Đa nhân cách & Tự kỷ

Mình viết bài này kỷ niệm sự kiện phiên toà của Jeni Haynes ở Úc thành công, phiên toà đầu tiên trên thế giới chấp nhận lời khai của các nhân cách khác nhau của cùng một người. 33 nhân cách trong hơn 2500 nhân cách của Jeni Haynes đã đưa người đã ngược đãi, lạm dụng và hãm hiếp cô suốt tuổi thơ ra công lý. Ở đây, mình xin chia sẻ về hai "chứng bệnh" hay bị hiểu lầm là "đa nhân cách" (phần 1) và "tự kỷ" (phần 2) cùng với những khả năng siêu việt tiềm ẩn của họ (phần 3).

Tranh sơn acrylic “Multiple Personalities” của Oghale Thomas Agboge

1. Đa nhân cách và phổ phân ly

Khác với những ấn tượng xấu do phim ảnh tạo nên về "đa nhân cách" như "bạo lực" hay "nguy hiểm cho xã hội", ngược lại chính những người "đa nhân cách" mới là nạn nhân của bạo lực từ nhỏ và lớn lên họ dễ gặp nguy hiểm khi chuyển đổi giữa các nhân cách khác nhau. Thời trẻ thơ, tâm hồn con người rất mỏng manh, khi bị chấn thương tâm lý (do bạo lực, lạm dụng, hay áp lực), cách duy nhứt để tự vệ là "trốn tránh". Nhưng còn nhỏ thì biết chạy trốn đi đâu được, nên chỗ duy nhứt để trốn là chính trong tâm hồn mình (vô thức, cõi tưởng). Bằng trí tưởng tượng vô biên và khả năng học hỏi (một cách bản năng) nhạy bén của trẻ em, để thay thế "người đã trốn", đầu óc sẽ dựng nên một "nhân vật" khác để đối phó với nghịch cảnh, thường dựa trên một hình tượng hay khái niệm nào gần đó. Như một bé gái yếu đuối có thể dựng nên một bạn trai mạnh mẽ để bảo vệ, còn một bé trai có thể nhập vai vào một con sư tử, hay thậm chí nhập vào "hồn của đá" để trở nên "unbreakable" (không thể phá vỡ). Áp lực càng lớn, sự tổn thương càng nặng, ở lứa tuổi càng nhỏ, thì sự phân ly nhân cách càng mạnh.

Những nhân cách đã trốn thì thường không lớn nữa, nên nhìn vào tuổi của các nhân cách bên trong sẽ biết được thời điểm sự cố đã xảy ra. Mỗi nhân cách thường chỉ chiếm quyền điều khiển trong một hoàn cảnh nhứt định đặc trưng cho nhân cách đó, nên bản thân các nhân cách đó thường không tự biết đến nhau mà thường tự cho rằng "mình là tất cả". Như một nhân cách yêu thương thì chỉ xuất hiện trong môi trường yêu thương nên thường không biết đến sự hận thù, luôn thấy rằng "thế giới này luôn đẹp đẽ!" Thực ra thì mỗi khi có bất hoà hay đau khổ thì nhân cách yêu thương đó đã "trốn mất" và đổ dồn hết cho nhân cách thù hận, nên đối với nhân cách thù hận thì "thế giới này luôn khốn nạn!" Còn trong những lúc bình thường thì nhân cách bình thường điều khiển (tay, chân, miệng), nhưng 2 nhân cách kia vẫn thường dòm ra và cùng nghe cùng biết các sự kiện như nhân cách bình thường biết (chỉ không thèm điều khiển thôi). Đó là lý do mà trước khi có một người đáng tin cậy chỉ ra các nhân cách khác nhau thì người đó thường không tự nhận ra được.

Thế nên người ngoài thường thấy người đa nhân cách là mâu thuẫn, khó hiểu, thay đổi kỳ lạ, và hay "nói dối". Nhưng với chính người đó thì các nhân cách tự thấy mình rất bình thường, chẳng mâu thuẫn gì cả, chẳng qua là "bọn nó không hiểu mình thôi", và "bọn nó mới là kẻ bịa đặt, chứ mình có nói như vậy bao giờ mà bảo mình nói dối?!" (vì nhân cách khác nói). Trước khi các nhân cách biết đến nhau thì sự chuyển đổi nhân cách hoàn toàn lệ thuộc vào các kích thích bên ngoài (external trigger), tức theo hoàn cảnh, chứ hoàn toàn không có chuyện "tự dưng thay đổi" như trong phim ảnh hay diễn. Nghĩa là "không có lửa sao có khói?!" Nên với người ngoài bình thường thì cũng chỉ thấy rằng người đa nhân cách đang phản ứng lại một cách thái quá mà thôi (chứ không biết đó có thể là một nhân cách hoàn toàn khác).

Vậy cái gì là đặc trưng để xác định "đa nhân cách"??

Theo phim ảnh thì giọng nói khác, chữ viết khác, nhưng có ai trên đời này có thể nói lời yêu thương và nói lời căm thù bằng cùng một giọng không, và ai có thể viết cùng một nét chữ cả khi mình bình tĩnh lẫn lúc mình bấn loạn không? Những thể hiện khác biệt đó thường không thể dùng để phân biệt nhân cách được, vì nó hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh (các nhân cách được sinh ra là từ hoàn cảnh mà). Những đặc trưng khác nhau đó chỉ có tác dụng phân biệt nhân cách qua thôi miên, tức trong cùng một hoàn cảnh, nhà thôi miên "gọi hồn" các nhân cách khác nhau lên và họ thể hiện ra các dạng khác nhau. Tuy nhiên, "nhập vai" là một đặc trưng cơ bản của thôi miên, và bất kỳ một người bình thường nào cũng có khả năng "nhập vai thần kỳ" theo gợi ý (suggestion) của nhà thôi miên một khi đã rơi vào trạng thái thôi miên. Vậy nên các thể hiện khác nhau chỉ mang tính chất tham khảo, và có những tính cách chỉ khác nhau về suy nghĩ và định danh (id, tức "tôi là là ai") mà thôi.

Có một đặc trưng chính xác hơn để xác định, đó là sự phân ly trí nhớ, VD: lúc bình thường thì không nhớ những gì xảy ra lúc tức giận, nhưng tức giận lên thì nhớ hết những lần tức giận trước. Điều này, với những người ngoài không thân thì thường bị coi là "giả bộ quên" hay "nói dối". Thực ra mọi người đều có "kí ức khác nhau" trong những môi trường khác nhau: Chúng ta thường cho rằng chúng ta nhớ hết tất cả nhưng không phải vậy; khi đang yêu thương thì chúng ta rất khó nhớ những sự tức giận, nhứt là những chi tiết, nhưng đến khi tức giận lên thì một chi tiết nhỏ của lần trước mình cũng không quên. Thế nên thực ra "đa nhân cách" không phải là một "bịnh" mà chỉ là mức độ phân ly mạnh nhất trong phổ/dải phân ly trong mỗi chúng ta mà thôi.

*** Phổ phân ly (Spectrum of Dissociation)

Để sống trong xã hội, mỗi người chúng ta phải phân ly tính cách ra để "nhập vai" vào nhiều vai trò khác nhau trong nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau. Ra đường có làm ăn cướp nhưng về nhà vẫn phải làm cha yêu con; lên bục giảng làm cô giáo nhưng xuống bếp thì vẫn phải làm vợ hiền. Cả tính cách lẫn trí nhớ chúng ta đều phải phân ly ít nhiều, nhưng thường là vẫn giữ được một nhân cách và định danh ("tôi là ai") thống nhất. Khi sự phân ly trở nên mạnh hơn, chúng ta đi qua một dải từ những phản ứng "bốc đồng", những thể hiện "rối loạn lưỡng cực" (bipolar disorder), rồi "giải thể nhân cách" (depersonalization) và "rối loạn quên" (amnestic disorder), đến "rối loạn quên phân ly" (dissociative amnesia), "rối loạn bỏ nhà ra đi phân ly" (dissociative fugue), rồi "rối loạn nhân cách tâm trạng bất ổn" (emotionally unstable personality disorder), và cuối cùng là "rối loạn định danh phân ly" (dissociative identity disorder), hay tên cũ thường dùng là "rối loạn đa nhân cách" (multiple personality disorder).

*** Tái hoà hợp (reunion)

Dù là những bốc đồng nhỏ, hay những trạng thái tâm lý tách biệt do tâm trạng bất ổn, cho đến những nhân cách khác nhau, thì đó cũng là hệ quả của việc chúng ta đè nén và/hoặc chèn ép nỗi đau (suppression/repression trong các cơ chế "tránh né nỗi đau"). Khi ở trong môi trường gây đau khổ (thuở nhỏ) thì những cơ chế tự vệ đó đã giúp bảo vệ chúng ta. Nhưng khi lớn lên, thoát ra khỏi môi trường đau khổ / áp lực đó rồi, thì chúng ta nên biết đối diện với nó, chấp nhận những phần khác nhau trong chính mình để kết nối chúng lại với nhau, "nói chuyện với nhau", "bắt tay nhau" để cùng nhau đối diện với nỗi đau vẫn còn bị giấu sâu bên trong, từ đó dần hoá giải nỗi đau đó. Chỉ khi nỗi đau bị giấu kín bên trong được soi sáng và hoá giải thì chúng ta mới có thể hoà lại thành một thể thống nhất được.

Có những người lớn bị stress vì áp lực (mới đây chứ không phải từ thuở nhỏ), mình chỉ hỏi chuyện để bày hết các phần mâu thuẫn trong đầu ra trước mắt, rồi gợi ý "như một người mẹ hiền thương con, mình phải biết chấp nhận sự tồn tại của những phần mâu thuẫn đó, rồi nói chuyện với chúng để chúng hiểu biết nhau hơn". Thế là không lâu sau những người ấy đã tự bình phục.

2. Tự kỷ và phổ hướng nội

Cũng như những "giới tính thứ ba" từng bị coi là "bệnh", việc gán nhãn "bệnh" cho những người trong phổ tự kỷ (từ nhẹ đến nặng) là việc làm "hết sức sai lầm" đối với những người mắc hội chứng này. Sai lầm vì tự kỷ nói riêng và hướng nội nói chung là sự khác biệt chứ không phải là "bệnh cần phải chữa". Vì con người nói chung là động vật xã hội nên đa số chúng ta có tính cách hướng ngoại, có nhu cầu giao tiếp cao, nên thường mặc định "đó là khoẻ, ngược lại là bệnh". Nhưng dưới con mắt của những người tự kỷ thì hoàn toàn ngược lại: chính những người "bình thường" mới là "ngu ngốc, chẳng biết gì", bởi họ chỉ biết "phe (đa số) của họ" mà chẳng hiểu gì về phía mình (phe tự kỷ) còn mình thì hiểu cả hai, chỉ là không giải thích được cho họ hiểu mà thôi (thường họ không chịu hiểu).

Những người "bình thường" có thể giao tiếp rất giỏi nhưng họ không biết rằng đó chỉ là bản năng. Họ nắm bắt và bắt chước các chuẩn mực chung của xã hội, các biểu hiện trong giao tiếp một cách bản năng, do họ có cùng cấu tạo hệ thần kinh với đa số người, nên thường chẳng (cần) biết chúng diễn ra như thế nào. Ngược lại, những người trong phổ tự kỷ lại có cấu tạo hệ thần kinh khác nhiều so với số đông nên, như những kẻ "từ trên trời rơi xuống", họ phải nỗ lực học hỏi rất nhiều trong từng giao tiếp nhỏ. Đa phần những thể hiện "bệnh hoạn" của họ là do họ chưa ý thức được (đủ) về sự khác biệt của mình, dẫn đến những hành động theo bản năng cho rằng "người khác cũng như mình và hiểu được mình" trong khi thực tế là ngược lại, nên bị phản tác dụng. Còn những người tự kỷ đã ý thức đủ về sự khác biệt của mình thì ngược lại không những có thể bắt chước những người "bình thường" mà còn hiểu rõ cơ chế bên trong của những hoạt động giao tiếp đó nữa. Và đó là số ít những người "tự kỷ hướng ngoại". Họ làm được những điều đó nhờ khả năng tập trung phi thường và sự học hỏi không ngừng nghỉ của họ.

Tuy nhiên, thường thì đa số người trong phổ tự kỷ và hướng nội sử dụng khả năng tập trung và học hỏi phi thường của mình để làm những "việc riêng trong thế giới riêng" của họ (vì nó thoải mái hơn, hiệu quả hơn). Họ có thể tỏ ra vô dụng, đần độn đối với mọi người nhưng chỉ khi (một số ít trong số) họ có cơ hội thể hiện ra thì mọi người mới biết họ chính là những thiên tài (thiên tài tự kỷ, autistic savants): từ Einstein, Mozart, Beethoven, cho tới Newton.

*** Phổ hướng nội & tự kỷ (Spectrum of Introversion & Autism [Grimes])

Thuật ngữ "hướng nội" (introvert) dễ gây hiểu lầm là "người muốn hướng vào trong và không muốn hướng ra ngoài". Đây cũng chính là hiểu lầm của đa số người, rằng người hướng nội / tự kỷ là những kẻ "không muốn giao tiếp, không có cảm xúc", v.v. Thực ra "hướng nội" chỉ là một thể hiện bắt buộc khi bị quá mệt mỏi với bên ngoài. Có thể do quá khác biệt (như não tự kỷ) hoặc do gặp những mâu thuẫn quá sâu sắc nào đó với bên ngoài mà người ta buộc phải quay vào bên trong. Tuy nhiên, "hướng nội" chỉ là thể hiện đối với đa số người "hướng ngoại" mà thôi, chứ hầu hết những người hướng nội và cả tự kỷ đều rất "hướng ngoại" với những người thân và thấu hiểu họ. Trong cộng động nhỏ đó, họ có thể nói rất nhiều, rất thích đi chơi, tiệc tùng, v.v. Tuy nhiên, dù trong cộng đồng nào thì họ vẫn thích chất lượng hơn số lượng, họ thường thấy những cuộc vui chơi, tán dóc là vô nghĩa, vô vị và lãng phí. Đối với họ, đa số người trên thế giới này đều chỉ "nói cho đã miệng chứ chẳng hề biết lắng nghe". Còn ngược lại, vì họ lắng nghe và suy ngẫm quá nhiều nên thường làm người khác nhàm chán.

Nếu "hướng ngoại" là hướng năng lượng ra bên ngoài và nhận năng lượng từ bên ngoài thì "hướng nội" đơn giản là chiều ngược lại với những ưu điểm như hiểu rõ bản thân, khả năng tập trung cao, tiềm năng sáng tạo cao, v.v. Nhưng khi nghiên cứu bộ trắc nghiệm tính cách "Big Five", mình đã không ngờ là quan điểm phương Tây lại cho rằng "hướng nội là tiêu cực, là một dạng khiếm khuyết". Về mặt này thì quả là phương Đông có nhiều "đất sống" hơn cho những người "hướng nội", với các triết lý và tôn giáo đề cao sự hướng về bên trong nội tâm. Dạo này, phương Tây cũng dần có cái nhìn tích cực hơn về "hướng nội". Và Grimes gần đây đã đề ra lý thuyết về một phổ liên tục từ hướng nội năng động, hướng nội thụ động, đến tự kỷ năng động (hội chứng Asperger), và cuối cùng là tự kỷ.

*** Tái hoà nhập

Dù là nạn nhân của nhiều sự kỳ thị và hiểu lầm của xã hội, dù việc "sống trong thế giới của riêng mình" luôn dễ dàng hơn đối với những người trong phổ hướng nội - tự kỷ, nhưng sau khi phát triển về bên trong nhiều rồi, những người hướng nội - tự kỷ nên quay về hoà nhập với bên ngoài, dùng chính những khả năng tập trung cao và quan sát sắc bén của mình để học lại "những điều cơ bản trong giao tiếp". Ngược lại, những người "hướng ngoại", sau khi đã phát triển nhiều về bên ngoài, cũng nên quay lại bên trong, để hiểu rõ bản thân mình hơn, cũng như hiểu và thông cảm hơn cho những người "lập dị" kia.

3. Đa nhân cách, tự kỷ, và "siêu năng lực"

Khi rút vào bên trong, những người tự kỷ và những "nhân cách trốn bên trong" có cơ hội tuyệt vời để "lên núi luyện công". Nó nổi tiếng tới độ có riêng một thuật ngữ cho nó gọi là "hội chứng savant", mà trong tiểu thuyết hay gọi là "bác học điên". Thử xem qua vài thiên tài tự kỷ trong thời hiện đại nhé:

  • Temple Grandin (1947) là một phó giáo sư ở ĐH Bang Colorado với khả năng thấu hiểu động vật. Nhờ khả năng "hiểu tiếng động vật" và khả năng quan sát tuyệt vời của mình, bà đã thiết kế ra nhiều mẫu chuồng trại và trang thiết bị mang tính nhân đạo cho các vật nuôi.
  • Stephen Wiltshire (1974) là một nghệ sỹ kiến trúc da đen sinh ra ở London. Anh có khả năng nhìn một lần rồi nhớ và vẽ lại cả một mảng phố (góc rộng panorama) chính xác tới từng chi tiết.
  • Daniel Tammet (1979) là một nhà diễn thuyết, tiểu thuyết gia người Anh với khả năng nhớ số và làm toán siêu việt. Anh thường "thấy và cảm nhận" các con số chứ không đơn thuần là "nhớ" như chúng ta. Anh còn có khả năng học ngoại ngữ siêu tốc... bằng trí nhớ hình ảnh (chứ không phải bằng trí nhớ âm thanh như người thường). Và anh còn tự chế ra ngôn ngữ riêng tên “Mänti” với khoảng 1 ngàn từ.
  • Aleksander Vinter (1986) là một nhạc sỹ Na-uy với nghệ danh Savant. Anh đã sáng tác hằng vạn bài nhạc điện tử.

Còn những người đa nhân cách thì sao? Để đối phó với những nỗi đau khủng khiếp, hẳn họ phải tự "luyện võ công" cho mình rồi: Người lớn (bên ngoài) bị mắt kém, thậm chí mù mà nhân cách con nít (bên trong) thì mắt vẫn sáng bình thường; nhân cách này bị dị ứng, bị mắc bệnh, còn nhân cách kia thì không; những nhân cách con nít vẫn nhớ như in những chuyện từ thuở nhỏ; khả năng học ngoại ngữ, viết chữ ngược, vẽ tranh, v.v. Tuy nhiên, khác với những thiên tài tự kỷ, hầu hết những khả năng kỳ lạ này đều được giấu kín vì chủ nhân của nó là những người bị tổn thương nặng, và chỉ được thuật lại một cách vô danh qua các tài liệu tâm lý học. Những người thân của mình trong phổ phân ly cũng có những nhân cách phát triển khả năng đặc biệt, nhưng có liên quan nhiều đến tâm linh nên mình cũng không tiện kể ra đây. Trên mạng, mình tìm ra được 2 trường hợp có tên tuổi:

  • Kim Noble (1961) là một hoạ sỹ người Anh với nhiều phong cách vẽ khác nhau. Trong 20 nhân cách của cô, 14 nhân cách có tài hội hoạ, và mỗi nhân cách có một phong cách khác nhau: có trườu tượng, có tâm linh, có con nít, có hiện thực,..., và có một nhân cách chuyên vẽ lại sự thực trần trụi của những ký ức bị lạm dụng tình dục thuở nhỏ của Kim.
  • B.T. (1972) là một phụ nữ với 10 nhân cách. Chị đã bị mù sau một tai nạn ở tuổi 20, nhưng không phải tất cả các nhân cách đều mù. Có một số nhân cách vẫn "thấy ánh sáng chớp tắt". Sau 4 năm kết nối các nhân cách lại với nhau, chị đã cải thiện rõ tình trạng thị giác, thấy nhiều hơn và có nhiều nhân cách đã thấy trở lại.

Với kinh nghiệm thiền và thôi miên, mình thấy các "siêu năng lực" của những người tự kỷ rất giống với năng lực của thiền định, và các biến đổi sinh lý "như phép lạ" của người đa nhân cách hoàn toàn không có gì lạ so với kinh nghiệm thôi miên. Chỉ có điều là qua đó, chúng ta có thể thấy khả năng kỳ diệu của tâm thức mà thôi. Vì sức mạnh ám thị (gợi ý, suggestion) của thôi miên quá mạnh, mà các liệu pháp hoà hợp “đa nhân cách” lại không thể tránh khỏi kỹ thuật thôi miên, nên hiện tượng “đa nhân cách” vẫn còn gây nhiều tranh cãi chưa được thống nhất trong tâm lý học hiện đại. Còn ở VN ta nói riêng và các nước Á Đông nói chung thì “đa nhân cách” thường được dân gian gán cho những cái mác siêu hình như “ma nhập”, “vong nhập”, khiến cho các “liệu pháp” mê tín diễn ra tràn lan (nổi cộm gần đây như hiện tượng Chùa Ba Vàng). Mình hay ví cách gọi “vong nhập” giống như nói “con gà con nhập vô quả trứng” vậy. Vì những nhân cách đó vốn đang hình thành ngầm bên trong, chỉ đợi đúng duyên (hoàn cảnh) thì nó mới xuất hiện, mà dân gian lại gọi là “nhập vào”. Cũng như sức mạnh ám thị của thôi miên, những liệu pháp “trục vong” có tác dụng tức thời, nhưng về lâu dài thì nó lại phản tác dụng. Vì đáng lẽ phải chấp nhận thực tế (các nhân cách / tâm hồn / linh hồn bên trong đó) để hoà hợp chúng lại, theo đúng như chánh pháp của nhà Phật, thì các liệu pháp “trục vong” lại bắt nó phải “xuất ra”. Nhưng nó vốn từ bên trong phát triển ra thì làm sao mà “xuất ra” được, chỉ có cách là bị đè nén, chôn vùi xuống mà thôi. Càng chôn vùi vào bóng tối, những nhân cách đó càng tách biệt, lập dị (quậy phá) và càng khó có cơ hội hoà nhập.

Nhận xét

ComputerBoy đã nói…
fb note: https://www.facebook.com/notes/818683785551923/
ComputerBoy đã nói…
Lê Định @ fb:
"Những kẻ bị tổn thương là những kẻ tiến hoá hơn!"
Đó là một thông điệp khá hay của phim Split (Tách Biệt), nhưng đáng tiếc là cũng như những phim trước đó về đa nhân cách, Split vẫn khắc hoạ một ấn tượng rất sai lầm về những "bệnh nhân đa nhân cách" như những kẻ giết người nguy hiểm 🙁 Ngược lại, trong phim lại chẳng đề cập gì tới tuổi thơ khủng khiếp của nhân vật đa nhân cách, ngoài vài lời của BS Fletcher nói với Dennis (Kevin) rằng "... vì lúc nhỏ anh đã bị lạm dụng" và Dennis nói với bà rằng "Mẹ của Kevin đã có nhiều cách hiểm ác để trừng phạt một đứa trẻ 3 tuổi". (Chỉ có một tiểu tiết là "cậu bé Hedwig thích cửa sổ... một cửa sổ bằng giấy" mà chỉ có những "người trong cuộc" mới hiểu đó là gì, còn với đa số người xem thì có lẽ đó cũng chỉ là một chi tiết tạo nút thắt cho nhân vật Casey có hi vọng tẩu thoát rồi dập tắt hi vọng đó mà thôi.)
ComputerBoy đã nói…
Lê Diễm @ fb:
Nghe xong câu chuyện thật hay và thực tế hơn phim nhiều. Phim thì hơi viễn tưởng chút về tính cách những người đa nhân cách. Những người đa nhân cách nhiều khi lại tình yêu, tình thương bao la hơn những người bình thường là đằng khác. Vì vậy họ mới tổn thương đến như vậy? Nên mới chia nhân cách ra như vậy? Đó là sự thể hiện cho sự chịu đựng nổi đau quá lớn đến độ lập thêm 1 nhân cách mới một người mới để chịu đựng và chống chọi với nỗi đau mà tiếp tục cuộc sống. Nếu không như thế thì nhiều người đã không sống nổi rồi? Và nạn tử tự chắc vô số kể rồi? Hiiihiii...1 phần nhân cách bên trong em thấy vậy.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Đây là con chim!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi

Spirorus, the structure of spacetime ;)