Gió đưa cây cải về trời...

Ầu ơ...
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay!
Ra Côn Đảo, mình mới cảm nhận được hết cái bi thương của câu ca dao đó. Ngoài ý nghĩa của sự khổ đau khó nhọc trong cảnh chia lìa người thân, câu ca dao còn gắn liền với lòng yêu nước và sự tiết hạnh của người phụ nữ nước Nam, qua truyền thuyết (*) về bà Phi Yến:

Tục truyền rằng thuở chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, ông đã chạy ra đảo Côn Lôn (đảo chính của Côn Đảo), mang theo vợ con và mớ tàn quân. Để thực hiện ý đồ đánh bại Tây Sơn, ông đã quyết định đưa hoàng tử Hội An (tên tục là Cải) làm con tin cùng cố đạo Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux) sang Pháp cầu viện. Mẹ của hoàng tử Hội An là bà phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm) hết sức can ngăn, mong chồng đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà" để người đời chê trách. Chúa Nguyễn Ánh không nghe mà nghi bà có ý thông đồng với Tây Sơn nên tống giam bà vào hang đá ở đảo Côn Lôn Nhỏ (nay tên là Hòn Bà).

Ngay sau đó, quân Tây Sơn truy đuổi tới nơi, Nguyễn Ánh rút chạy về đảo Phú Quốc, bỏ lại bà phi Yến trong hang đá. Lên thuyền, không thấy mẹ đâu, hoàng tử Hội An mới 4 tuổi đã khóc lóc đòi mẹ theo hoặc ở lại với mẹ. Chúa Nguyễn Ánh tức giận cho là đồ phản phúc nên ném hoàng tử xuống biển, xác trôi dạt vào đảo Côn Lôn. Người dân ở đây đem xác cậu chôn cất và lập miếu thờ.


(Miếu Cậu, phía sau là mộ cậu Cải)

Bà phi Yến thì được con vượn bạch và con hắc hổ cứu đem về làng. Bà sống ở làng chăm nom mộ cậu, tưởng đã bình yên... Nhưng trong một dịp lễ trai đàn của làng, bà bị một tên đồ tể giở trò, và bà đã tuẫn tiết để giữ tròn tiết hạnh. Dân làng lập miếu thờ bà bênh cạnh hồ An Hải và hằng năm tổ chức giỗ Bà vào ngày 18 tháng 10 âm lịch.


(Bàn thờ bên trong An Sơn Miếu, tức Miếu Bà)

Trong Miếu Bà, bên cánh tả có đề "quốc thái dân an", bên cánh hữu có đề "phong điều vũ thuận" (mưa thuận gió hoà). Người dân ở đây đã mượn cái đức độ của Bà mà cầu sự yên lành cho nước non bá tánh. Thời thế mà Miếu Bà được đặt là An Sơn Miếu, hồ bên cạnh là hồ An Hải, và biển bên dưới là bãi An Hội vậy.

___________________________
  • Đây là một truyền thuyết của dân Côn Đảo kể sự tích ra đời của một câu ca dao trong dân gian. Tuy nó đã được lưu truyền rất phổ biến nhưng chỉ thể hiện niềm tin của người dân nơi đây, chủ yếu xuất phát từ các tù nhân trong thời kỳ nhà tù Côn Đảo, chứ không phản ảnh đúng sự thật lịch sử: Từ thời chúa Nguyễn Ánh cho tới thời hoàng đế Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh không có vợ/phi nào là "Yến" hay hoàng tử nào là "Hội An". Ngay cả việc Nguyễn Ánh chạy ra đảo "Cổ Long" (Koh Kong) bên bờ Campuchia, gần Phú Quốc, cũng bị nhầm lẫn thành đảo "Côn Lôn" tức Côn Đảo.
  • Trong dân gian còn có một phiên bản khác của câu ca dao này là "Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay." Và với dị bản này ("lời" thay cho "đời") thì không thể giải thích bằng sự tích bà Phi Yến này được.

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
cám ơn bài víêt rất hay, tham khảo ý nghĩa của bác.
Du lịch Đà Nẵng đã nói…
hay.hay..rất làng quê :)
mrvuductri đã nói…
Bài viết rất quê hương!
tieunguyethq đã nói…
tks b nhìu, bài viết rất hay.^^
Hợp's Blog đã nói…
CẢM ƠN BẠN BÀI VIẾT HAY
haadgroup đã nói…
hay, cảm ơn bạn đã cho mình biết về sự tích này
THƯƠNG THƯƠNG đã nói…
bài viết ý nghĩa, thêm hiểu lịch sử...
tahopro đã nói…
Tôi thích những mẫu chuyện này.

Bài đăng phổ biến từ blog này

☯ Làm mịn hình sóng = Âm-Dương giao hòa = Giải thoát

Cây Kiến Thức & nguồn gốc của Khổ đau

"Logistic" là gì?!

3 chặng đúng-sai

Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa

Con ngươi, đồng tử, pupil

Chỉ một chữ "Thương"

Con Ukhoatpklà 😃

Cái sướng của vô minh (The bliss of ignorance)