Tản mạn Ngữ âm

Híc, hôm nay vì tranh luận với tay Nam trong lúc hát kara-ôkê (làm ơn đọc chữ này như vậy giùm, đừng chuyển sang thành "kaeri-ớuki" kiểu Mỹ1) mà cái đầu mình lại lan man tản mác sang cái rừng ngữ âm! Vì không muốn đi lan man nhiều quá nên quyết định viết ra đây để cho nó chấm dứt :D

  • Lạc hậu mấy chục năm! "ơ-â-ă-a" thế mà lại gần nhau nhỉ! Đầu tiên là khi mình mới học tiếng Anh, chỉ biết Phiên âm Quốc tế (PÂQT, IPA) /ʌ/ của những chữ luck, cup, but, v.v. đọc là "â". Sau đó, khi học thêm tiếng Anh ở Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Cần Thơ, mình mới được thầy "truyền" cho rằng "... nhưng mà người Mỹ đọc /ʌ/ thành ă" (Có lẽ vì thầy đi Mỹ nhiều). Lúc đó bọn mình học chữ introduction mà đọc thành "intrô-đắc-s(ư)n" nghe cũng mắc cười, nhưng nghe riết rồi cũng quen :) Tò mò với kiểu biến âm đó, mình xem lại tiếng Việt, thấy cũng có hiện tượng tương tự: -ây-ay như thầythày, nhẩynhảy, thẩy2thảy; -âp-ăp như chậpchặp; nhấpnhắp; lấp3lắp; -ât-ăt như hấthắt; -ăc-âc như khắc3khấc; v.v. Và ở nhiều địa phương thì biến âm âă diễn ra rất phổ biến, hoặc thậm chí hoàn toàn không còn âm â. Mình còn nhớ hồi đó mình có ví kiểu nói "intrô-đắc-s(ư)n" giống cái như câu nổi tiếng "Thổ địa là ong thằng ở dứ đắc" của một địa phương nào đó ở miền Tây mà mình quên rồi. Thế nên mình cũng luôn quan niệm phát âm /ʌ/ thành ă trong tiếng Anh cũng là không chuẩn, tức không phải là giọng Anh chuẩn. Không ngờ hôm nay bạn Nam bảo rằng có bạn bên Anh về nói rằng /ʌ/ đọc là ă thì mình mới "hết hồn" :( Không ngờ khi check lại thì thấy quả là từ sau Thế chiến II người Anh cũng đã dần chuyển từ â sang ă! Chắc bây giờ Nữ hoàng Anh cũng đọc "intrô-đắc-s(ư)n" mất rồi!!! Đúng là mình lạc hậu thật.
    Tuy nhiên, mình thấy âm /ʌ/ trong tiếng Anh cũng không thể hoàn toàn chuyển sang ă được. Chỉ khi đứng trước những phụ âm "chặn họng" (Eng. "stop consonant" :P) như /p/, /t/, /k/ thì mới chuyển sang ă một cách tự nhiên được. Ví dụ but, cup, luck thì mình đọc tự nhiên cả "bắt(tờ)", "cắp(ờ)", "lắc(khờ)" (nếu muốn nhấn mạnh), lẫn "bất(tờ)", "cấp(ờ)", "lấc(khờ)"; trong khi bus, stuff, gun, study, honey thì mình không thể đọc thành "bắt(xờ)", "stắp(fờ)", "găn", "xtáđi", "háni" một cách tự nhiên được. Thắc mắc về hiện tượng "không thể và có thể" này, mình dùng ngữ âm học để phân tích thì thấy rằng âă đều là âm ngắn và đều gần a nên việc chuyển đổi qua lại là dễ hiểu, nhưng ă có phần ngắn hơn nên khi không bị chặn bởi những phụ âm /p/, /t/, /k/ thì khó phát âm.
    Quan hệ giữa ơ[ə], â[ʌ], ă[ɐ], và a[a] có thể được tóm tắt như sau:
    - â[ʌ] là ơ[ə] rút ngắn như trong cách phiên âm â/ə/ và ơ/ə:/ của ngữ âm tiếng Việt, hay như trong PÂQT của các từ tiếng Anh does/dəz|dʌz/, current/'cə:rənt|'cʌrənt/.
    - ă[ɐ] là a[a] rút ngắn như trong cách phiên âm ă/a/ và a/a:/ của ngữ âm tiếng Việt.
    - â[ʌ] và ă[ɐ] đều có liên quan đến a[a] như trong cách viết chữ Quốc ngữ tiếng Việt.

  • Nhưng vẫn mang tinh thần cách mạng! Lúc nhớ đến biến âm âă trong tiếng Việt, mình bỗng giật mình khi thấy rất nhiều biến âm -ây-ay mà trông chữ viết thì lại có vẻ như là â biến thành a! Kì thực không phải vậy đâu :p Số là chữ Quốc ngữ nhà ta được tạo ra được từ hơn một thế kỉ trước rồi, khi mà hệ thống PÂQT còn chưa phát triển và đa số các cố đạo Bồ-La đã phiên âm tiếng Việt dựa trên kinh nghiệm là chính... thế nên có nhiều chỗ không đúng luật ngữ âm cho lắm. -ây vốn là -ơi rút ngắn, còn -ay vốn là -ai rút ngắn, nên đúng ra phải viết tất thành -âi-ăi thì mới "hợp luật ngữ âm". Nhưng vì hiệu ứng của "rút ngắn" với "nhấn mạnh" giống nhau nên 2 âm -âi, -ăi lại trở thành hai âm "nặng", mà hễ cứ từ "nhẹ" chuyển sang "nặng" thì đổi i-ngắn thành y-dài! Mà viết -ăy thì có vẻ dư thừa quá, nên chỉ cần viết -ay thôi vậy :)
    Đấy, tác dụng của chữ y-dài này đa phần là để nhấn mạnh đấy thôi. Ngày xưa, các cụ muốn nhấn mạnh cả "sắc thái ý nghĩa" nên mới dùng chữ y-dài này cho nó "sang". Nhưng sau này các cháu nghiên cứu về ngữ âm thì lại cho rằng dùng chữ y-dài cho nguyên âm đơn /i/ là dư thừa, nên mới cải cách và sinh ra "loạn mười hai chữ i" :D Bây giờ mình lại hăng máu "cách mạng" bảo rằng chỉ cần thêm chữ w thì vừa có thể "thống nhất chữ i" vừa "công bằng" hơn cho ngữ âm Nam bộ ;) Ví dụ nổi tiếng nhất của "phe bảo thủ" có lẽ là ThuýThúi :p Tuy nhiên nếu nhìn vào vị trí bỏ dấu cũng biết là âm -uy nhấn ở y và âm ui nhấn ở u (ở đây y-dài cũng chỉ để "nhấn mạnh"). Vậy nên viết uy lại thành wi4 là "hợp với ngữ âm" nhất! Mà điển hình là người miền Nam vẫn gọi đại uýđại wí đấy thôi :)

  • Suy ngẫm để biết cảm thông! Nhắc đến âm /w/, mình lại nhớ đến 2 bán phụ âm Nam bộ không có trong phát âm Bắc bộ là /w/(vd. hoa/wa/) và /j/(vd. da/ja/)4. Tuy trong tiếng Việt thì nó bị gọi là "sai chính tả", nhưng đó lại là lợi thế của người miền Nam khi học tiếng nước ngoài có những bán phụ âm đó. Ví dụ đa số người miền Bắc phát âm you thành "iêu", one thành "oan", やま thành "iama", わたし thành "oatasi". Về hai bán phụ âm này, lúc đầu mình có hơi khó chịu khi nghe các bạn phát âm như vậy nhưng sau thì mình đã sớm nhận ra đó là do đặc trưng của tiếng mẹ đẻ, cũng như người VN cả hai miền đều đọc sai chữ the(NamVN."đờ", BắcVN."giờ") vậy. Tuy nhiên, dạo gần đây, mình lại gặp một số từ tiếng Anh các bạn mình nói mà mình nghe không ra: nào là "đai-hát", rồi nào là "snôu bót", v.v. Khi biết là họ đang nói về die-hardsnow board thì mình lại chẳng thể hiểu sao họ không đọc là "đai-ha", với "snôu bo" giống như người miền Nam cho nó gần với nguyên bản hơn!?... Lần này thì không thể dùng đặc trưng ngôn ngữ để giải thích một cách đơn giản như hồi đó được nữa :(

  • Lịch sử thế mà hay! Hôm nay, sẵn đà nghiên cứu ngôn ngữ và ngữ âm, mình đã giải ra bài toán "đai-hát" đó khi nhớ lại cách phiên âm tên nước ngoài trong lịch sử! Quả là nếu trong Nam ông Descartes được gọi là "Đề-cạc" thì ngoài Bắc ổng được gọi là "Đề-các", nếu trong Nam cái card được gọi là "cạc" thì ngoài Bắc nó được gọi là "các". Vậy nên vấn đề "đai-hát" cũng không có gì là khó hiểu lắm :D! Tuy nhiên, khi nghĩ thêm một tí nữa thì lại thấy "cũng không hẳn vậy!" Vì ngoài những từ mang tính lịch sử như trên ra thì người miền Nam cũng ít khi thêm dấu vào những âm "-rt" hay "-rd". Ví như có câu "hát chế" hồi thời trẻ con là "Tò te Rô-be đánh đu Tặc-dăng nhảy dù..."(RobertRô-be). Lại thấy âm "-rt"/-:t/ với "-rd"/-:d/ đều là âm kéo dài (như heart/ha:t/, hard/ca:d/) thì việc phiên âm không dấu là "tự nhiên" hơn. "Nhường" thêm tí nữa thì... vì /t/ là phụ âm tắc nặng nên /ha:t/ còn có thể thành "haát", chứ /d/ nhẹ thế (hầu như không nghe thấy) thì làm sao /ha:d/ có thể thành "hát" được :? Cách nghĩ thiên về ngữ âm thế này có vẻ bế tắc rồi. Lại phải quay về với lịch sử thôi! Có lẽ là trong 20 năm Chiến tranh VN, dưới sự kiểm soát của Mỹ, dân miền Nam đã có dịp làm quen với phát âm tiếng Anh(Mỹ), còn trong khi đó thì miền Bắc vẫn giữ thói quen cũ từ thời Pháp thuộc, hay thậm chí từ ảnh hưởng của các cố đạo Bồ Đào Nha. Và chắc có lẽ (mình không biết) trong những ngôn ngữ đó (không phải tiếng Anh) thì các âm "-rt" và "-rd" có phát âm nặng nên dân ta đã phải dùng các thanh trắc (sắc/nặng) để phiên âm.
    Hết lịch sử tiếng ta lại đến lịch sử tiếng tây! Để giải đáp bài toán "ʌ-â-ă", mình đã phải tìm hiểu lịch sử của phát âm tiếng Anh chuẩn và tình cờ biết được cuộc "Đại chuyển âm"! "Bí kiếp" lịch sử này đã giải toả mình khỏi những khó chịu khi học tiếng Anh về những kiểu phát âm lộn xộn và khác thường của nó như e[i:|e:], a[ei|a:], o[oʊ|u:|o:|ɔ:|ʌ], v.v.


______________
1 karaoke: Chữ này là do người Nhật-bổn chế tạo ra từ 2 chữ 空(Hán-Việt "không") + orchestra(Việt "dàn nhạc"), nghĩa là "empty orchestra" hay "dàn nhạc không người hát". 空 đọc là カラ(kara) còn orchestra đọc là オーケストラ(ôukêxutôra) nên ghép lại thành カラオケ(karaôkê). Người Anh/Mỹ thì hay đổi cách đọc chữ nước ngoài sang cách đọc của mình (trong trường hợp giữ nguyên chánh tả của nước ngoài) như Paris("pari"→"páeris"), café("cafê"→"cáefêy"), nên chữ karaoke này cũng không phải là ngoại lệ "karaôkê"→"kaeriớuki"! Chú ý này dành cho những bạn ở Âu-Mỹ. Ở Việt Nam thì mọi người vẫn đọc "kara-ôkê" nhưng e rằng các bạn ở Âu-Mỹ lâu hoặc lớn lên ở đó thì đọc thành "kaeri-ớuki", vừa quá khác nguyên bản (của Nhật), vừa không tự nhiên trong tiếng Việt. Mình thiết nghĩ trong tiếng Anh không có âm "a"/a/(chỉ có "aa"/a:/) lẫn âm "ê"/e/(chỉ có "êy"/ei/) nên họ phải phiên âm lại là phải, còn trong tiếng Việt ta có đủ các âm đó nên cứ để như "nguyên gốc" mà đọc :)

2 thẩy: Động từ thẩy có nghĩa tung là một từ địa phương Nam bộ. Mình cứ đinh ninh nó là từ phổ thông cho đến khi mấy người miền Bắc không hiểu ra! :D Còn "hết thẩy" thì chắc hẳn là từ phổ thông.

3 Những từ này không đồng nghĩa nhưng gần nghĩa, có thể có chung gốc.

4 [ɪ̯], [ʊ̯] Vs. [j], [w], : hai bán nguyên âm [ɪ̯], [ʊ̯] và hai bán phụ âm [j], [w] được gọp chung lại thành 2 âm vị /j/ và /w/. Bán nguyên âm [ʊ̯](u-, o-) là động lực chủ yếu của việc cải cách kiểu gõ dấu thanh. Sở dĩ "kiểu mới" không viết hòa hay hủy là vì không thể bỏ dấu vào /w/ trong /hwa/ và /hwi/ mà phải bỏ dấu vào nguyên âm chính hoà/hwà/, huỷ/hwỉ/. Ngữ âm Nam bộ thì vừa chuyển bán nguyên âm [ʊ̯] thành bán phụ âm [w] vừa nhập chung các phụ âm /h-/, /k-/ vào với /w-/ (hoà/wà/, huỷ/wỉ/), lại còn chuyển các phụ âm /v-/, /z-/ thành bán phụ âm [j] (vd. và/jà/, già/jà/, dà/jà/).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các tầng Ý nghĩa của các con Số

Flan, một cái bánh, ôi quá nhiều cái tên!

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Nước Đá

Làm sao để Buông xả, Dừng lại & Tập trung vào Hiện tại?

Emoji ☺️

Đây là con chim!

Một giấc mơ thú vị & những ý nghĩa sâu sắc

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi

Spirorus, the structure of spacetime ;)