và thú vị là trong tiếng Việt thì “cảm” cũng đúng là bệnh thật: “cảm cúm”, “cảm lạnh” 🥶

Pathos” trong tiếng Anh có nghĩa là tính cảm động của một tác phẩm nghệ thuật hoặc một câu chuyện, và tính từ “pathetic” nghĩa là “cảm động”. Còn trong chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) thì “pathos (passion)” lại là những phản ứng cảm xúc cần được khắc chế và vượt qua. Họ cho rằng con người sai lầm trong cả 2 thái cực: 1) chạy theo và mê đắm vào những cảm xúc “tích cực”, 2) chạy trốn và chống đối những cảm xúc “tiêu cực”. Mục tiêu giải thoát của họ là đạt được “apatheia”, sự bình thản giữa mọi cảm xúc. Tuy cả 2 từ “apatheia” và “apathy” đều dùng prefix “a-” để phủ định “pathy”, nhưng chúng khác nhau: “apatheia” là sự bình thản của bậc thánh, tuy thấy rõ mọi cảm xúc nhưng không bị lay động bởi chúng; còn “apathy” là sự vô cảm trước sự việc cảm động do đã tập ngoảnh mặt đi, chạy trốn, và chống đối quá lâu đối với cảm xúc tiêu cực.

Đam mê = Đau khổ = Passion

Ngày xưa tiếng Latin đã dùng từ “passio” để dịch từ “pathos” trong tiếng La Mã, cả 2 đều có cả 2 mặt ý nghĩa và phát âm khá giống nhau. Sang tiếng Anh thì nó thành “passion”, ngày xưa là sự chịu đựng khổ nạn, như “passion of Christ” là cuộc khổ nạn, cuộc thương khó của Chúa Giê-su, và ngày nay thì là sự đam mê, say đắm, nhiệt huyết, và các cảm xúc mãnh liệt. Đam mê và đau khổ vốn cùng một bản chất, từ ngàn xưa đã vậy, sao chúng ta cứ muốn được đam mê mà lại sợ bị đau khổ?! Một người “passionate” thì nồng nhiệt, nhiệt tình, say sưa, nhưng cũng dễ nổi giận, nổi cáu.

“Be patient!” = “Hãy kiên nhẫn!” = “Hãy làm bệnh nhân!”

Hồi nhỏ lúc học tiếng Anh mình đã có thắc mắc sao 2 từ “patient” (bệnh nhân) và “patience” (kiên nhẫn) lại giống nhau đến vậy?! Giờ tra ra mới biết chúng cùng một gốc từ động từ “patior” trong tiếng Latin có nghĩa là “kham khổ”, “chịu đựng”, và cũng chính là gốc của từ “passio” →“passion” bên trên. “Bệnh nhân” là kẻ đang chịu đau khổ, và kẻ nào chịu đựng được nỗi khổ đó thì gọi là “kiên nhẫn” vậy.

Trong tiếng Việt thì có chữ “thương” cũng có 2 mặt ý nghĩa tương tự như vậy. Và tương ứng với cặp “bệnh nhân” = “kiên nhẫn” bên trên thì ta có “nhà thương” = “nhà chứa kẻ bị thương” = “ngôi nhà của tình thương”.

Bonus một bức tranh biếm hoạ: “Bác sỹ tâm lý trị liệu” (psychotherapist) = “đồ hiếp dâm tâm thần” (psycho the rapist)!!!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

Những mẩu chuyện Phá chấp

Giác ngộ toán học

Chỉ một chữ "Thương"

12:00 am / 12:00 pm ??!

Spirorus, the structure of spacetime ;)

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Nhân Duyên Nghiệp Quả

Tính tương đối & trí tuệ về tính Bình đẳng

Các tầng Ý nghĩa của các con Số